Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ vừa phát hành tập ghi chép Hồn thiêng Côn Đảo của tác giả Vũ Văn Thoại, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên. Như một lời ước nguyện, tác giả tự tổ chức một chuyến hành hương về Côn Đảo, dành thời gian tìm hiểu, chiêm nghiệm và có một ghi chép hệ thống, hấp dẫn về một thời Côn Đảo – địa ngục trần gian. Những trang viết xúc động, chứa chan tình cảm của tác giả đã được giới thiệu nhiều kỳ trên Báo Phú Yên năm 2010 nhân dịp 35 năm giải phóng miền Nam.
Trong lời giới thiệu tập sách, đồng chí Nguyễn Duy Luân (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên) đã dành những dòng trang trọng: “Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu về Côn Đảo, đã từng đến đất thiêng Côn Đảo – viên ngọc xanh của Tổ quốc giữa muôn trùng sống vỗ và rất xúc động trước Hồn thiêng Côn Đảo qua cảm nhận của Vũ Văn Thoại trong ký sự nhiều kỳ trên Báo Phú Yên. Hồn thiêng Côn Đảo được xuất bản thành sách là thêm một nén hương lòng thành kính của thế hệ hôm nay bái vọng về quá khứ anh hùng của một dân tộc để tiếp sức cho hiện tại và hướng về tương lai. “Địa ngục trần gian” Côn Đảo mãi mãi hằn sâu trong ký ức các thế hệ người Việt
Hồn thiêng Côn Đảo đã dành tình cảm đầy xúc động về 73 chiến sĩ cộng sản và quần chúng yêu nước Phú Yên bị địch lưu đày ra Côn Đảo trong chuyến tàu đầu tiên của Mỹ ngụy ngày 30/4/1957 cùng với hơn 400 tù nhân các tỉnh Nam Trung Bộ. Rất nhiều người mãi mãi nằm lại với đảo xanh Côn Đảo như liệt sĩ Nguyễn Đình Thành – Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa”.
Chuyến vượt ngục thành công mang tính huyền thoại của tử tù Nguyễn Quốc Thể (Phú Yên) và các đồng đội của ông… góp phần tạo sức hấp dẫn đặc biệt của tập sách.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Đào (nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ Ban Quản lý di tích Côn Đảo, nay là chuyên viên Phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Yên) đã có những cảm xúc sâu lắng về nội dung tập sách: “Tôi rất tự hào là người được sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại mảnh đất Côn Đảo thiêng liêng và anh hùng – nơi in đậm dấu tích của một thời được mệnh danh là “địa ngục trần gian”… chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ phải rời xa mảnh đất này. Nhưng vì một lý do rất đặc biệt “Thuyền theo lái, gái theo chồng” tôi nhận Phú Yên làm quê hương thứ hai của mình. Vừa nhận công tác mới được vài ngày, rất tình cờ tôi cầm trên tay tập ghi chép Hồn thiêng Côn Đảo của tác giả Vũ Văn Thoại. Tôi lật ngay trang đầu tiên và đọc một mạch những dòng nghi chép về Côn Đảo. Đọc đến đâu cảm xúc nhớ Côn Đảo da diết dâng trào bởi lối ghi chép trong sáng, chân thật và tôn trọng lịch sử của tác giả.
Điều bất ngờ đối với tôi, tác giả không phải là người sống tại Côn Đảo sao lại có những ghi chép kỳ tích đến thế. Ghi chép của tác giả là bức tranh sống động thể hiện cuộc sống thanh bình, yên ả của người dân Côn Đảo, thể hiện nếp sống của một huyện văn hóa và một bức tranh lịch sử trải dài suốt 113 năm (1862-1975) dưới sự thống trị của thực dân và đế quốc. Ai chưa từng một lần đến Côn Đảo nếu được đọc ghi chép trong tập Hồn thiêng Côn Đảo sẽ dễ dàng hình dung về lịch sử, về cuộc sống của Côn Đảo”.
Chỉ một chuyến đi ngắn ngủi nhưng thực hiện được một tập sách lay động lòng người là điều không dễ, không phải người cầm bút nào cũng thực hiện được tâm huyết, tấm lòng và bút lực của tác giả thật đáng khâm phục và trân trọng. Nhiều trang viết đầy cảm xúc chân thật, giàu tính văn chương tạo nên dấu ấn phong cách của tác giả trong thể loại ký, ghi chép.
“Tôi lại nhìn biển, nhìn trời, trong cái mênh mông, lồng lộng tôi bỗng nảy ra ý nghĩ rằng, trên các đại dương bao la của trái đất này, hẳn có biết bao nhiêu là đảo, bao nhiêu là quần đảo và cũng như thế có biết bao nhiêu sự tích đã từng được con người thêu dệt, dựng thành phim, viết thành sách, sự thật có, huyền thoại có. Nhưng có lẽ không ở đâu như Côn Đảo này…”
Khép lại tập sách, người đọc đồng cảm và thấm thía với lời giới thiệu của ông Nguyễn Duy Luân: “Đọc Hồn thiêng Côn Đảo càng nồng ấm hơi thở của cuộc sống hôm nay. Dấu ấn của một quá khứ đau buồn thời thực dân, đế quốc đã lùi xa.
Với những gì hiện hữu và cả những trầm tích trong lòng đất Côn Đảo là di sản hỗn hợp đầy tự hào của đất nước. Nếu kẻ thù biến hòn ngọc xanh Côn Đảo thành “địa ngục trần gian” thì thế hệ người Việt Nam yêu nước hôm nay đang xây dựng Côn Đảo trở thành thiên đường du lịch gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt, xây dựng Côn Đảo tương xứng với vị trí tiền tiêu, mở ra hướng phát triển đầy ấn tượng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập”. Hy vọng bạn đọc sẽ tìm được nhiều điều thú vị, bổ ích như tựa đề đậm dấu ấn văn hóa tâm linh Hồn thiêng Côn Đảo.
BA ĐÀ RẰNG