Thứ Sáu, 17/01/2025 13:09 CH
Nhà báo và những tâm sự về tác phẩm
Chủ Nhật, 19/06/2011 10:00 SA

Sáng 18/6, Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên tổ chức kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 và trao giải thưởng Báo chí Phú Yên năm 2010. Báo Phú Yên đã trò chuyện với một số nhà báo có tác phẩm đoạt giải cao.

 

Khong-sai-mot-buoc110619.jpg

Một cảnh quay trong phim tài liệu “Không sai một bước”. - Ảnh: T.HƯNG

 

* Nhà báo Trần Thanh Hưng (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên): THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM ÐƯA THÔNG TIN ÐẾN CỘNG ÐỒNG

 

Tôi tiếp cận thông tin về những người tuần đường, tuần gác hầm đường sắt từ nhiều nguồn và rất muốn tìm hiểu về công việc cũng như cuộc sống của họ. Ý tưởng làm phim tài liệu này có từ lâu, nhưng do điều kiện khách quan nên đến năm vừa rồi mới thực hiện được.

 

Phong-van110619.jpg

Nhà báo Trần Thanh Hưng (bên trái) trả lời phỏng vấn của nhà báo Lê Biết tại lễ trao giải. - Ảnh: N.PHƯƠNG

 

Sản phẩm truyền hình là thành quả lao động, sáng tạo nghệ thuật của cả một ê-kíp, từ biên kịch, đạo diễn cho đến quay phim, người dựng phim, người đọc lời bình. Những phim làm kỹ thì có cả vai trò của nhạc sĩ. Đối với Không sai một bước, bối cảnh có nhiều thuận lợi cho việc tạo hình. Về tiếng động thì có tiếng còi tàu, tiếng bước chân người tuần đường trên đường sắt, rồi những âm thanh của ban đêm, giữa không gian chỉ có những con người đó với tiếng sóng biển, tiếng côn trùng… Riêng về âm thanh thì đã ấn tượng rồi. Về hình ảnh, những đoàn tàu đến rồi đi, không gian buồn tẻ như thế, chỉ với những con người như thế, thì việc tạo hình sẽ rất ấn tượng nếu đạo diễn “khéo tay”. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện phim tài liệu với hai máy quay. Chúng tôi đã làm việc với ga Tuy Hòa để anh Vũ Giang ngồi ở vị trí của người lái tàu, quay được những hình ảnh từ góc nhìn của người lái tàu, hình ảnh tàu chui qua hầm. Hình ảnh trên phim là những hình ảnh được chắt lọc, còn toàn bộ tư liệu mà anh em ghi được thì rất nhiều, từ nhiều góc độ, đặc biệt là những hình ảnh sáng - tối qua hàng loạt hầm của đèo Cả. Điều đó cũng góp phần tạo được ấn tượng nhất định cho phim tài liệu này.

 

Đối với nhà báo, khi cho ra đời một tác phẩm thì cũng nhắm đến một nhóm công chúng nhất định, qua đó thấy được trách nhiệm của người làm báo. Trong quá trình tác nghiệp, có những con người làm mình rất bất ngờ, ví dụ có một nhân vật trong phim, làm mấy mươi năm rồi nhưng thu nhập chỉ hơn 2 triệu đồng một tháng, nhà thì ở xa. Trong trường hợp này, tôi nghĩ trách nhiệm của nhà báo là làm sao để cộng đồng có được thông tin về công việc thầm lặng của những con người như thế, và trước hết là có những sẻ chia, đồng cảm.

 

* Nhà báo Lê Biết (Ðài Phát thanh Phú Yên): NÓI LÊN TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI DÂN

 

Tôi rất vui khi tác phẩm của mình được các đồng nghiệp ghi nhận, được Hội đồng giải thưởng Báo chí Phú Yên năm 2010 ghi nhận, bởi tác phẩm có những tác động xã hội nhất định. Khi nghe tin tác phẩm Bức tử đầm Cù Mông đoạt giải, tôi muốn chia sẻ niềm vui với những người dân gắn bó với đầm Cù Mông - những người rất trăn trở, rất bức xúc bởi con cá con tôm là bát cơm của họ gần như bị mất đi khi tình trạng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt diễn ra trên đầm, khi việc khai thác san hô hủy hoại tầng đáy và đặc biệt là tình trạng nuôi tôm trên cát, xả thải trực tiếp ra đầm - nguồn sống của hàng nghìn hộ dân. Sau khi tác phẩm được phát sóng, các cơ quan chức năng vào cuộc, tổ chức lực lượng truy quét. Cho đến thời điểm này, việc truy quét, lập lại trật tự trên đầm Cù Mông vẫn tiếp tục được tiến hành. Mới đây, chủ tịch UNBD tỉnh đã có chỉ thị về vấn đề đó. Tôi nghĩ, nếu không phải là nhà báo, không nói lên tiếng nói của người dân thì có lẽ sẽ không có được tác dụng mạnh mẽ như thế.

 

* Nhà báo Phạm Ngọc Chung (Báo Phú Yên): ÐÁNH ÐỘNG SỰ QUAN TÂM CỦA XÃ HỘI

 

Vào thời điểm đó, trên địa bàn Phú Yên chưa có trường hợp heo mắc bệnh tai xanh được công bố. Một gia đình ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An nuôi trên 250 con heo, một nửa số heo đã chết, đa phần là heo con. Gia đình này nghi ngờ heo mắc bệnh tai xanh nên đề nghị ngành Thú y kiểm tra, xét nghiệm. Ngành Thú y đến, mổ lấy mẫu bệnh phẩm mấy lần, khẳng định không phải bệnh tai xanh mà là tụ huyết trùng và dịch tả. Gia đình không đồng ý với kết luận đó nên mang mẫu bệnh phẩm từ Tuy An vô Nha Trang để xét nghiệm. Sau đó, kết quả được gởi về cho cơ quan chuyên môn, cho thấy đàn heo đó mắc bệnh tai xanh. Điều đáng nói là gia đình nuôi heo đã báo cho ngành chức năng, nhưng sau mấy lần mổ, xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, vẫn không cho rằng heo mắc bệnh tai xanh và cũng không đưa bệnh phẩm đến nơi khác xét nghiệm lại, thế nên gia đình đó bức xúc, đến Báo Phú Yên để phản ánh. Lúc đó đã 12g30. Tôi và Tuyết Hương liền ra An Mỹ, tìm hiểu sự việc. Điều đáng nói ở đây là trước tình hình như vậy, ngành chức năng đã không làm hết trách nghiệm và đề nghị gia đình nuôi đàn heo trên không cung cấp thông tin cho báo chí, để ngành sẽ có chính sách hỗ trợ khác (?!).

 

Anh-Ngoc-Chung110619.jpg

Nhà báo Phạm Ngọc Chung. - Ảnh: N.PHƯƠNG

 

Sau khi chúng tôi thu thập tư liệu, làm việc với Chi cục Thú y thì họ mới cung cấp thông tin là đàn heo bị bệnh tai xanh, đó là kết quả sau khi gia đình nuôi heo đưa mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm. Câu hỏi đặt ra là ngành chức năng có giấu dịch hay không? Tiếp theo, các cơ quan liên quan cũng thờ ơ trong việc dập dịch. Họ chỉ hướng dẫn một gia đình cách chôn heo chết, còn riêng tại thôn Giai Sơn thuộc xã An Mỹ, trên 10 hộ có heo chết, có hộ chết không còn con nào, họ vứt xác heo bừa bãi. Nhân viên thú y lại hướng dẫn gia đình chôn heo trong vườn, mà theo gia đình báo cáo là gần 30 con.

 

Sau khi loạt tin, bài về ổ dịch heo tai xanh tại thôn Giai Sơn, xã An Mỹ được đăng tải trên Báo Phú Yên, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo ngành Nông nghiệp thành lập đoàn kiểm tra đi kiểm tra sự việc này. Sở NN-PTNT thành lập đoàn kiểm tra và có công văn báo cáo cho UBND tỉnh, rằng tất cả những vấn đề báo nêu là đúng sự thật; chỉ có một chi tiết là trong vườn khoảng 2m² chôn 12 con heo chứ không phải gần 30 con như gia đình đã cung cấp với báo chí trước đó. Chỉ chi tiết đó thôi, còn tất cả những vấn đề mà báo nêu đều đúng sự thật.

 

Sau khi loạt tin, bài được đăng tải trên Báo Phú Yên, những người nuôi heo có heo chết kịp thời báo cho cơ quan thú y, nhận thuốc tiêu độc khử trùng, chôn lấp đúng quy định. Chúng tôi nghĩ loạt tin, bài đã đánh động sự quan tâm của các cơ quan chức năng về tình trạng bệnh heo tai xanh và các gia đình nuôi heo được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

 

* Nhà báo Nguyễn Ðức Thông (Báo Thanh Niên): GÓP PHẦN BẢO VỆ ÐỘNG VẬT HOANG DÃ

 

Duc-Thong110619.jpg

Nhà báo Nguyễn Đức Thông  - Ảnh: M.NGUYỆT

 

Đầu năm 2011, tôi nhận được thông tin một xe khách chở 96 con khỉ đuôi dài lưu hành theo hướng nam - bắc, bị lực lượng chức năng phát hiện tại Phú Yên. Tài xế bỏ trốn; cơ quan chức năng chuyển số khỉ này về Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa để tạm thời nuôi dưỡng, sau đó sẽ thả về môi trường tự nhiên phù hợp. Sau đó ba ngày, hội đồng định giá TP Tuy Hòa định giá bán 96 con khỉ đuôi dài mà không có sự tham gia của cơ quan thú y. Hơn nữa, thành phần hội đồng cũng không đúng như quyết định thành lập của Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa. Tôi thấy ở đây có sự bất thường: 96 con khỉ đuôi dài thuộc nhóm 2 động vật hoang dã cần được bảo vệ, nhưng hội đồng định giá đã định giá, bán với giá thị trường cho một người kinh doanh động vật hoang dã ở xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa - người không có khả năng chăm sóc khỉ đuôi dài. Tôi đến nơi, thấy những con khỉ bị nhốt trong lồng sắt. Lần theo sự bất thường đó, tôi thực hiện một loạt 6 tin, 5 bài trên báo Thanh Niên. Loạt tin, bài về vụ vận chuyển trái phép 96 con khỉ đuôi dài đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hội đồng được thành lập lại, Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa tìm đơn vị cứu hộ 96 con khỉ. Trong khi đó, Báo Thanh Niên đã tích cực tìm đơn vị cứu hộ động vật hoang dã ở Hà Nội, đưa 96 con khỉ đuôi dài về đó chăm sóc. Hiện chúng đã được thả về môi trường tự nhiên. Tôi nghĩ, loạt tin, bài đã thành công trong việc bảo vệ động vật hoang dã, góp phần bảo vệ môi trường.

 

Phim tài liệu Không sai một bước do nhà báo Trần Thanh Hưng đạo diễn, quay phim:  Quốc Mẫu - Vũ Giang (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên) đoạt giải A; loạt tin, bài về vụ vận chuyển trái phép 96 con khỉ đuôi dài của nhà báo Nguyễn Đức Thông (Báo Thanh Niên) đoạt giải B; loạt tin, bài về ổ dịch heo tai xanh tại thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An của các nhà báo Ngọc Chung - Quốc Khương - Tuyết Hương - Phương Nam - Ngô Xuân (Báo Phú Yên) đoạt giải B; phóng sự Bức tử đầm Cù Mông của nhà báo Lê Biết (Đài Phát thanh Phú Yên) đoạt giải B giải Báo chí Phú Yên 2010.

 

LÂM VY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek