Về Tuy An vào những ngày nắng nóng của tháng 5, những ngày vận động bầu cử Quốc hội, mới thấy quê hương thật xa mà cũng thật gần. Trên những con đường lên An Định, An Lĩnh, về với An Thạch, An Dân, An Ninh… vẫn là đất đai, cỏ cây, con người ấy, nhưng cảm xúc thì không lần nào giống với lần nào.
Đường lên chùa Từ Quang (Đá Trắng) Ảnh: D.T.XUÂN |
Tuy An không đông đúc, rộn ràng như Tuy Hòa; không hoang sơ, mới lạ như Sông Hinh; không lãng mạn, quyến rũ như Sông Cầu. Tuy An thật bình yên, mộc mạc như đất nhưng cũng mạnh mẽ, bền bỉ và bao dung như đất. Đất Tuy An dường như có một màu rất riêng, không đỏ như đất bazan, không vàng nghệ như đất sét, không sáng như đất cát. Đất Tuy An có một màu nâu trầm thật quen mà lại khó định nghĩa. Gốm Quảng Đức nổi tiếng một thời chính nhờ làm từ đất Tuy An. Chợt nhận ra rằng không có vùng nào, huyện nào của tỉnh Phú Yên tập trung nhiều di sản văn hóa, có nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng bằng Tuy An.
Đền thờ Lê Thành Phương không nguy nga, lộng lẫy mà rất giản dị nằm ngay giữa vùng đất thổ rộng rãi. Thành An Thổ không có nét vàng son cũng không đồ sộ, hùng vĩ mà chỉ một màu đất nâu đậm pha với màu rêu xanh thời gian. Có vẻ như lịch sử chọn An Dân, nên nơi đây không chỉ là thủ phủ xưa của Phú Yên thời phong kiến với thành An Thổ (xây dựng từ 1832 đến 1836) mà còn có bến đò Cây Dừa, chùa Đá Trắng, đền thờ - những di tích gắn liền với người sĩ phu yêu nước Lê Thành Phương. An Dân cũng là nơi sinh của Tổng Bí thư Trần Phú.
Con sông đi qua phường Lụa thật đẹp như chảy ra từ những trang văn của Võ Hồng. Tre xanh soi mình xuống dòng nước xanh. Chỉ tiếc là cầu Lò Gốm làm hơi lâu, nhiều đoạn đường vẫn còn đang làm dang dở, đầy bụi và dòng nước xâm thực mạnh sang bờ bên kia đến mức nền nhà cũ của nhà văn Võ Hồng hầu như không còn. Những con thuyền nhỏ chở đồ gốm, vải lụa và những cô hàng xén, những em bé đi học, những người mẹ, người chị đi chợ phiên… giờ cũng đã thành hình ảnh cũ trong ký ức. Không chỉ là quê hương của nhà văn Võ Hồng, Tuy An còn là nơi sinh ra nhà thơ Nguyễn Mỹ, nhà thơ Thanh Quế, nhạc sĩ Nhật Lai… Họ là những người đã lưu giữ, đã ghi danh quê hương trên bản đồ văn chương, âm nhạc Việt
“Giấc mơ xanh còn xanh mãi của tôi
Là Ô Loan đầm nước trong ngời
Tôi như con sóng nhoài trên biển
Mẹ gọi về đây nghỉ chút thôi…”.
Nếu Ô Loan là con sóng thì con sóng đó đã quên về biển khơi vì không muốn rời xa đất mẹ. Nếu Ô Loan là con chim phượng thì con chim đẹp này vì mê âm thanh của đàn đá, kèn đá từ An Thọ, An Nghiệp vọng xuống mà quên bay về trời…
Tôi cũng mê Tuy An và ngưỡng mộ Tuy An bởi các lớp trầm tích văn hóa giàu có chưa thống kê hết của vùng đất này. Hẹn một hôm nào đến với gành Đá Dĩa hoặc leo lên các bậc dốc cao của chùa Đá Trắng (Từ Quang tự), đứng đối diện giữa trời và đất để cho tâm hồn nhỏ bé của mình được thu nhận và được sẻ chia, giao hòa với tâm hồn thiên nhiên nơi đây.
NGUYỄN THỊ THU TRANG