Truyền dịch không đúng chỉ định, không đúng thời điểm không những không mang lại hiệu quả mà còn làm cho bệnh nặng thêm, có khi dẫn đến tử vong.
Một bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh - Ảnh: T.THỦY
Thời gian gần đây, mỗi tuần Phú Yên có khoảng 400 bệnh nhân đến các bệnh viện và phòng khám tư để khám do sốt, trong số đó có gần 200 ca do sốt xuất huyết. Theo bác sĩ Phạm Văn Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi, so với cùng thời điểm này năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện tăng gấp 3 lần. Tuy nhiên, năm nay số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở dạng cảnh báo và nặng phải cấp cứu rất nhiều. Ngoài số bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc (mạch: 0, huyết áp: 0), có bệnh nhân bị dịch tràn thành bụng mà nguyên nhân chính là do dư lượng nước truyền gây khó khăn trong điều trị.
Theo các bác sĩ, nhiều người hiện vẫn chưa hiểu đúng về bệnh sốt xuất huyết. Thực ra, trong điều trị sốt xuất huyết, sốt trong 3 ngày đầu lại có ý nghĩa bảo vệ cơ thể. Chính nhiệt độ cao khống chế sự nhân lên của virus trong cơ thể. Việc truyền dịch để hạ sốt cũng đang bị hiểu sai, lạm dụng. 3 ngày đầu kể từ khi mắc bệnh, cơ thể có thể thiếu dịch do sốt cao, ăn uống kém. Điều này có thể bù lại bằng cách uống nhiều nước lọc, nước rau, hoa quả... Chỉ nên truyền dịch trong trường hợp không ăn uống được, nôn ói dữ dội.
Thực tế, nhiều trường hợp bị sốt xuất huyết trong những ngày đầu đã tự ý đến các phòng mạch tư truyền dịch, hoặc bác sĩ không nắm rõ nguyên tắc truyền dịch trong sốt xuất huyết đã vô tình làm cho tình trạng bệnh nặng thêm, đa số các trường hợp này phải kéo dài thời gian điều trị gấp đôi hoặc có thể bệnh diễn biến phức tạp, dẫn đến tử vong.
Đầu tháng 7, bệnh nhân N. khi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng suy đa phủ tạng và sau đó tử vong. Theo bác sĩ Châu Khắc Toàn, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân này có bệnh diễn biến nặng là do truyền dịch tại nhà (cơ sở tư nhân). Tại đây, người truyền dịch không thực hiện đúng liều lượng theo cân ký, cũng như tốc độ truyền. Bác sĩ Toàn cũng lưu ý, tại bệnh viện, một số người nhà bệnh nhân khi thấy con của mình được y tá gắn dây truyền dịch nhưng không cho dịch chảy hoặc chảy chậm là tỏ ra hoang mang. Có trường hợp người nhà tự ý chỉnh nút cho dịch chảy. Thực ra, việc cho dịch chảy hay không là chủ ý của bác sĩ, nghĩa là lượng dịch vào cơ thể đã đủ và bác sĩ cố ý giữ lại đường truyền. Vì có những trường hợp bệnh nhân chuyển biến nặng nên rất khó trong việc tìm đường truyền ở tỉnh mạch. Người nhà bệnh nhân tự ý điều chỉnh dễ dẫn đến tác hại, vì liều lượng dịch truyền cho mỗi người đã được máy tính kỹ. Để điều trị bệnh sốt xuất huyết trong giai đoạn sốc, bác sĩ sẽ cho truyền các loại dịch truyền nhằm bảo đảm phục hồi thể tích dịch bên trong lòng mạch máu. Lúc này, bác sĩ phải đối phó với tình trạng hết sức khó khăn, vì bên ngoài mạch máu nước ngập đầy nhưng trong lòng mạch máu thì không có đủ thể tích máu, áp lực không đủ để đưa máu lên nuôi não, tim, gan…, từ đó dẫn đến bệnh nhân bị tổn thương đa cơ quan và tử vong.
Theo bác sĩ Toàn, ngoài biến chứng gây chết, quá tải dịch truyền sẽ làm cho thời gian điều trị kéo dài do nước vào phổi, phải thở máy. Những ngày đầu sốt xuất huyết khởi phát, nếu truyền dịch sớm sẽ không tốt cho bệnh nhân, nghĩa là không phải hễ chẩn đoán sốt xuất huyết là truyền dịch. Vì truyền dịch phải đúng chỉ định, đó là khi bệnh nhân không ăn uống được, ói dữ dội trong những ngày đầu và khi bệnh nhân bị tụt huyết áp, cần đưa vào lượng dịch bù cần thiết. Lượng dịch truyền sẽ khác nhau cho mỗi người bệnh.
Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành yêu cầu các cơ sở điều trị phải tuân thủ phác đồ điều trị sốt xuất huyết. Đối với các bệnh viện tư nhân, khi phát hiện bệnh nhân sốt xuất huyết thì chuyển đến các bệnh viện công chuyên điều trị sốt xuất huyết nhằm tránh tình trạng bệnh chuyển nặng, biến chứng, chết.
VŨ HOÀNG