Thứ Tư, 27/11/2024 07:31 SA
Hang Tám Cô - huyền thoại bi hùng tuổi 20
Chủ Nhật, 03/06/2012 14:00 CH

Cách TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) chừng 60km là Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng. Ở đây có một tấm biển nhỏ chỉ dẫn về hang Tám Cô. Đến km 15, có một ngã tư mang tên Trạ Ang (nơi giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh nhánh tây và đường 20), đi thêm chừng 2km nữa là đến hang Tám Cô.

 

hang-8-co-1-120603.jpg

Đoàn nhà báo các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên dâng hương tưởng niệm liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng - Ảnh: T.QUỚI

HUYỀN THOẠI BI TRÁNG

 

Hang Tám Cô giờ đã trở thành địa chỉ đỏ cho khách du lịch cả nước và quốc tế mỗi khi đến Quảng Bình du lịch về nguồn. Thắp một nén nhang trước ngôi nhà tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên đường 20 Quyết Thắng và bàn thờ trong hang Tám Cô, chúng tôi được nghe các cán bộ ở đây kể lại câu chuyện đầy xúc động về sự hy sinh của các liệt sĩ. Cách đây 40 năm, 8 chiến sĩ tuổi hai mươi (4 nam, 4 nữ) đã mãi mãi nằm xuống vì bom tấn của kẻ thù, nhưng sự hy sinh của họ đã trở thành bất tử trong lòng dân tộc. Câu chuyện về sự hy sinh của họ thật lẫm liệt ở tuổi đôi mươi.

 

Chiều 14/11/1972, B-52 của Mỹ điên cuồng rải thảm tuyến đường 20 Quyết Thắng từ km 16. Đội thanh niên xung phong 163 của ban 67 đang ở hiện trường vội vã chạy vào hang đá bên đường trú ẩn. Cả quãng đường qua km 16 bị bom cày nát và trong một loạt bom đã khiến năm chiến sĩ pháo binh hy sinh phía cửa hang. Liền ngay sau đó, một tiếng ầm khủng khiếp vang lên. Tảng đá hàng ngàn tấn trên cửa hang bị sập xuống bịt kín miệng hang. Trong hang có tám thanh niên xung phong đều cùng quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa) là Trần Thị Tơ, Lê Thị Mai, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Lương và Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Mậu Kỷ, Hoàng Văn Vụ.

 

Tan trận bom, phát hiện tiếng kêu cứu của các anh chị em trong hang đá, tất cả các đơn vị có mặt tại hiện trường tập trung trước cửa hang để tìm cách phá đá cứu người, nhưng không thể. Có ý kiến đề nghị đánh thuốc nổ phá đá nhưng sợ sức ép làm chết mọi người trong hang. Anh em đã luồn ống tuy-dô qua kẽ đá rồi nấu cháo nghiền nát rót qua đường ống để tiếp tế cho anh em cầm cự tìm cách cứu. Nhưng tất cả đều bất lực. Chỉ cách nhau một tảng đá, nghe tiếng gọi của nhau mà họ đành đoạn nhìn cái chết cướp dần từng đồng đội.

 

hang-8-co-2-120603.jpg

Bàn thờ các liệt sĩ tại hang Tám Cô - Ảnh: T.QUỚI

Hướng dẫn viên Nguyễn Thị Đăng Giang đã khiến mọi người rơi nước mắt khi thuyết minh về những phút cuối cùng của những người kẹt trong hang đá. “Trong hang đá tuyệt vọng và rồi từng chiến sĩ kiệt sức, lịm dần, lịm dần... Đồng đội ở ngoài vẫn nhận rõ tiếng kêu cứu thảm thiết của chị Lương “Bầm ơi! cứu con với! Các anh các chị ơi cứu chúng em với!”. Đến ngày thứ 9 thì không còn ai nghe thấy tiếng gọi thổn thức của các thanh niên xung phong nữa”. Rồi hang đá thành nấm mộ chung cho tám chiến sĩ thanh niên xung phong.

 

Tám người, bốn nam, bốn nữ nhưng đến nay vẫn không hiểu vì sao lại có cái tên “hang Tám Cô”? Trước cửa hang có tấm bia ghi tên tuổi của tám thanh niên xung phong và năm chiến sĩ pháo binh đã hy sinh trong buổi chiều 14/11/1972. Trong lòng hang, trên bàn thờ các liệt sĩ, có tấm đá hoa cương đen (của một khách hành hương) khắc mấy dòng chữ tri ân: “Khi còn đặt bước chân trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, chúng tôi không bao giờ quên sự hy sinh cao cả của các cô. Những cô gái thanh niên xung phong - cầu cho các cô được vĩnh hằng!”.

 

NHỮNG CÂU CHUYỆN HUYỀN THOẠI VỀ HANG TÁM CÔ

 

Anh Dương Minh Phong, Phó Ban quản lý khu di tích đường 20 Quyết thắng và hang Tám Cô, cho biết: “Ở đây có rất nhiều câu chuyện huyền thoại về các liệt sĩ ở hang Tám Cô. Có người kể vào những đêm trăng thanh hay đêm có mây mù kéo về giăng đặc khắp khu vực km 16 này, thi thoảng người ta vẫn nghe văng vẳng có tiếng hát. Tiếng hát câu được câu chăng của hành khúc Trường Sơn mở đường lẫn với tiếng hô thể dục một, hai, ba, bốn...”

 

Mé bên phải đền có một gốc cây đường kính một vòng ôm, gốc cây xoắn bện với nhau rất lạ... Cây vẫn xanh tốt qua bao mùa mưa bom bão đạn, hai gốc bện lại với nhau lúc nào không ai hay. Anh em ở đây gọi là mối tình giữa lim xanh và si rừng, rồi không ngần ngại gọi gốc thụ mộc này là cây tình yêu.

 

Hay phía trước hang Tám Cô có một cây chuối rừng mọc trên đá, phát triển xanh tốt. Mỗi khi có đoàn đến từ tỉnh Thanh Hóa dâng hương thì bông chuối cứ rơi lả tả như nước mắt xúc động trước những người đồng hương...

 

Năm tháng qua đi, những câu chuyện huyền hoặc như có như không khiến những người đến đây càng tin rằng anh linh của các liệt sĩ đã ngã xuống vì dân tộc như còn mãi với thời gian. Xin trích lại mấy dòng tâm khảm của giáo sư Vũ Khiêu khi đến đây: “Đường 20 một Miếu khang trang/ Đỉnh Quyết Thắng trăm cờ khánh tiết/ Tưởng niệm những anh hùng xót thương bao nghĩa liệt/ Tuổi chẳng thọ nhưng huân công mãi trường tồn...”

 

QUỲNH MAI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek