Trong bộ trang phục của một công an viên xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), nhìn vẻ ngoài điềm tĩnh, không dễ nhận ra bên trong con người anh Trần Quang Bình (sinh năm 1963, bút danh Đức Bình, Quang Bình) là một tâm hồn lãng mạn. Anh viết văn, làm thơ và viết nhạc, góp tiếng lòng làm đẹp cho con người ở vùng quê này.
Anh Trần Quang Bình trăn trở cùng bản thảo - Ảnh: T.DIỆU
Đọc tác phẩm của Quang Bình, những người từng lớn lên ở vùng nông thôn hẳn sẽ đồng cảm. Anh thương tiếc những hình ảnh thân thuộc của thôn xóm như đã đi vào tâm thức anh từ thuở ấu thơ. Tùy bút Rơm quê nhà là một minh chứng rõ nhất. Thông qua tùy bút này, độc giả nhận ra cọng rơm đã dần dần mất đi ý nghĩa cả về vật chất và tinh thần trong đời sống của người dân. Nhưng rơm trong tác phẩm của anh đã được thổi hồn và có thể lay động trái tim người đọc.
Ngoài những tùy bút xúc động, anh còn thể hiện sự quan tâm của mình đối với đời sống. Dòng thời gian trôi, cuốn theo bao giá trị quý báu của làng quê. Có lẽ vì vậy mà Quang Bình luôn hoài niệm về xa xôi. Bên cạnh đó, những gì đang diễn ra xung quanh, những vấn đề về xã hội… cũng trở thành nguồn cảm hứng trong tâm hồn đa cảm ấy. Anh đau đáu suy nghĩ làm sao để trẻ em có thể hiểu Luật Giao thông đường bộ một cách dễ dàng? Anh viết về đồng đội của mình - những chiến sĩ công an nhân dân.
Quang Bình chia sẻ: “Tôi viết nhiều rồi, không nhớ nổi đã viết bao nhiêu tác phẩm. Những bài thơ Lúa non, Chiến sĩ công an, bản nhạc Bé tham gia giao thông, Mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng… đã được đăng trên các tạp chí Trí Thức Phú Yên, Sông Ba, báo Phú Yên.
Anh hăm hở chia sẻ dự định viết tùy bút về con sông Bánh Lái thân thương - con sông đã gắn liền với nếp ăn, nếp ở của người dân xã Hòa Đồng. Quang Bình sẽ đi, sẽ hỏi, sẽ viết về con sông quê mang hồn và dáng dấp của người Hòa Đồng chịu thương chịu khó và kiên cường, bất khuất.
TUYẾT DIỆU