Thứ Hai, 20/01/2025 00:13 SA
Truyện thiếu nhi:
Thừa và thiếu
Thứ Năm, 28/04/2011 14:00 CH

Vừa qua, Room to Read - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp sách và thiết lập thư viện cho trường tiểu học đã cùng ngồi với các nhà văn, nhà thơ, nhà xuất bản…, thảo luận về các yêu cầu của sách dành cho thiếu nhi. Từ hội thảo này, một thực tế được nêu ra là số lượng đầu sách, đặc biệt là truyện dành cho lứa tuổi thiếu nhi đang trong tình trạng vừa thừa vừa… thiếu.

 

doc-sach110428.jpg

Độc giả chọn sách thiếu nhi tại một quầy sách ở TP Tuy Hòa - Ảnh: T.THỦY

 

Thực trạng thừa, thiếu

 

Thử dạo qua các nhà sách sẽ thấy một tín hiệu vui là sách dành cho thiếu nhi chiếm không gian “áp đảo” với nhiều thể loại phong phú. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, có sự chênh lệch rất lớn giữa các thể loại sách nằm trong khu vực này. Ngoài số lượng truyện cổ tích chiếm một diện tích khá lớn, số đầu sách dịch và truyện tranh nước ngoài cũng có ưu thế hơn và được trưng bày bắt mắt. Riêng sách Việt Nam, ngoài những bộ truyện thiếu nhi với các câu chuyện cổ tích hay sách danh nhân, thần đồng đất Việt được tái bản và mỗi lần tái bản đều không có nhiều điểm mới đáng kể thì các thể loại truyện sáng tác riêng cho thiếu nhi khá khan hiếm. Đếm trên đầu ngón tay cũng chỉ có bộ truyện Kính vạn hoa, Chuyện xứ Langbiang của Nguyễn Nhật Ánh và Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài.

 

Chị Huỳnh Thị Thanh Vân, nhân viên Nhà sách Nhân Văn (TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Hầu hết phụ huynh khi đến chọn mua sách cho con đều ưa chuộng các thể loại truyện nước ngoài, nhất là truyện tranh dịch vì loại sách này khá hay và phong phú”. Theo chị Vân, sở dĩ phụ huynh và bạn đọc nhỏ tuổi không mấy mặn mà với dòng sách Việt Nam là do ngoài những cái tên nổi tiếng với số tác phẩm được in hạn chế thì… không bói đâu ra sách truyện hay để đọc. Đồng quan điểm này, nhà thơ Cao Xuân Sơn, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nói: “Trẻ con cần biết nhiều hơn ngoài thế giới cổ tích. Thế nhưng, thực tế là số sách do các tác giả sáng tác dành riêng cho đối tượng này lại khá khan hiếm. Còn truyện cổ tích, dân gian lại quá cũ, mô típ thường giống nhau và mỗi lần “làm mới” thì lại thiếu cách làm hay, không mới, không có điểm gì độc đáo. Thị trường sách thiếu nhi vì thế luôn thừa những cuốn nhàm chán, đơn điệu và thiếu nghiêm trọng các ấn phẩm cuốn hút, có nội dung hay”.

 

Một điểm khác biệt nữa rất dễ nhận thấy, sở dĩ truyện nước ngoài khiến độc giả nhí mê mẩn vì các tác phẩm đều được trình bày khá đẹp, câu chữ in trên giấy trắng dày, láng mịn và màu sắc rõ ràng, trong khi ấn phẩm truyện Việt Nam lại thường không chú trọng hình thức. Giải thích cho điều này, trên cương vị của nhà xuất bản, nhà thơ Cao Xuân Sơn cho rằng, ngoài lý do chi phí, hầu như giới làm sách Việt Nam thiếu hẳn sự liên kết, mỗi khâu thường quá chú trọng cái tôi của mình dẫn đến không thống nhất, ví dụ như tác giả thì… chê họa sĩ vẽ minh họa nên tự mình đảm nhiệm luôn cả khâu này!

 

Ði tìm nguyên nhân

 

Trong buổi hội thảo do Room to Read tổ chức, hầu hết các nhà văn, nhà xuất bản đều thống nhất rằng truyện thiếu nhi hay là phải đạt về nội dung, hấp dẫn về hình thức. Tuy nhiên, tiêu chuẩn cao nhất là truyện được các em thích đọc, tức coi trọng khâu sáng tác của nhà văn. Sở dĩ truyện thiếu nhi Việt Nam không có bước đột phá và chịu sự lấn lướt của truyện dịch là bởi chúng ta khan hiếm những người viết chuyên tâm. Nguyên nhân chính được nêu ra vẫn nằm ở đội ngũ những người viết truyện cho thiếu nhi đang trong tình trạng vừa thiếu vừa yếu. Dù thực tế có khá nhiều truyện ngắn hay của vài cây viết trẻ nhưng cũng chỉ quanh quẩn với Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh, Lưu Thị Lương, và các sáng tác của họ thường ra đời… lác đác, thỉnh thoảng nên chỉ thu hút bạn đọc nhỏ trong một thời gian nhất định chứ không đủ sức tạo thành một trào lưu. “Một điểm nữa khiến các nhà văn quay lưng với thiếu nhi là bởi khi viết cho đối tượng này, tác giả gần như không nhận được danh tiếng và vì thế, họ mang một mặc cảm thua thiệt, ít được trọng vọng so với sáng tác dành cho các đối tượng khác” - nhà thơ Cao Xuân Sơn nói. Bên cạnh đó, về khách quan, các nhà văn Việt Nam hầu như quá coi trọng mình, viết cho thiếu nhi với mục đích răn dạy, rao giảng nhiều hơn là giải trí, giáo dục. Sách truyện Việt Nam vì thế không thu hút được bạn đọc nhỏ tuổi.

 

Do đó, theo các đại biểu dự hội thảo, nếu muốn giành lại thế “thượng phong”, đòi hỏi đầu tiên là phải có sự đột phá trong khâu sáng tác. Cần lắm sự tâm huyết của các nhà văn ở lòng yêu trẻ, khả năng hóa thân để có những tác phẩm hay vì thực tế, chúng ta đã có một nền văn học thiếu nhi khá vững, trên nền tảng là câu chuyện Dế mèn phiêu lưu ký, đủ sức cạnh tranh với thế giới của nhà văn Tô Hoài.

 

TUYẾT DÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek