Chưa bao giờ Phú Yên có một tuyển tập văn học đồ sộ như Văn học Phú Yên 400 năm (1611-2011). Khó có thể đòi hỏi sự toàn bích trong một tuyển tập, thế nhưng bộ sách với tác phẩm của 137 tác giả văn xuôi và thơ, đã phần nào cho người đọc nhận ra diện mạo nền văn học ở một vùng đất dồi dào sức sáng tạo.
Bìa tuyển tập “Văn học Phú Yên 400 năm”.
Từ thời mở đất cho đến những năm đầu thế kỷ XXI, văn học Phú Yên đã in dấu biết bao thăng trầm thế sự. Nói cách khác, văn học là nơi gởi gắm sâu lắng nhất cảm xúc của con người; văn học chính là tâm hồn con người soi xuống dòng thời gian.
Càng về sau, đội ngũ những người sáng tác văn học càng đông đảo, với nhiều đóng góp đa dạng. Nhiều tác giả người Phú Yên đã đoạt các giải thưởng văn học danh giá, tác phẩm của họ được nhiều người tìm đọc.
Một trường hợp độc đáo của thi ca Phú Yên là thi sĩ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ với những thi phẩm nức tiếng như Cuộc chia ly màu đỏ, Giấc mơ xanh... Một tình yêu đôi lứa da diết trong chiến tranh:
“Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồn
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa...”
Một tình yêu sâu nặng với cố hương:
“Mẹ đặt đầu tôi lên lưỡi cát
Chắn ngang biển lớn đến tìm tôi
Ru tôi mẹ hát bài dương liễu
Rắc ước mơ vào trong sóng khơi...”.
Không hẳn trong 137 tác giả góp mặt ở tuyển tập Văn học Phú Yên 400 năm đều là người Phú Yên, thế nhưng tác phẩm của họ đã góp sức vào dòng chảy văn học Phú Yên. Và Phú Yên phải cảm ơn họ vì những tác phẩm để lại vô cùng ấn tượng, ghi dấu đậm nét trên thi đàn Việt
Có thể không sôi động bằng nhiều vùng khác, nhưng dòng chảy văn học Phú Yên qua từng giai đoạn đều có những sáng tác tinh hoa, được nhiều người tâm đắc. Trong phần Lời giới thiệu có đoạn: “Giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX (trước 1945), văn học viết Phú Yên không phát triển sôi nổi, phong phú như ở các nơi khác. Có thể vì Phú Yên cách xa hai trung tâm văn hóa lớn là Hà Nội và Sài Gòn hoặc có thể do các trường học lớn chưa có, các cuộc cách mạng của văn chương ít có điều kiện ảnh hưởng tới”. Thế nhưng Văn học Phú Yên 400 năm vẫn một dòng riêng, phong phú, đã kịp để lại những tác giả, tác phẩm đáng tự hào trong gia tài văn học Việt Nam.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, thành viên ban tuyển chọn, nếu văn chương không phải là lãnh địa riêng của một số người viết chuyên nghiệp mà là sự sẻ chia giữa những người sáng tác và người đọc thì 400 năm qua, văn học Phú Yên đã hoàn thành nhiệm vụ cơ bản là đáp ứng được trong một giới hạn nhất định nhu cầu của người đọc. Hơn thế nữa, “nhật ký tâm hồn” Phú Yên 400 năm qua đã thành một gia sản lớn của đất này, góp những trang văn đẹp vào gia tài văn hóa dân tộc, mà điển hình nhất là những tác phẩm văn học vượt thời gian xuất xứ từ mảnh đất này.
Như đã nói ban đầu, tuyển tập văn học của một vùng đất trong 4 thế kỷ, được thực hiện trong một thời gian nhất định, khó thể tránh khỏi những thiếu sót. Điều này đã và đang nhận được ý kiến luận bàn với tinh thần hết sức nghiêm túc. Văn học Phú Yên 400 năm đã nhận được sự phản hồi tích cực của dư luận người đọc.
HÙNG PHIÊN