Chủ Nhật, 22/09/2024 12:27 CH
Phường 6 (TP Tuy Hòa):
Hai sự kiện đặc biệt trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945
Thứ Năm, 19/08/2010 13:30 CH

Phường 6 (TP Tuy Hòa) rất tự hào về hai sự kiện đặc biệt diễn ra tại địa phương ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Nơi bắt giữ Ngô Đình Diệm (sau này là Tổng thống Việt Nam cộng hòa) và là nơi hoạt động một thời gian của cô Ba Định (đồng chí Nguyễn Thị Định, sau này là thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam).

 

mai-sanh100819.jpg

Ông Mai Sanh chỉ về nơi đã bắt Ngô Đình Diệm ở Phường 6 cách đây 65 năm - Ảnh: X.LUẬT

 

BẮT GIỮ NGÔ ĐÌNH DIỆM

 

Năm nay tròn 83 tuổi, đã yếu nhiều, đi lại khó khăn do hậu quả đòn roi tra tấn trong những năm bị địch bắt và đày ra Côn Đảo, nhưng ông Mai Sanh ở phường 6 vẫn nhiệt tình ra tận bờ sông Đà Rằng, chỉ cho chúng tôi nơi ông trực tiếp bắt giữ Ngô Đình Diệm 65 năm trước.

 

Ông Mai Sanh cho biết, vốn là ngư dân nghèo, nên khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông cùng các thanh niên trong phường hồ hởi tham gia cách mạng. Hoạt động năng nổ tích cực, ông được bầu làm đội phó đội tự vệ phường 6, làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và sẵn sàng chiến đấu. Ông nhớ như in, vào đêm 30/8/1945, trong khi đi tuần dọc bờ sông Đà Rằng, ông và cụ Lê Thân, một lão bạch đầu quân, phát hiện một chiếc thuyền lạ. Lập tức hai người báo cáo với ông Phạm Xút, thành viên Ủy ban Cách mạng lâm thời (UBCMLT) phường 6 và được lệnh kiểm tra chiếc thuyền này. Lúc này còn sớm quá nên hai ông ghé qua một chiếc thuyền khác của một ngư dân trong phường tên là Lưu theo dõi. Là người từng trải sông nước, có nhiều chuyến đi biển vào tận các tỉnh miền Nam, ông Mai Sanh thấy chiếc thuyền này vẽ mắt tròn kiểu miền Nam, khác với thuyền miền Trung vẽ mắt dài, ông càng sinh nghi. Đến 5g sáng ngày 1/9/1945, hai ông bơi sõng sang chiếc thuyền lạ, thấy trên đó có giỏ trái cây, gạo, đường sữa và nhiều thứ khác. Đặc biệt, hai ông phát hiện trên thuyền có tên Nguyễn Thành Hưng (tức Bang Hưng), một tên gian ác nổi tiếng ở TX Tuy Hòa lúc bấy giờ, cùng một số người lạ, trong đó có một người to béo, đội khăn đóng, mặc áo dài, đi giày đen. Ông Mai Sanh yêu cầu Bang Hưng và người lạ mặt to béo vào bờ kiểm tra, nhưng cả hai không chịu rời thuyền. Thấy vậy, cụ Lê Thân dứ dứ con dao, còn ông Mai Sanh thì rút sợi dây thừng trong người ra, người lạ mặt mới xuống nước, nói giọng khu Tư nằng nặng: “Thủng thẳng rồi tụi tau đi, chớ làm chi mà hung dữ rứa mi!”. Hai ông giải Bang Hưng và người lạ mặt về lẫm (đình) phường 6, giao cho cán bộ UBCMLT phường lập biên bản. Lúc này, người lạ mặt mới khai là Ngô Đình Diệm, Thượng thư Bộ Lại của triều đình Bảo Đại, đang trong lúc công du ở miền Nam, nghe tin triều đình Bảo Đại bị lật đổ, mới quay trở về tìm cách khôi phục chế độ cũ.

 

Có một chi tiết khá thú vị là sau khi lập biên bản, ông Mai Sanh và cụ Lê Thân được UBCMLT phường 6 giao nhiệm vụ gọi xe kéo đưa Bang Hưng và Ngô Đình Diệm lên UBCMLT TX Tuy Hòa. Có người hương bộ thấy Ngô Đình Diệm thì tỏ vẻ sợ sệt, cúi lạy và nói: “Mấy ông có biết là đang bắt giữ cụ Thượng Ngô Đình Diệm không? Mai mốt cụ chặt đầu các ông đó!”. Cụ Lê Thân bèn trừng mắt: “Chính quyền đã về tay nhân dân, còn sợ gì!”.

 

Trong thời gian bị tạm giữ ở TX Tuy Hòa, chính quyền cách mạng địa phương được lệnh cấp trên phải xử sự tử tế đối với Ngô Đình Diệm. Sau một thời gian trú ở nhà thờ Công giáo TX Tuy Hòa, Ngô Đình Diệm được đưa về ở nhà một cán bộ Việt Minh là ông Đặng Chuyển tại phường 1. Thực hiện lệnh của cấp trên, ông Đặng Chuyển đã đối xử rất tử tế với Ngô Đình Diệm, nhường bộ ván đẹp nhất ở gian nhà giữa cho Ngô Đình Diệm nằm, làm gà cho Ngô Đình Diệm ăn.

 

Một thời gian sau, được lệnh của Trung ương và UBNDCM Trung bộ, tỉnh Phú Yên cử ông Hoàng Văn Phúc, Tỉnh ủy viên và ông Lê Công Như, cán bộ Ty Trinh sát Phú Yên vào phối hợp với Việt Minh TX Tuy Hòa đưa Ngô Đình Diệm ra tỉnh lỵ Sông Cầu, trước khi đưa ông ta ra Huế và ra Hà Nội.

 

Dù làm tay sai bán nước, nhưng sau này Ngô Đình Diệm vẫn thừa nhận sự đối xử tử tế của cách mạng với ông ta trong thời gian bị bắt, bị tạm giữ ở Tuy Hòa.

 

KỶ NIỆM VỚI CHỊ BA ĐỊNH

 

Hơn một năm sau, tại phường 6 còn đón nhận một sự kiện đặc biệt khác: Vào khoảng đầu tháng 6/1946, bà Nguyễn Thị Định đã đến phường 6 để chuẩn bị việc tiếp nhận vũ khí của Trung ương chi viện chuyển về Nam. Trong thời gian khoảng 3 tuần ở Phú Yên, bà Nguyễn Thị Định sinh hoạt cùng chị em trong Hội Phụ nữ phường. Ban đêm, bà phổ biến một số chủ trương chính sách của Đảng Cộng sản Đông Dương, tình hình trong nước và thế giới cũng như phong trào cách mạng. Ban ngày bà cùng với trung đội tự vệ nữ luyện tập quân sự và tập bơi lội, bơi thúng chai rồi bơi xuồng. Bà Lê Thị Thuẩn, nguyên nữ tự vệ phường 6, kể lại: “Chị Ba Định tập bơi chăm chỉ lắm, chỉ thời gian ngắn chị bơi đã thành thạo. Chị Ba đôn hậu, hòa đồng, dễ gần nên ai cũng mến, coi như người chị trong nhà”.

 

Sau một thời gian chuẩn bị, số vũ khí do Trung ương cấp được chở bằng tàu hỏa từ Quảng Ngãi đã tập kết đầy đủ tại Phú Yên. Rạng sáng ngày 22/6/1946, bà Nguyễn Thị Định thông báo cho ban chỉ huy trung đội tự vệ biết để làm nhiệm vụ bảo vệ việc vận chuyển vũ khí xuống thuyền. Cùng lúc đó có một chiếc thuyền to cập bến. Anh em trong đội tự vệ như Phan Xâu, Trần Cộ, Phạm Yên… và các cụ trong đội Bạch đầu quân như Lê Thân, Phan Gần, Hồ Mười… tham gia khuân vác vũ khí xuống thuyền. Đến 4g sáng, con thuyền tiến ra cửa sông Đà Rằng, vượt biển về Nam, mang theo 12 tấn vũ khí Trung ương chi viện cho chiến trường Nam Bộ.

 

Ông Mai Sanh nhớ lại, đến khoảng 7g sáng, có một cơn bão rớt nổi lên, bà con phường 6 ai cũng lo cho chị Ba Định và mọi người trên thuyền. Sau này, nhận được tin là con thuyền đã cập bến Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) an toàn, ai cũng mừng. Năm 1992, chị Ba Định trở lại thăm tỉnh Phú Yên, gặp lại  nhiều chiến sĩ tự vệ và bà con phường 6, xúc động ôn lại chuyện xưa, tình cảm của nhân dân phường 6 và chị Ba càng thắm thiết…

 

PHAN XUÂN LUẬT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek