Chủ Nhật, 22/09/2024 18:40 CH
Những mẩu chuyện trong chiến tranh
Thứ Hai, 23/04/2007 07:15 SA

NHỮNG NĂM LẠT MUỐI

 

Bình thường, tiêu chuẩn một người một tháng là 0,75kg muối và còn có nước mắm ăn nữa. Thế nhưng những năm lạt muối thì lại khác.

 

070423-hang-hoa.jpg
Tiếp nhận hàng hóa từ B3 vận chuyển về Phú Yên - Ảnh: T.L
Năm 1961, tôi ở Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên. Do thiếu muối, đồng chí Văn Công ở Ban Kinh tài Tỉnh ủy nói: “Muối tháng, cấp cho một người 3/4 lon. Có nhiều cấp nhiều, có ít cấp ít, không có không cấp”.

 

Lúc bấy giờ, cô Thừa Hoàng ở thị xã Tuy Hòa (cơ sở đưa luật sư Nguyễn Hữu Thọ) đi bộ lên Văn phòng Tỉnh ủy, chờ đợi để đi về Khu. Cô tham gia nấu ăn cho chúng tôi. Cô lấy thìa US lường được 14 thìa muối, chia ăn trong một tháng. Như vậy, bình quân một người một lần chỉ ăn được 1/4 thìa muối.

 

Số anh chị em lớn tuổi ráng chịu lạt. Nhưng số anh em thanh niên trong cơ quan như đồng chí Nguyễn Ký (Trương) ở Cơ yếu tỉnh… không chịu lạt nổi. Cứ mỗi bữa ăn, xin cô Thừa cho thêm chút mặn. Nhưng cô Thừa Hoàng đành chịu.

 

Trong công văn triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng, anh Sáu Suyền bảo ghi thêm câu “mang theo muối”.

 

Chị Võ Thị Kim Đính gửi thư cho chồng là anh Nguyễn Tài Sum. Trong thư có câu: “Ở mật khu, rớt một hột muối dưới đá cũng phải lượm lên”. Thư chị được đăng ở tập sách “Từ tuyến đầu Tổ quốc”.

 

Đồng bào dân tộc thiểu số ở căn cứ, gặp cán bộ đi công tác hay xin “thuốc mặn”.

 

ĐỔI MUỐI LẤY BẮP NẾP GIA LAI

 

Đến tháng 4 năm 1962, giải quyết được nạn lạt muối thì lại xảy ra nạn thiếu gạo ở mật khu. Ban Kinh tài Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức cán bộ nhân viên mang muối lên Gia Lai đổi bắp nếp về ăn. Cứ một ký muối đổi lấy 10kg bắp nếp.

 

Ở Văn phòng Tỉnh ủy, tối đến, cô Thừa Hoàng hầm sẵn một nồi bảy bắp nếp và nấu thêm một nồi bảy canh “toàn quốc”. 23 anh chị em chúng tôi ăn sáng xong, còn bắp và canh ấy ai đói thì cứ tự do múc ăn. Ở Văn phòng, nhờ có phát rẫy nên được ghé thêm một lạng gạo một ngày.

 

Lúc đầu, cơ quan đóng ở Phước Tân, thiếu thức ghé thì lên Thồ Lồ mang sắn mì về ghé với gạo. Các thứ ghé: sắn, bắp, khoai lang, củ chuối, củ nần, củ nâu, bá, khoai mài núi, sung… thì bá là hạ đẳng nhất, còn củ chuối mốc chỉ ăn cho đầy dạ dày.

 

Chúng tôi đi công tác, mang gùi theo với khẩu hiệu “Đi không, về có”. Ra Phước Tân xí mấy cây sung.

 

Làm công tác xong, hái trái sung bỏ gùi mang về. Có hôm tôi ham quá, mang một gùi sung nặng, ghé rinh cho bớt đồng bào một ít. Gặp anh Ma Be đi công tác với anh Bốn Dồ (Công Minh), cho bớt một ít. Còn cách khoảng 100m về tới cơ quan, mang không nổi, tôi phải giấu sung ngoài ruộng. Sáng ra gùi về. Nhờ có viên POLIVITAMIN Liên Xô, ngậm vô khỏe trở lại.

 

Lúc ở Tuy An, nhận toàn đỗ xanh, không có gạo.

 

THIẾU ĐƯỜNG

 

Trước năm Tân Sửu: 15/2/1961, lúc bấy giờ ở mật khu khó khăn thiếu đường. Đồng chí Mai Dương, Bí thư Tỉnh ủy gợi ý anh chị em trong Văn phòng lấy mía róc vỏ, bỏ vô xoong nấu ngọt… ngọt… thế đường để ăn.

 

Tối 29 tháng chạp Canh Tý (14/2/1961), đồng chí Ba Liêu, Đinh Từ (Tám Nhái) cán bộ Văn phòng làm Sớ ông Táo tâu lên Ngọc Hoàng: “Năm nay Phú Yên thiếu đường nên đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày cán bộ róc mía nấu làm đường”. Anh chị em cười rộ.

 

Đồng chí Mai Dương nói: “Bày chúng nó có chút ngọt ăn, chúng nó còn báo cáo lên Ngọc Hoàng”. Mãi đến tháng 9 năm 1961, ta giải phóng Kỳ Lộ (xã Xuân Quang 2) mới lấy được nhiều đường trầm về dùng.

 

MẬT ONG, THƠM, CHUỐI, THỊT NAI

 

Tuy gian khổ, khó khăn nhiều bề, thiếu muối, thiếu gạo, thiếu đường nhưng ở mật khu có lúc cũng vui.

 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Thường vụ Khu ủy 5 chỉ định Tỉnh ủy Phú Yên do đồng chí Lê Đài làm Bí thư, rồi đồng chí Nguyễn Hồng Châu. Mãi đến tháng 9/1960, Đại hội Đảng bộ toàn tỉnh tại buôn Ma Hàm (xã Thồ Lồ) có 68 đại biểu về dự đã bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh ủy. Bầu đồng chí Trần Suyền, Phó Bí thư. Thường vụ Khu ủy 5 chỉ định đồng chí Mai Dương (Sáu Xuân, Hai Rô) làm Bí thư.

 

Đại hội có bồi dưỡng mật ong cho đại biểu Bế mạc Đại hội, tỉnh còn cho mỗi cán bộ 0,5 lít mật ong.

 

Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tháng 2/1962, ở Suối Tía, thôn Hòa Trinh xã Sơn Định. Ăn cơm trưa xong, anh Tám Tồn (Tuy Hòa 2) - Tổ phó tổ tôi mang về một thúng thơm đã gọt mắt sạch sẽ, anh em đều ăn. Còn mít, chuối tha hồ mà ăn. Chuối xắt, phơi khô ăn lúc 14 giờ. Có đại biểu đề nghị chiên lại cho nóng. Chuối, mít, thơm do nhân dân ba xã: An Xuân, Sơn Định, Sơn Xuân cung cấp.

 

Tháng 4/1964, Hội nghị Tuyên huấn Tỉnh ủy, 5 ngày, do đồng chí Lương Thúc Mậu (Tám Yên), Tỉnh ủy viên Phó Ban Tuyên huấn chủ trì, có đại biểu các huyện về dự.

 

Có 5 con nai (mỗi đêm bắn một con), do anh Dương Thẩm - người Quảng Nam, lính ngụy bỏ chạy về hàng ngũ ta, có tài bắn giỏi, bắn được. Chị Lê Thị Thừa chế biến thịt nai cho hội nghị. Quá mệt mỏi vì nai, có lúc chị trông chú Thẩm không bắn trúng nai nữa.

 

Nhà giáo ưu tú NAM ĐÀ

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tiên nữ Bàu Hương
Chủ Nhật, 22/04/2007 07:00 SA
Huyền thoại vực Phun và sông Bánh Lái
Thứ Năm, 19/04/2007 14:08 CH
Huyền thoại hang Hổ và hang Chùa
Thứ Bảy, 31/03/2007 07:26 SA
Huyền thoại Đá Bàn
Thứ Sáu, 30/03/2007 07:26 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek