Một chàng trai xứ “nẫu”, nói giọng “nẫu” rặt ri, “cơm nhà áo vợ”, một thân một mình lần đầu tiên “mang chuông đi đánh xứ người”, đến với một sân chơi mà lợi thế hoàn toàn thuộc về “đội bạn” - gameshow “Giọt nắng phù sa”. Thật bất ngờ, chàng trai ấy đoạt giải nhất (tháng thứ 10), được vào chung kết. Ðó là Văn Tấn Toàn, thành viên Câu lạc bộ Ðàn hát dân ca - cổ nhạc, ngâm thơ (Chi hội Sân khấu Phú Yên).
|
Văn Tấn Toàn tại cuộc thi tháng “Giọt nắng phù sa” (ảnh do nhân vật cung cấp) |
MÊ CẢI LƯƠNG, CA CỔ TỪ NHỎ
Văn Tấn Toàn cho biết anh mê cải lương, ca cổ từ nhỏ. Hồi ấy, những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, phong trào cải lương phát triển rất mạnh, trong đó có Phú Yên. Không chỉ nhiều đoàn cải lương từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ về xã, về huyện biểu diễn mà ngay tại Hòa Hiệp quê Toàn cũng có đến hai đoàn cải lương được thành lập, thường xuyên đi biểu diễn khắp nơi. Thời gian đó, ở cái tuổi còn mặt quần tà lỏn, đi chăn bò nhưng không có đêm hát cải lương nào ở xã, ở thôn mà cậu bé Văn Tấn Toàn vắng mặt. Không có tiền mua vé, Toàn bám theo chân người lớn để vào cổng. Những hôm lực lượng gác cổng soát vé gắt gao, không cho vào thì Toàn trèo rào hoặc chờ coi hát “thả giàn”. “Tôi ghiền cải lương lúc nào không biết. Cứ mỗi khi nghe có tiếng đàn cổ nhạc hay một giọng ca tài tử ngọt ngào nào đó cất lên là tôi thấy rạo rực trong lòng và phải nghe cho trót. Hồi đó, nhiều người ở Hòa Hiệp quê tôi mê cải lương và hát hay nên đi theo đoàn này, đoàn kia. Tôi cũng muốn đi nhưng ngặt nỗi giọng ca không được hay”, Toàn bộc bạch. Nghe các nghệ sĩ trên sân khấu hát, diễn, về nhà Toàn cũng tập hát, tập diễn theo. Sau này Toàn còn tập qua băng, đĩa… và sưu tập thành bộ. Ngồi ở đâu, làm bất cứ chuyện gì, khi có thể là Toàn lại nghêu ngao những câu ca vọng cổ, có khi hát cả một trích đoạn cải lương. Cứ thế, những làn điệu nam xuân, nam ai, lý con sáo, Dạ cổ hoài lang, Khóc Hoàng thiên… cứ thấm dần, thấm dần vào hồn, vào máu của Văn Tấn Toàn.
“Tôi thuộc khá nhiều bài hát, biết nhiều bài bản, làn điệu trong ca cổ và đàn ca tài tử nhưng chỉ “amatơ” thôi nên hát vẫn còn hay trật nhịp. Nhờ tham gia vào Câu lạc bộ Đàn hát dân ca - nhạc cổ của Chi hội Sân khấu, được chú Bốn Hoàng kèm dạy và dày công rèn giũa nên tôi biết thêm nhiều bài bản mới và ngày càng chắc nhịp”, Toàn tâm sự.
THỬ SỨC MÌNH
Với niềm đam mê cháy bỏng nghệ thuật cải lương nên dù ở cách TP Tuy Hòa trên dưới 20 cây số nhưng hầu như đêm sinh hoạt câu lạc bộ nào ở Trung tâm Giải trí và Sinh thái Thuận Thảo, Toàn cũng có mặt. Sở trường của Toàn là hát những câu vọng cổ, bài bản nhỏ có tính vui nhộn, khỏe khoắn, hào sảng; vai diễn ưa thích là những vai phản diện pha chút hài hước, như Giang Thành Giảo (trong Tìm lại cuộc đời), Đinh Mã Dự (trong Gánh cỏ sông Hàn), Hội đồng Thanh (trong Tiếng hò sông Hậu)… “Một lần tình cờ bật tivi ở kênh HTV9, tôi mới biết Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Truyền thông Đại Nam đang tổ chức gameshow “Giọt nắng phù sa”. Theo dõi hai lần thi tháng, mỗi tháng chọn một người để vào thi chung kết, tôi thấy các câu hỏi của ban giám khảo và thách đố của thí sinh không quá khó nên quyết định khăn gói lên đường vào Sài Gòn thử sức mình”, Toàn kể.
Lén mọi người đi thi vì sợ thi rớt nhưng không hiểu sao vẫn có nhiều người biết và động viên Toàn, bảo “cố giành giải nhất”. Lận lưng gần 3 triệu đồng, vào đến nơi, Toàn thuê một phòng trọ ở gần nơi tổ chức thi để không phải đi lại bằng xe ôm tốn kém. Để được chọn vào thi tháng, Toàn phải trải qua vòng loại với khoảng 200 thí sinh trên khắp ba miền của đất nước, chủ yếu là thí sinh miền Nam - cái nôi của đàn ca tài tử, cải lương. Nhờ có “vốn liếng” tương đối nên Toàn sớm được chọn và được ban tổ chức sắp xếp thi vào tháng 4/2011 (tháng thứ 10 của cả cuộc thi) cùng 5 thí sinh khác, đều là người miền Nam. Thời điểm đó, Sài Gòn thời tiết rất nóng. Do uống nhiều trà đá, cổ họng bị viêm nhưng vì “màu cờ sắc áo”, Toàn vẫn phải cố hết sức. Vòng đầu tiên với phần thi có tên gọi Ai biết hơn ai?, các thí sinh bốc thăm thành từng cặp, trả lời câu hỏi kiến thức về âm nhạc dân tộc bằng hình thức bấm chuông nhanh; đồng thời “thách đố” những bài bản, làn điệu trong ca cổ và đờn ca tài tử. Phần này Toàn được điểm tối đa 1,5 điểm; đối thủ của Toàn không có điểm nào. Ở phần thi Khoe giọng, mỗi thí sinh có ba phút để trình bày một bài ca vọng cổ tự chọn. Toàn chọn ca hai câu vọng cổ và được 19,12/20 điểm. Cộng hai phần thi Toàn được 26,62 điểm, đứng thứ nhì và cùng người có điểm số cao nhất (27,5 điểm) - một nữ sinh viên ở Trường Nghệ thuật Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh bước vào vòng thi Bứt phá, nghe hòa tấu năm bản cải lương để đoán tên bài. Ở vòng thi mang tính quyết định này, đối thủ của Toàn không đoán được tên bài nào, trong khi Toàn xuất sắc trả lời được 4/5 tên bài, giành 6/7,5 điểm và đoạt giải nhất tháng thứ 10, tiếp tục bước vào vòng chung kết sẽ diễn ra vào tháng 8 tới, sau khi ban tổ chức chọn đủ 12 người nhất tháng.
“Thắng, thua, có giải hay không có giải trong vòng chung kết này đối với tôi không quan trọng nữa. Điều quan trọng là qua cuộc chơi này tôi có dịp học hỏi thêm nhiều bài bản, làn điệu trong bộ môn nghệ thuật mà mình yêu thích. Tôi vinh dự là người Phú Yên được tham gia đến vòng cuối của cuộc chơi, góp thêm một làn hơi, gửi gắm một chút tình cảm của quê hương mình với bạn bè miền Nam yêu thương. Kết thúc cuộc thi này, tôi dự định sẽ ở lại Sài Gòn một thời gian, tìm thầy học thêm về bài bản, sáng tác…”, Toàn cho biết.
HIẾU VY