Di sản Hán - Nôm là bộ phận của hệ thống di sản văn hóa phi vật thể tồn tại trên vùng đất Phú Yên qua 400 năm lịch sử. Trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay, việc bảo tồn đi đôi với nghiên cứu, khai thác, phát huy giá trị của những di sản này có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Du khách xem bia chữ Hán ở đập Đồng
Hệ thống di sản Hán - Nôm ở Phú Yên tại các di tích góp phần vào việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa vùng đất Nam Trung Bộ. Đề cập việc nghiên cứu, bảo tồn di sản Hán - Nôm, giáo sư Nguyễn Khuê nhấn mạnh: “Việc nghiên cứu Hán - Nôm biểu lộ sự trân trọng đối với di sản tinh thần của tiền nhân, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, một điều rất quan trọng trong tiến trình Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới”. Việc bảo tồn di sản Hán - Nôm trong bối cảnh hội nhập không phải là đóng kín, tách rời với bên ngoài mà phải mở cửa đón nhận các nền văn hóa khác, đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế nét độc đáo về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Phú Yên trên con đường di sản miền Trung. Do đó, bảo tồn “không có nghĩa chỉ quan tâm đến quá khứ, quên đi hiện tại và tương lai. Bảo tồn không có nghĩa là giữ một thái độ bảo thủ, mà trái lại, phải tăng thêm sự vững chắc của các nền tảng của di sản nhằm phát triển các hình thức biểu hiện văn hóa mới” (Trần Văn Khê, Tính đa dạng của văn hóa Việt Nam: Những tiếp cận về sự bảo tồn, Hà Nội, 2002, tr.8).
Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán - Nôm trên địa bàn Phú Yên đáp ứng các yêu cầu đặt ra hiện nay, theo chúng tôi cần có một số giải pháp.
Trước hết, phải tiến hành nghiên cứu, thống kế chi tiết và toàn bộ di sản Hán - Nôm ở Phú Yên. Tiếp tục sưu tầm di sản Hán - Nôm trong dân gian để phân loại, xếp hạng, nhận diện loại hình nào có nguy cơ mất mát, hư hỏng, kịp thời đề ra cách thức bảo tồn và phát huy, qua đó để có cái nhìn toàn diện về bức tranh di sản Hán - Nôm ở Phú Yên hiện nay. Làm được điều này, các cơ quan có chức năng như Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch phải tiến hành lập thủ tục nhanh chóng đưa những di sản Hán - Nôm nào đủ tiêu chí vào diện cần bảo tồn. Thực tế trong những năm qua công việc này diễn ra rất chậm, ở một số gia đình, cá nhân lưu giữ nhiều tư liệu quý về Hán - Nôm (đặc biệt là sắc phong) đang trông đợi sự phối hợp của các ngành quản lý văn hóa trong việc bảo quản để tránh hư hỏng, mất mát. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn cho họ trong việc bảo quản, lưu giữ các di sản Hán - Nôm để hạn chế hư hỏng trong điều kiện thiên nhiên Phú Yên khắc nghiệt (khí hậu nóng ẩm, lũ lụt thường xuyên).
Đi đôi với việc thống kê nắm bắt thông tin về sự tồn tại của các loại hình di sản Hán - Nôm trong dân gian, các cơ quan có chức năng bảo tồn cần có nguồn tài chính nhất định để mua các văn bản gốc hoặc nhân bản, sao chép lại trên giấy sản xuất theo phương pháp truyền thống để bảo quản lâu dài (giấy dó). Phần lớn các tư liệu Hán - Nôm ở Phú Yên hiện nay đang đứng trước nguy cơ hư hại bởi thời tiết và thời gian do chưa có phương pháp khoa học tối ưu để bảo quản. Đa số các sắc phong đựng trong ống tre, hộp gỗ, bên ngoài bọc giấy dễ bị mục nát, do đó việc bảo tồn lâu dài bằng công nghệ thông tin qua tư liệu hóa, số hóa, sử dụng bản mã chuẩn quốc tế như một số nơi đã làm. Đây là cách bảo quản và lưu giữ tiên tiến, hiện đại và tiện lợi cho việc nghiên cứu, trao đổi trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.
Việc giải mã, biên dịch toàn bộ tư liệu Hán - Nôm hiện có ở Phú Yên ra chữ quốc ngữ để mọi người hiểu được nội dung của nó là công việc quan trọng, cần kíp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán - Nôm. Bởi giá trị của loại hình di sản này được phát huy khi mà đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nắm được những nội dung đề cập đến tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc… Đặc biệt các câu đối, tộc ước, gia phả chứa đựng tính chất triết lý về cuộc sống nhân - nghĩa, hướng con người đến các giá trị chân, thiện, mỹ vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc sống hôm nay. Vì vậy việc “bảo tồn, phát huy và phát triển đúng hướng, làm cho giá trị của nó tỏa sáng… bằng cách đó, chúng ta mới có thể giữ được bản sắc dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa hiện nay” (PGS.TS Nguyễn Thụy Loan).
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán - Nôm cần có chính sách đào tạo, khuyến khích những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Hán - Nôm. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ nhà Bảo tàng tỉnh làm công tác bảo tồn di sản Hán - Nôm phải được đào tạo, trang bị kiến thức Hán - Nôm ở một trình độ nhất định, để khi tiếp cận loại hình di sản này ít ra phải đọc được nội dung cơ bản, biết được giá trị của từng tư liệu. Các cơ quan quản lý Nhà nước như Sở Khoa học - Công nghệ cũng cần triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung đề cập di sản Hán - Nôm trên địa bàn Phú Yên. Các đề tài này nên tập trung đi vào hướng chuyên luận sưu tầm, khảo cứu từng lĩnh vực, thể loại như di sản Hán - Nôm về sắc phong, về thơ văn, liễn đối, về tôn giáo, về ruộng đất… Có như vậy, công tác bảo tồn, sưu tập di sản Hán - Nôm ở Phú Yên được tiến hành đồng bộ và có cơ sở vững chắc, tránh việc bỏ sót nhiều tư liệu quý.
Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM