Lớn lên ở miền quê đồng chiêm trũng Hà Tây, nhà văn Đỗ Tiến Thụy tìm thấy mạch nguồn cảm xúc không bao giờ vơi cạn từ nông dân - những người chịu nhiều thua thiệt - và từ cuộc sống lam lũ sau lũy tre làng.
Gầy và cao lênh khênh, nhà văn sinh năm 1970 này khó lẫn vào đám đông, cũng như tác phẩm của anh, dù không tạo nên “cơn sốt”, cũng không lẫn vào vô số tác phẩm của các cây bút khác.
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy - Ảnh: N.PHƯƠNG |
* Đã nhiều năm gắn bó với văn chương, anh nghĩ như thế nào khi mới đây, có một bài viết đưa ra sự so sánh khá chạnh lòng rằng những tác phẩm văn học có chiều sâu, ngay cả đến tác phẩm đoạt giải Nobel thì số lượng người đọc vẫn thua xa những tác phẩm như Xin lỗi, em chỉ là con đĩ, thậm chí là Sợi xích?
- Điều này trước giờ vẫn thế thôi. Nghệ thuật có nhiều tầng bậc, ví như một cái ao, bề nổi là bèo, là rất nhiều con cá nhỏ. Âm nhạc cũng vậy, số khán giả đại chúng rất đông, còn khán giả của dòng nhạc thính phòng thì cực kỳ ít. Văn chương cũng vậy thôi, không có gì chạnh lòng cả, mỗi nhà văn có một sự lựa chọn, viết đến một “tầng” nào đó thì người ta đã ý thức được sở trường sở đoản của mình. Và cả động cơ nữa. Mình đã chọn đối tượng khán giả mà mình nhắm tới thì phải chấp nhận điều đó. Và khi đạt được mục đích là mình hạnh phúc rồi.
Có những người viết văn không hướng đến độc giả đám đông, như độc giả của Xin lỗi, em chỉ là con đĩ hoặc những cuốn sách best seller theo dạng thị trường mà bọn tôi tạm gọi là hàng lởm.
* Vậy độc giả mà anh hướng đến là những ai?
- Tất nhiên tôi hướng đến độc giả văn học. Văn học đích thực, đúng nghĩa của từ này. Rất nhiều người quan niệm rằng độc giả văn học phải có trình độ đại học trở lên, nhưng tôi không nghĩ thế. Qua cuộc sống, tôi nhận thấy không phải như thế. Độc giả văn học là những người thực sự yêu thích văn học, có khả năng cảm nhận, thẩm định cái hay cái đẹp trong văn chương - một môn nghệ thuật. Nếu để câu khách thì bọn tôi dư sức làm, hay nói một cách chính xác là bọn tôi vẫn làm, để mưu sinh. Nhưng chúng tôi không tính những cái đó vào sự nghiệp của mình.
Còn để hướng tới độc giả mà mình mong muốn thì rất vất vả, chinh phục được họ cực kỳ khó. Độc giả văn học rất khó tính. Mình có cảm giác luôn luôn phải đuổi theo họ hụt hơi. Và khi tác phẩm có một người tri âm là mình vô cùng hạnh phúc rồi.
* Có những người xem văn chương như một cuộc dạo chơi. Có những người xem đó là cái nghiệp và có một số người xem văn chương như máu thịt của mình. Với nhà văn Đỗ Tiến Thụy, văn chương có nghĩa như thế nào trong cuộc sống của anh?
- Thì nó vừa là cuộc chơi vừa là máu thịt.
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy quê ở Chương Mỹ, Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội. Anh tốt nghiệp Khoa Sáng tác - Lý luận phê bình văn học, Trường đại học Văn hóa Hà Nội, đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đỗ Tiến Thụy từng đoạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Tầm nhìn thế kỷ do Báo Tiền Phong tổ chức; giải thưởng cuộc thi truyện ngắn, cuộc thi bút ký văn học do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức. Các tập truyện ngắn của anh: Gió đồng se sắt (NXB Thanh Niên), Màu rừng ruộng (NXB Trẻ), Vết thương thành thị (NXB Trẻ) |
* Làm sao có thể như thế được?
- Viết văn đầu tiên là một nhu cầu tự thân, như vậy là máu thịt rồi. Anh muốn giãi bày, anh muốn
chia sẻ, anh muốn thỏa mãn niềm đam mê, thì đó là cuộc chơi của anh chứ còn gì nữa. Đúng không? Tuy nhiên, trong một xã hội, mỗi người tồn tại với một vai trò gì đó. Anh là nhà văn thì phải tự xác lập một vị trí xã hội và trách nhiệm công dân của anh. Chính vì thế, ngoài sự thỏa mãn nhu cầu cá nhân, mình phải tham gia vào việc xây dựng xã hội, tức là ý thức của nhà văn trước cuộc sống, đó là trách nhiệm rồi. Vừa là nhu cầu vừa là trách nhiệm.
* Mảng đề tài nào khiến anh say mê nhất song cũng khó chinh phục nhất?
- Nói chung đề tài nào cũng khó chinh phục. Để viết đến đỉnh, đạt tầm nghệ thuật cao thì đề tài nào cũng khó. Tuy nhiên, mỗi nhà văn có một thế mạnh, hiểu biết nhất định về một đề tài. Tôi là người sinh ra và trưởng thành ở nông thôn nên mảng đề tài nông thôn, nông dân, mình hiểu hơn cả. Khi đi bộ đội, trở thành người lính, mình hiểu người lính hơn những thành phần khác trong xã hội; các nhà báo, nhà văn mình cũng hiểu hơn những thành phần khác vì mình đang làm báo, viết văn mà. Có ba nhóm mình hiểu hơn cả: nông dân, người lính và những người làm văn học nghệ thuật, tuy nhiên máu thịt nhất vẫn là đề tài nông dân, nông thôn, vì mình sinh ra ở đó và dù đến già đi chăng nữa thì đó vẫn là nguồn cảm hứng vô tận của mình. Viết về nông thôn, nông dân, mình cảm thấy dễ nhất, vì đó là nơi mình hiểu, còn khi viết về những thành phần khác trong xã hội, viết bằng mắt thì rất hời hợt. Nếu mình viết về nông dân, nông thôn thì chính là viết bằng tim.
* Một số người quản lý văn học nghệ thuật nhận xét rằng những năm gần đây, tác phẩm mới xuất hiện khá nhiều và cũng có tác phẩm tạo được dư luận, nhưng để đi vào trái tim người đọc và đọng lại trong họ thì hầu như không có. Anh nghĩ sao về nhận xét đó?
- Đó là nhận xét chính xác đấy. Thời nào cũng thế thôi, đó là một cuộc sàng lọc cực kỳ nghiệt ngã. Để có một tác phẩm có thể chinh phục được nhiều tầng lớp độc giả, ví dụ như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chí Phèo của Nam Cao, như một số nhà văn nhà thơ đạt được đỉnh ở trong nước và trên thế giới, tỉ lệ chỉ không phẩy không mấy phần triệu, mình phải chấp nhận tỉ lệ đó. Chính vì thế văn chương còn thiêng liêng, chứ nếu tác phẩm nào viết ra cũng chinh phục được hết thảy độc giả, tôi nghĩ lúc đó văn chương lại rất tầm thường.
* Xin cảm ơn anh!
NAM PHƯƠNG (thực hiện)