Thứ Bảy, 18/01/2025 18:00 CH
Phó Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Bang:
Phú Yên có vị trí quan trọng trong việc mở nước
Chủ Nhật, 29/05/2011 14:20 CH

Thế kỷ XIX là mốc rất quan trọng trong lịch sử Phú Yên cũng như trong lịch sử Việt Nam. Ðó là lời khẳng định của Phó Giáo sư - tiến sĩ Ðỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế khi trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên.

 

* Là chủ biên công trình nghiên cứu Lịch sử Phú Yên thế kỷ XIX, phó giáo sư có thể cho biết vai trò Lịch sử Phú Yên thế kỷ XIX trong bộ thông sử 400 năm của tỉnh Phú Yên?

 

Tien-si-Do-Bang110529.gif

Phó Giáo sư - tiến sĩ Đỗ Bang - Ảnh: M.NGUYỆT

- Tôi được UBND tỉnh Phú Yên giao nhiệm vụ triển khai biên soạn tập Lịch sử Phú Yên thế kỷ XIX. Nhận nhiệm vụ này, tôi rất lo. Tỉnh xác định rằng, nếu thực hiện được công trình Lịch sử Phú Yên thế kỷ XIX thì sẽ có thể biên soạn được  lịch sử Phú Yên thế kỷ XVIII trở về trước, đầu thế kỷ XX và có thể hoàn chỉnh cả bốn tập. Nếu tập này không hoàn thành thì kế hoạch thực hiện cả bốn tập đều phá sản.

 

Điều thuận lợi là trước đó, tôi đã từng thực hiện công trình cấp nhà nước về triều Nguyễn. Do vậy phần tài liệu cơ bản, tôi đã có sẵn trong tủ sách. Trong đội ngũ cộng tác ở Huế, Bình Định cũng như tại Phú Yên, tôi đều có thể tuyển chọn những người tốt tham gia. Tốt ở đây có hai phương diện: phẩm chất làm khoa học và tố chất chuyên môn. Vì vậy, tôi đảm nhận công trình này với niềm tin là sẽ thành công.

 

Nhóm nghiên cứu của chúng tôi có hơn 10 người, kể cả cộng tác viên, làm việc trong 2 năm. Tôi đã đến khảo sát các ngôi đình cổ, trấn cổ, chùa cổ, thương cảng và các di sản văn hóa ở Phú Yên rất nhiều lần. Tôi cảm thấy yên tâm vì các chuyến khảo sát có thêm tư liệu giúp bổ sung nguồn tư liệu cũ. Sau đó, nhóm nghiên cứu làm việc rất nhiệt thành vì xác định công trình này rất có ý nghĩa. Đến khi nghiệm thu đề tài, Hội đồng KH-CN tỉnh đánh giá đây là một trong những đề tài xuất sắc, sau đó được biên tập xuất bản. Có Lịch sử Phú Yên thế kỷ XIX thì sẽ tìm được vị thế Phú Yên trong toàn cảnh quốc gia lúc bấy giờ. Tôi lập luận như thế là bởi, thế kỷ XVIII trở về trước là thời điểm mới hình thành dinh, phủ. Thế kỷ XIX xác định đơn vị hành chính các tỉnh thành khác trên toàn quốc. Hơn nữa, từ đây sẽ có cơ sở xác định được Lịch sử Phú Yên qua thế kỷ XX và những năm sau này do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

 

* Theo phó giáo sư, đâu là những giá trị văn hóa lịch sử đặc thù trong thế kỷ XIX mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị?

 

- Những địa phương mà chúng tôi khảo sát, hầu như vẫn còn nguyên vẹn dấu tích của thời kỳ nhà Nguyễn, kể cả đảo và vùng ven biển, núi... đều cần được bảo vệ. Hơn nữa, thế kỷ XIX và trước đó có Thủy xá, Hỏa xá thì bây giờ, đó cũng là vấn đề lớn của Phú Yên, cần bảo tồn không chỉ về phương diện lịch sử mà cả về phương diện văn hóa dân tộc. Một số di tích như Thành An Thổ, các chùa rất nổi tiếng được xây dựng hoàn chỉnh và bề thế ở thế kỷ XIX, xứng đáng là một trung tâm lớn của Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ.

 

* Qua công trình Lịch sử Phú Yên thế kỷ XIX của phó giáo sư và các cộng sự, theo phó giáo sư, còn những vấn đề nào cần tiếp tục nghiên cứu để khắc họa diện mạo tỉnh Phú Yên trong dòng chảy lịch sử 400 năm?

 

- Bốn tập lịch sử Phú Yên là một bộ sách dày dặn, chứa đựng một trình độ tri thức, một lượng chất xám như vậy không phải tỉnh nào cũng có. Tuy nhiên, việc phát hành 4 tập lịch sử này chỉ trong khu vực quản lý của nhà nước chứ chưa được xã hội hóa. Thời gian tới, UBND tỉnh cần tổ chức biên tập lại chừng 200 trang, chuyển ra thị trường, xã hội hóa bộ lịch sử này. Tôi cho rằng, giới nghiên cứu, đồng bào trong nước, những người quan tâm đến Phú Yên cũng cần có những cuốn sách này.

 

Một vấn đề khác mà bây giờ có thể kết luận được là vai trò của Lương Văn Chánh. Tôi đọc Đại Nam nhất thống chí, trong đó nói năm 1578, Lương Văn Chánh đã làm tri huyện Tuy Viễn của phủ Quy Ninh, sau này là Quy Nhơn - Bình Định. Như vậy năm 1578, với chức vụ tri huyện nhưng Lương Văn Chánh có nhiệm vụ đưa dân của huyện Tuy Viễn vào trong. Quá trình ấy, trong này chưa xác lập được các đơn vị hành chính. Đơn vị hành chính của Phú Yên lấy đơn vị hành chính của Tuy Viễn. Lương Văn Chánh làm một cách khéo léo như vậy là vì, nếu công khai thành lập các đơn vị hành chính trong này thì vua Lê, chúa Trịnh sẽ không bao giờ cho; Chămpa cũng không bao giờ chấp nhận. 

 

Từ chức tri huyện Tuy Viễn năm 1578, sau đó Lương Văn Chánh được mấy sắc phong của vua Lê trao cho với tư cách người có công đầu tiên xây dựng nên vùng đất này. Đến 30 năm sau, năm 1611, vùng đất được chính thức hóa có cả phương diện về quản lý nhà nước. Tôi cho rằng, nếu như không có Phú Yên thì sẽ không tổng kết được 4 thế kỷ mở đất từ Quảng Bình đến Phú Yên. Mà không có Phú Yên thì không thể có bước đột phá mà chỉ cần hơn 1 thế kỷ từ Phú Yên mở đất đến Nam Bộ, kể cả các bán đảo, đảo Trường Sa, Hoàng Sa ngày nay.

 

Về phương diện mở nước này, lịch sử Phú Yên có một vai trò cực kỳ quan trọng trong lịch sử mở nước Việt Nam. Tôi cũng xin lưu ý là không nên dùng từ mở đất. Bởi vì, mở đất là làng xã mở đất, mở cõi là mở biên giới, còn Nam tiến mang ý nghĩa khác. Cho nên tôi đề nghị phải dùng từ mở nước, nghĩa là nhà nước phải đi mở nước. Có nghĩa là có lãnh thổ, chính quyền căn bản rồi mở rộng ra. Nhà Nguyễn là thời kỳ mở nước. Nước Đại Việt từ đây mở vô đàng Trong. Phú Yên có vị trí cực kỳ quan trọng trong việc mở nước. Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn nữa vị trí của Phú Yên trong lịch sử dân tộc.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

MINH NGUYỆT (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek