Thứ Tư, 27/11/2024 11:42 SA
Phim dở, đổ vấy cho nhau:
Trách nhiệm làm nghề
Chủ Nhật, 27/05/2012 10:00 SA

Thực trạng phim truyền hình yếu kém đã được mổ xẻ nhiều lần, ở nhiều góc độ. Tại các cuộc tọa đàm, hội thảo, các nhà chuyên môn đứng ra “bắt bệnh” nhưng xoay đi xoay lại, mọi thứ rồi cũng đâu vào đó. Những yếu tố “thiếu kinh phí, thời gian, thiếu kịch bản hay” đã trở thành lý do “vững chãi” nhất để nhiều đạo diễn giãi bày về chất lượng phim của họ nếu bị khán giả chê.

 

cuoc-chien-hoa-hong120527.jpg

Cảnh trong phim “Cuộc chiến hoa hồng” - một trong những bộ phim bị cho là “thử thách” khán giả.

Nhưng rồi phim dở vẫn cứ phát sóng, thử thách khả năng chịu đựng của người xem...

 

LÀM PHIM XONG KHÔNG DÁM XEM LẠI

 

Đạo diễn Nguyễn Minh Cao - người nổi tiếng làm phim chỉnh chu từ bộ phim Gia tài bác sĩ - nói sau thời gian hợp tác với một đơn vị sản xuất cũng có chút ít tiếng tăm trong nghề, anh đã “cạch” luôn những đơn vị này vì “o ép” đạo diễn đến mức không chấp nhận được, về cả thời gian lẫn kinh phí. “Lúc nào cũng bị chỉ định phải thế này thế kia, tiết giảm chi phí hoặc qua loa cho nhanh. Làm rồi đến lúc phim lên sóng tôi không dám xem lại bộ phim của mình nữa, sợ phải tiếc chỗ này, xót chỗ kia mà lẽ ra mình có thể đã làm tốt hơn như thế” - đạo diễn Nguyễn Minh Cao nói. Chia sẻ với biên kịch, đạo diễn Nguyễn Minh Cao cũng không ngại nói thẳng thực trạng một số đạo diễn bắt đầu làm nghề theo kiểu qua loa, hời hợt: “Kịch bản không hay, phim dở thì không nói làm gì, nhưng cũng có khi ngược lại. Nếu biên kịch viết quá “vung tay” về bối cảnh hay những tình huống khó thì nhà sản xuất cũng sẽ siết lại sao cho đơn giản, dễ quay, ít tốn tiền. Rồi cũng có trường hợp đạo diễn muốn tiết giảm chi phí hoặc lười đi xa nên khoanh vùng quanh quẩn bối cảnh cho nhanh gọn, có làm hơn cũng đâu có thêm tiền”.

 

Một đạo diễn trẻ bào chữa bằng cách ví von: “Bạn không thể kết một cái vương miện hoàn hảo khi trong tay chỉ có vài ba chiếc lá. Nên hoặc là không làm hoặc chấp nhận sản phẩm khiếm khuyết”. Thế nhưng, có luẩn quẩn trong những “cuộc đổ lỗi” như thế nào thì chung quy lại, như đạo diễn Vũ Ngọc Đãng từng khẳng định thẳng thừng: Trách nhiệm vẫn phải thuộc về đạo diễn!

 

NHÀ SẢN XUẤT - KẺ THAO TÚNG GIẤU MẶT

 

“Những đạo diễn giỏi, tâm huyết với nghề thì không đủ tiền để trở thành nhà sản xuất, vai trò này lại thuộc về những người vốn không hề được đào tạo về phim ảnh. Họ có tiền bỏ vốn làm phim nhưng lại không am hiểu về nghề, chỉ chăm chăm vào lợi nhuận nên dẫn đến tình trạng làm ăn bát nháo, kém chất lượng như hiện nay” - ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Hãng phim TFS, đã nói như vậy khi đề cập trách nhiệm làm nghề.

 

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - một tên tuổi trong làng điện ảnh, từng làm phim truyền hình nói: “Tôi không lo chuyện làm phim truyền hình có thể giảm uy tín tên tuổi” như nhiều người vẫn nói vui nhưng thật sự thấy ngán ngại bộ máy vận hành của đơn vị sản xuất tư nhân”.

 

Nắm trong tay quyền “điều khiển” đạo diễn, nhà sản xuất cũng toàn quyền quyết định số phận của mỗi bộ phim, trở thành những “kẻ giấu mặt” thao túng thị trường. Một đơn vị từng có những bộ phim khởi đầu ấn tượng thời bắt đầu giờ vàng phim Việt nhưng thời điểm này thì đã có rất nhiều phim bị chê “xem không nổi”.

 

Trong một cuộc trà dư tửu hậu, đại diện hãng phim này nói rằng đơn vị chẳng bao giờ thiếu kịch bản cả. Làm mấy mươi phim rồi, cứ xáo qua xáo lại bên này bên kia, thay đổi một chút là đã có kịch bản mới. Toàn phim tâm lý xã hội, tình yêu hôn nhân nên chuyện làm mới kịch bản không có gì là khó.

 

Nhà sản xuất đã có tâm thế làm nghề như vậy, đạo diễn cũng có “cách riêng”. Giống như một số biên kịch dùng tên tuổi để gầy dựng “hợp tác xã” viết thuê thì cũng từng có một vài đạo diễn nhận kịch bản nhưng sau đó thì “thuê” lại người trẻ, mới vào nghề làm phim với giá rẻ hơn nhưng không được đứng tên.

 

Trong vòng xoay với những tính toán lợi ích, chỉ có khán giả là người chịu thiệt. Hẳn nhiên, cũng sẽ có đạo diễn chọn cách từ chối trước những yêu cầu không thể chấp nhận được của nhà sản xuất. Đạo diễn Trương Dũng nói anh đã từng không làm phim cho một đơn vị lâu nay đã quen với việc sản xuất chương trình truyền hình, khi làm phim cứ đòi hỏi phải “nhanh, gọn, lẹ”.

 

“Làm phim truyền hình không có lỗi, lỗi là ở sự lựa chọn của người làm nghề. Thật ra, không nhà sản xuất nào ép được anh nếu anh không muốn làm. Mà phải nhìn rõ thế này: Anh làm phim vì động cơ gì - để có tiền, có danh hay vì khán giả, vì khát vọng sáng tạo thì chất lượng phim chính là câu trả lời”- đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói.

 

Theo NLĐ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Taylor Kitsch - ngôi sao mới của Hollywood
Thứ Hai, 28/05/2012 07:00 SA
Nhạc công làng
Chủ Nhật, 27/05/2012 18:00 CH
Đón đợi những cuộc chinh phục
Chủ Nhật, 27/05/2012 08:30 SA
Phillip Phillips: "thần tượng" khiêm tốn
Thứ Bảy, 26/05/2012 11:00 SA
Một hội thi giàu ý nghĩa
Thứ Năm, 24/05/2012 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek