Trích dẫn rất nhiều sử liệu, giai thoại và văn học để tôn vinh, chứng minh và bày tỏ sự đồng cảm trước phái đẹp, Gái đẹp trong tôi là cuốn bút ký mới nhất của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc vừa được NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành.
Bìa sách “Gái đẹp trong tôi” |
Bỏ khá nhiều thời gian, đầu tư sức đọc, sức nghĩ, sức cảm từ vô số trang sách xưa nay viết về phụ nữ để làm nên Gái đẹp trong tôi thể hiện hành động rất “ga-lăng” của gã đàn ông ngoài 50 tuổi, độc thân và cô đơn Lê Minh Quốc.
* Với bút lực sung sức như Lê Minh Quốc, thật không có gì ngạc nhiên khi anh ra sách mới. Nhưng lạ là lần này, anh lại dành hẳn một cuốn sách để viết về “gái đẹp” hay đúng hơn là về phụ nữ. Anh có thể bật mí động cơ để anh viết Gái đẹp trong tôi?
- Trong cuộc đời, tôi vốn là người thô vụng trong giao tế, nhất là khi muốn ngỏ lời tán tỉnh một nhan sắc nào đó. Những ngày tháng này, tôi đang yêu một người phụ nữ. Nàng xinh, nàng đẹp, nàng ngoan, nàng thánh thiện nên khiến lưỡi tôi như đeo đá không thể thốt nên lời. Trước nàng, tôi chỉ câm như thóc, ngậm tăm như hến.
Chẳng lẽ im lặng mãi sao? Thế là tôi quyết định viết một cuốn sách, như một cách bày tỏ tình yêu của mình dành cho nàng. Viết cho nàng nhưng thật ra cũng là dịp chiêm nghiệm về những vết xước ngọt ngào, những đòn roi đau đớn trong đời mình… Và khi viết trong tôi luôn hiện lên mười lăm năm giang hồ phiêu bạt của nàng Thúy Kiều, để lấy đó làm âm hưởng chủ đạo cho tập sách này.
* Như vậy sau nhiều năm tháng yêu, được yêu và thất tình, Lê Minh Quốc mới có được Gái đẹp trong tôi?
- Ai sinh ra trên đời mà không ao ước được sống với người mình yêu? Sống bằng hơi thở của người tình? Hơi thở của người tình là nguồn sống. Nhưng khát vọng ấy không dễ. Ngoảnh lại từ Đông sang Tây, những cuộc tình đẹp nhất của nhân loại đều trùng trùng nước mắt…
Vâng, từ Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài đến Đồi thông hai mộ; từ Tristan - Iseul đến Đồi gió hú… cũng đã đầm đìa nước mắt. Đố ai tìm ra một áng văn trác tuyệt mà ở đó đôi lứa chỉ toe miệng ra nói cười và cầm tay nhau dung dăng dung dẻ bước trên thảm cỏ rải đầy hoa hồng thơm tho tình ái. Gái đẹp trong tôi cũng được viết trong tâm thế ấy thôi. Cái tâm thế mà trong tập Thơ tình của Quốc, có đoạn dằn vặt tôi tự hỏi chính mình: “Mỗi lần yêu là một lần suýt chết/ Tại sao tôi phải chịu đựng quá nhiều?”. Gái đẹp trong tôi cũng góp phần trả lời câu hỏi đau đáu ấy.
* Nếu chỉ dùng một vài dòng vắn tắt để nói về phụ nữ Việt từ xưa đến nay, anh sẽ nói thế nào để khái quát được tính cách của phụ nữ Việt và bày tỏ được tình cảm của chính anh?
- Tôi xin ghi lại mấy câu thơ của tôi: “Tôi học một đời vẫn chưa hết túi khôn/ Những điều bình thường dưới vòm trời giản dị/ Bình thường như em - tấm lòng chung thủy/ Nhưng đích thực là bí ẩn của thiên nhiên”.
Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc với các nữ đồng nghiệp ở TP Hồ Chí Minh |
* Đọc Gái đẹp trong tôi, trích dẫn các nguồn sử liệu và văn học về phụ nữ, anh đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với số phận của nữ giới. Tuy nhiên, hiện nay gã đàn ông Lê Minh Quốc vẫn phòng không chiếc bóng dù tuổi đã “tri thiên mệnh”. Có khi nào anh muốn viết một cuốn sách về nỗi cô độc ở trong chính ngôi nhà của mình?
- Có những người đàn đúm với số nhiều nhưng thật ra họ đang cô độc khủng khiếp. “Ai tri âm đó mặn mà với ai”? Có những người lẻ loi, riêng lẻ nhưng thật ra họ có nhiều bè bạn chung quanh. Bè bạn ấy, với tôi là từ những trang sách tôi đọc, từ những sắc màu tôi vẽ… Nếu đọc kỹ thơ tôi, sẽ thấy tôi đã thể hiện “nỗi cô độc ở trong chính ngôi nhà của mình” từ nhiều năm nay.
* Nhìn lại các tao nhân thi sĩ mày râu tiền bối đã từng yêu và cảm thông cho thân phận đàn bà, bản thân anh sẽ bầu chọn ai là người đàn ông “ga-lăng” nhất?
- Tôi chọn thi hào Nguyễn Du. Trong vòng quay sinh tử một kiếp đàn bà, từ Văn tế thập loại chúng sinh đến Truyện Kiều, đã hai lần Nguyễn Du thốt lên thống thiết: “Đau đớn thay phận đàn bà”. Tiếng kêu bi thương não nùng, vang vọng suốt 2.354 câu thơ Kiều từ thời Nguyễn Du đến “tam bách dư niên hậu” vẫn còn rõ mồn một. Đầm đìa nước mắt. Tôi ngờ rằng, với các nhà thơ cổ điển Việt
* Xin cảm ơn nhà thơ!
Với Lê Minh Quốc, người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp, là nguồn cội của tình yêu, là người sáng tạo thế giới và cũng là người chịu đựng nhiều nhất những tai ách, những bất hạnh, những đau đớn của kiếp người. Tôi nghĩ, nếu không có tình yêu thương, không có nỗi cảm thông, không có sự hiểu biết và những trải nghiệm sống, Lê Minh Quốc khó viết nên những trang văn nồng nhiệt, tha thiết, có khi đắm đuối như vậy, về một đề tài đã được nhiều người luận bàn. (Nhà thơ Ý Nhi)
THANH KIỀU (thực hiện)