Thứ Ba, 01/10/2024 11:23 SA
Nhớ Thu Bồn – nhà thơ của những cuộc dấn thân
Thứ Bảy, 02/12/2006 08:25 SA

Đấy là những ngày ác liệt của Hải Phòng năm 1966. Những tiết học cuối cùng của đời học sinh phổ thông chúng tôi thường diễn ra trong tiếng kẻng báo động máy bay và bị cắt ngang giữa chừng bởi phải chạy ào ra hầm trú ẩn ngay cạnh lớp. Giữa những ngày nóng bỏng như thế, giữa mùa hè cũng cực kỳ nóng bỏng, thầy giáo dạy Văn – nhà thơ Thúc Hà – lại còn “nung đỏ” chúng tôi bằng tác phẩm trường ca vừa được bổ sung vào giáo trình. Đó là trường ca “Bài ca chim Chơ-rao” của Thu Bồn. Trường ca với cốt truyện bi hùng, hơi thở hào sảng đã khơi cháy tâm hồn thanh xuân của chúng tôi. Có một cái gì cứ hừng hực ở bên trong khi đọc vang: “Ơi Tây Nguyên khảm một trời sao lộng lẫy – Ta đi theo tiếng hú thiêng liêng…”. Cái tên Thu Bồn đã ám ảnh vào tôi đầu tiên như thế.

 

061202-Nha-tho-Thu-Bon-1.jpg

Nghệ sĩ Lý Bạch Huệ, nhà thơ Thu Bồn, nhà thơ Giang Nam, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng (từ trái sang) trong ngày nhận Giải thưởng Nhà nước - Ảnh:VNN

 

Ám ảnh ấy đã theo tôi vào giảng đường đại học. Chẳng nhớ bằng cách nào đó, tôi có tập thơ “Tre xanh” của Thu Bồn. Khi ấy qua bè bạn yêu thơ, tôi đã nghe phong thanh những giai thoại của người mang tên dòng sông quê hương Quảng Nam này. Ai đấy nói với tôi tên thật của anh là Hà Đức Trọng, là bộ đội tập kết và đã bí mật trở lại miền Nam từ đầu thập kỷ 60 với bí danh Thu Bồn. Câu chuyện ly kỳ về những lính bí mật trở về quê hương bằng đường mòn Hồ Chí Minh khiến chúng tôi liên tưởng tới những Chê Guê-va-ra của Cuba bằng sự ngưỡng mộ, kính phục. Tôi đã phỏng thơ bài “Tre xanh” thành ca khúc và phổ nguyên bài thơ “Tình yêu” của Thu Bồn: “Dòng sông chảy xuôi không bao giờ mỏi – Trọn đời dành cho bờ bãi phù sa – Tình yêu ta như dòng sông ấy – Khi gặp thác ghềnh tung bọt trắng hát ca”.

 

Rời giảng đường nhập ngũ, sau chiến dịch Quảng Trị, tôi bắt đầu nhiệm vụ xuyên Trường Sơn cùng đường dây. Tôi gặp Thu Bồn lần đầu tiên ở Trại sáng tác Quân khu V năm 1976. Khi ấy, anh vừa hoàn thành trường ca “Ba Dan khát”. Con người thực Thu Bồn giống như tôi vẫn hình dung. Anh vạm vỡ như một dũng sĩ Tây Nguyên với mái tóc bồng bềnh. Đứng bên anh có cảm giác đang đứng bên một quả núi sừng sững. Cảm giác ấy cứ còn mãi trong tôi ngay cả khi chúng tôi trở thành bạn vong niên, bạn “nhậu” của nhau. Khó có thể đoán định Thu Bồn làm việc vào lúc nào mà các trường ca, tiểu thuyết cứ ấn hành liên tục. Trong số các nhà thơ Việt Nam, Thu Bồn thuộc những người “dấn thân” nhiều nhất. Các chiến trường thuộc bán đảo Đông Dương ở đâu thiếu dấu chân Thu Bồn? Anh cứ sống mạnh mẽ, viết khỏe khoắn những cảm xúc tuôn trào của mình. Thu Bồn yêu cũng mạnh mẽ như sống. Thu Bồn yêu như thở. Nếu không yêu có nghĩa là ngưng thở, là chết. Nếu không sống và yêu như thế thì làm sao có một Thu Bồn lực lưỡng như thế trong thế hệ thơ chống Mỹ hào sảng và ngang tàng.

 

Những người yêu quý anh đều gọi đùa anh là “Thu Bùn”. Có lẽ anh cũng như nhiều nhà thơ đích thực đã sống như câu thơ của Whuytsman: “Tôi nguyện hóa thân làm bùn đất – Để mọc lên cây cỏ trên đời – Nếu bạn muốn tìm tôi – Hãy nhìn xuống đế giày của bạn”. Đi đâu, ở đâu, Thu Bồn cũng trở thành một hình ảnh khác thường giữa đời thường. Từ cách nói, cách đọc thơ, cách hát, cách uống rượu và cách khôi hài. Nụ cười Thu Bồn là nụ cười vừa hóm hỉnh, vừa bao dung. Mấy anh em cứ thế gắn bó qua nhiều năm tháng cực khổ sau chiến tranh. Có bữa uống trên nóc gác nhà tôi say quá, anh thiếp ngủ cho tới sáng, không biết đã bị chuột cắn vào trán. Chi tiết đó đã được Đào Thái Tôn tức cảnh thành thơ: “Anh ngon đến chuột cũng thèm”. Thu Bồn ngon thật, ngon mọi nhẽ. Anh hạnh phúc về sự ngon ấy, nhưng cũng đắng cay không kém vì chính điều “hơn người” đó.

 

Sau hết mọi dâng hiến, mọi vinh quang, Thu Bồn dừng lại sống cùng vợ là nghệ sĩ Lý Bạch Huệ ở bên suối Lồ Ô thuộc tỉnh Bình Dương, như điểm dừng của cuộc “xuyên Trường Sơn cuộc đời”. Ở tuổi ngoại lục tuần khi rời quân ngũ, Thu Bồn đã quyết “đội đá vá trời” tạo nên tư gia độc đáo của mình. Tư gia bên suối Lồ Ô đã được dựng lên từ sự nhẫn nại của người lính Thu Bồn sau khi cởi áo lính. Xong, hai vợ chồng lại nhọc nhằn bươn chải qua đủ nghề để mưu sinh trong đoạn cuối cuộc đời. Chất thi sĩ ngấm trong máu không cho anh thành công trong thương trường. Anh đã bị đột quỵ bởi cơn huyết áp cao trong chính chuyến đi trở lại Trường Sơn giữa năm 2001.

 

Khi tôi đến suối Lồ Ô thăm anh, nhìn dáng gầy ốm của anh, không thể nào ngờ chàng Tarzan trong giới cầm bút “chọc trời khuấy nước” một thời lại bỗng dưng nhỏ nhẹ và chậm chạp đến vậy. Nhìn anh đi lại khó nhọc và lẻ loi bên những bức tượng Tây Nguyên mà anh đã dày công sưu tầm với ý đồ tạo nên một bảo tàng của “Bài ca chim Chơ-rao”, vừa muốn ứa nước mắt, vừa thầm trách ông trời sao nỡ làm dở dang một khát vọng duy mỹ đến thế. Chứng bạo bệnh đã không cho anh cầm cự được lâu. Giữa tháng 6/2003, Thu Bồn đã tại mùa đi sau cơn đau dữ dằn ở tuổi 68. Mấy tháng sau, có dịp vào Sài Gòn, tôi và Thanh Thảo đã cùng vợ anh – nghệ sĩ cải lương Lý Bạch Huệ – tới thắp hương trước mộ anh ở nghĩa trang Thủ Đức, đọc trong nấc nghẹn những dòng tưởng biệt anh:

 

Thu Bồn sông là quê, Thu Bồn này là núi

Quả núi đi thong thả bên tôi

Xanh núi bay chim Chơrao

hát nói

Tóc bồng bềnh sương rượu đầm ướt lên môi

Quả núi lang thang phố xá đông vui

Lúc hóa đá lúc tràn trề bia bọt

Đời là cái quái gì mà cần sau chót

Bưng cả nhà sàn cao xuống dưới ghép ghế ngồi

Lũ hí hửng tớn tác kia ơi

Lấy vung làm giời đáy giếng làm cung điện

Ta đã gắng nhốt mình vào

áo lính

Cũng chẳng khác là bao cái kích thước khác người

Chung sống cho qua loa chung tình cho quên nguôi

Vờ tí tửng nén đau thầm

nghĩ ngợi

Nước mắt tuôn rơi ngược thành rượu nội

Cứng rắn bao nhiêu mềm yếu bấy nhiêu thôi

Sống nhiều để làm chi sống hết quá đủ rồi

Thu Bồn núi chợt nhập vào rặng núi

Trường Sơn tháng sáu này

            chảy ra thêm nguồn suối

Thơm mùi men say ngây ngất tiếng cười.

 

NGUYỄN THỤY KHA

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek