Nhà văn, dịch giả Đào Minh Hiệp, nguyên Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, vừa gởi đến Báo Phú Yên một bộ tranh chủ đề “Theo bước chân tiền nhân”, nhân kỷ niệm 400 năm tỉnh Phú Yên.
Núi Đá Bia.
Nhà văn Đào Minh Hiệp cho biết, ông đam mê mỹ thuật từ khi còn là sinh viên ở Trường Đại học Thăm dò địa chất Moscow (Liên Xô cũ) các năm 1969-1975 và lúc bấy giờ đã tham gia vào một câu lạc bộ mỹ thuật của TP Moscow. “Hồi đó, mỗi năm sinh viên chúng tôi được gởi đi thực tập khắp liên bang Xô Viết. Phong cảnh ở Nga quá đẹp, quá quyến rũ nên đã khơi gợi niềm cảm xúc trong nhiều sinh viên. Do vậy, dù là trường địa chất nhưng hằng năm trường chúng tôi vẫn tổ chức một triển lãm mỹ thuật dành cho giáo viên và sinh viên của trường. Tôi tham gia rất tích cực những triển lãm mỹ thuật này” – dịch giả Đào Minh Hiệp nhớ lại. Ông cho biết thế mạnh của ông là vẽ tranh thiên về trường phái hiện thực pha chút ấn tượng.
Sau khi về nước, công việc khiến Đào Minh Hiệp không có nhiều thời gian để vẽ nên ông phải tạm gác lại niềm đam mê mỹ thuật. Mãi đến năm 2010, sau khi đã nghỉ hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi, ông mới sống lại niềm đam mê ấy. Và “công trình” lớn mà ông thực hiện là bộ tranh “Theo bước chân tiền nhân”, dự kiến vẽ khoảng 15 bức tranh sơn dầu khổ 85x120cm vẽ các di tích, danh thắng nổi tiếng của Phú Yên. “Ý tưởng vẽ bộ tranh này nảy sinh khi tôi đi thực tế để thực hiện công trình khoa học “Các truyền thuyết, huyền thoại liên quan đến di tích lịch sử và danh thắng ở Phú Yên” năm 2005-2006. Tôi muốn giới thiệu cho mọi người biết vẻ đẹp và sự độc đáo của phong cảnh Phú Yên, nhất là dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển” – nhà văn Đào Minh Hiệp thổ lộ.
Xin giới thiệu với bạn đọc một số tranh trong bộ tranh đã nêu của dịch giả Đào Minh Hiệp.
Vũng Rô.
Núi Chóp Chài.
Chùa Đá Trắng.
Đầm Ô Loan.
KHƯƠNG NGUYÊN