Sau rất nhiều năm cống hiến và có những thành tích nổi bật, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên và nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc, Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao Biển vừa được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Có một sự trùng hợp thú vị, khi hai Nghệ sĩ ưu tú này không chỉ đam mê sáng tác nhạc mà còn có một thời gian dài gắn bó với đoàn Sao Biển.
Nghệ sĩ ưu tú - nhạc sĩ Ngọc Quang - Ảnh: N.PHƯƠNG
1. Nhắc đến nhạc sĩ Ngọc Quang, người yêu nhạc ở Phú Yên nghĩ ngay đến Yêu lắm quê mình - ca khúc mang âm hưởng dân ca, ngọt ngào và tha thiết “Có khoảng trời nào xanh hơn đồng lúa/ Có quê hương nào đẹp tựa Phú Yên/ Hỡi ai ra Bắc vào Nam/ Dừng chân ghé lại mà thăm quê mình…”. Nhạc sĩ Ngọc Quang viết ca khúc này vào năm 1993, khi đang đi công tác ở Hà Bắc thì nghe tin nơi quê nhà nước dâng trắng đồng trắng bãi. Đó là trận lụt lớn mà sau này, nhiều người vẫn kể lại cho con cháu nghe. Nhạc sĩ ở xa, lòng bời bời mỗi khi nghe tin tức từ quê nhà. Và ông viết “Sông núi quê mình một màu xanh trải/ Giông bão qua rồi đất lại đơm bông/ Yêu những bàn tay sớm chiều vất vả/ Yêu tiếng ai hò trên đồng nao nức lòng…”.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang sinh năm 1955, quê ở huyện Sơn Hòa. Ông từng làm Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Trưởng đoàn Ca múa nhạc Sao Biển, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch trước khi giữ cương vị Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, được trao Huân chương Lao động hạng 3 năm 2008. Ông đã sáng tác hơn 100 ca khúc, xuất bản 2 tập sách và một CD nhạc. Ngoài sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Ngọc Quang còn tham gia sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian. Ông đã làm chủ nhiệm trên 10 công trình nghiên cứu về văn hóa phi vật thể cấp bộ, trong đó có 3 công trình do ông chủ biên. |
Nếu như Yêu lắm quê mình được cho là ca khúc “kinh điển” của nhạc sĩ Ngọc Quang thì Hồn đá - một “đứa con” khác, đã đưa tên ông đi xa. Mang âm hưởng tuồng, rất hào sảng song cũng khó thể hiện, Hồn đá được không ít giọng ca chọn để khoe chất giọng và kỹ thuật thanh nhạc trong các cuộc thi ca hát mang tính chuyên nghiệp. Đặc biệt, có 3 đoàn nghệ thuật Trung ương chọn ca khúc này để tham gia hội
diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Và Hồn đá góp phần mang về cho họ 2 huy chương vàng, một huy chương bạc.Sáng tác hàng trăm ca khúc về quê hương, người mẹ, về tình yêu…, phần lớn là những ca khúc trữ tình, sâu lắng song đôi khi, nhạc sĩ Ngọc Quang cũng thay đổi phong cách. Ca khúc đầy sôi động, hứng khởi Tuy Hòa ngày mới là một ví dụ.
Nhạc sĩ Ngọc Quang là người vui tính, hay đùa. Mỗi lần tôi gọi điện, hỏi chú ơi chú có ở cơ quan không, cháu sang gặp một chút, ông thường hỏi lại: “Chuyện chung hay chuyện riêng? Chuyện riêng thì gặp, còn chuyện chung thì thôi nghen”. Hai chú cháu cùng cười.
Trò chuyện với nhạc sĩ Ngọc Quang khá thú vị, bởi ông là người sôi nổi, quyết liệt, thích đổi mới, sáng tạo. Tôi nhớ dịp kỷ niệm 30 năm Đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên. Lần đầu tiên, hội thơ được tổ chức với nhiều không gian, nhiều hoạt động. Nhạc sĩ Ngọc Quang hào hứng nói: Lần đầu tiên tổ chức hội thơ, chắc chắn sẽ có những thiếu sót, thậm chí là thất bại. Nhưng nếu sợ thiếu sót, sợ thất bại thì sẽ không có được kinh nghiệm cho lần thứ hai tốt hơn.
Đến hội thơ năm sau, ông lại muốn làm thế nào để hội thơ này khác với hội thơ trước, lôi cuốn hơn hội thơ trước.
Nghệ sĩ ưu tú - nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc. |
2. Một đồng nghiệp nói với tôi: Nếu chỉ nghe ca khúc của nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi gặp ông. Vì sao? Cứ theo những nốt nhạc, những ca từ lãng mạn mà tưởng tượng, mà hình dung, người ta sẽ thấy bất ngờ khi gặp “cha đẻ” của những ca khúc ấy. Nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc - từ ngoại hình cho đến cách đi đứng, nói năng - vẫn còn phảng phất hình ảnh của một “ông Hai Lúa” ở Hòa Bình 1. “Ông Hai Lúa” ấy nói to, cười cũng to, xởi lởi. Không màu mè, không vòng vo tam quốc. Vậy mà viết ra những ca khúc ngọt ngào như Bâng khuâng đò ơi, Tuy Hòa chín nhớ mười thương… Thế mới lạ!
Nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc sinh năm 1957, quê ở xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, từng làm Trưởng đoàn cải lương Hòa Bình. Ông chỉ đạo nghệ thuật 2 lần đoạt huy chương vàng hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (2002, 2011), một lần đoạt huy chương bạc (năm 2009), 2 lần đoạt giải thưởng Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc (2009, 2011). Tác phẩm của ông được nhiều khán giả yêu thích, như: Hò biển, Bâng khuâng đò ơi, Tuy Hòa chín nhớ mười thương, Sáng mãi một con đường, Tuy Hòa thành phố phía mặt trời…, trong đó các ca khúc Hò biển, Bâng khuâng đò ơi, Sáng mãi một con đường từng đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. |
Trong “gia tài” khá rủng rỉnh của nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc, tôi thích nhất ca khúc Hò biển. Chẳng phải vì tác phẩm ấy đoạt giải thưởng
của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đơn giản vì mỗi khi bài hát ấy cất lên, tôi lại thấy hiện ra trước mắt mình mặt biển mênh mông lấp lóa ánh mặt trời, lại thấy những đoàn thuyền xôn xao trở về sau chuyến biển, lại thấy ngư dân vạm vỡ hò reo kéo lên những mẻ lưới đầy. “… Cùng tay chèo tay lưới/ Dô dô hò dô/ Dô dô hò dô/ Sóng sánh nắng bao la xanh trong chiều lặng/ Lóng lánh nước sao Hôm lên đêm về lại/ Trời sáng/ Ta đón chào bình minh…”. Những câu hát có vị mồ hôi. Những câu hát tràn ngập hình ảnh và nghe như tiếng reo vui.Tôi quen biết nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc khá lâu, phải đến hơn 10 năm. Mỗi khi đoàn Sao Biển có tin vui, thường là trở về từ liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, ông không quên gọi điện cho tôi, chia sẻ niềm vui, thắng lợi của đoàn. Bất chấp những khó khăn về kinh phí, về nhân lực của đoàn nghệ thuật ở một tỉnh còn nghèo, Sao Biển thường thắng giòn giã trong các sân chơi chuyên nghiệp, có sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật vừa giàu vừa mạnh trong cả nước. Nhiều người bảo nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc có tài cầm quân. Còn tôi nghĩ, cốt lõi chính là cái tình. Đoàn nghèo, thu nhập của diễn viên, nhạc công, hậu đài… còn rất khiêm tốn. Là người “đứng mũi chịu sào”, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc đối đãi với anh em nghệ sĩ bằng cái tình. Chính vì thế nên một số nghệ sĩ - khi tên tuổi đã vang xa, đã nhận được lời mời đầu quân từ những đơn vị nghệ thuật lớn - họ vẫn ở lại với Sao Biển, đóng góp cho Sao Biển. Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hữu Từ là một ví dụ.
Không chỉ yêu âm nhạc, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc còn yêu thích văn chương. Ông tâm đắc khi đọc một quyển truyện hay, một bài thơ có tứ lạ. Thi thoảng, ông còn làm thơ. Những vần thơ mộc mạc và đầy cảm xúc. Như chính ông - người đến với âm nhạc từ ruộng đồng.
NAM PHƯƠNG