Thứ Ba, 21/01/2025 13:03 CH
Tạo chiều sâu, gợi mở và ấn tượng
Thứ Sáu, 01/04/2011 10:27 SA

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm Phú Yên 400 năm hình thành - phát triển và lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 diễn ra lúc 20g tối nay (1/4) tại Quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa), là một trong những sự kiện lớn của đại lễ. Tổng đạo diễn chương trình này là NSND Lê Ngọc Cường, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. Trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên, ông Cường cho biết:

 
Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Cường
- Chương trình lần này chú trọng chiều sâu, hy vọng sẽ tạo được ấn tượng cho người xem. Tuy là chương trình nghệ thuật tổng hợp nhưng lại có cái để xem, để suy ngẫm, không bị cảm giác đó là một chương trình vui vẻ từ đầu đến cuối. Ngay lúc chương trình mở ra, người ta thấy ngay Phú Yên. Trên màn hình không cần đề lễ hội Phú Yên thì khán giả không có cơ hội tham dự, bất chợt mở truyền hình đều có thể biết lễ hội đang diễn ra ở Phú Yên. Tiết mục mở đầu là màn trình diễn nghệ thuật ánh sáng cùng với màn hình LED giới thiệu cảnh sắc thiên nhiên của một vùng quê yên bình... Lời bình như lời mời gọi: “Mời bạn về Phú Yên quê tôi, mảnh đất quê hương bốn mùa hoa trái, một miền nước non như bao huyền thoại...”. Ngắt lời bình, âm nhạc được phát triển đẩy lên cao trào, đưa người xem về với quá khứ như một khúc hồi tưởng nhớ lại thuở xa xưa - một thời mở đất.

* Đạo diễn một nghệ thuật hoành tráng với sự tham gia của 400 diễn viên, ông đã làm thế nào để các phần của chương trình gắn kết chặt chẽ và gây ấn tượng cho khán giả?

- Chương trình có 2 phần nhưng không đi theo hình thức sử thi, không tách bạch giữa phần lễ và phần hội mà được kết cấu liên hoàn bằng thủ pháp nghệ thuật. Phần 1 là chương trình Phú Yên 400 năm, điểm xuyết những sự kiện trọng đại của địa phương, những dấu mốc lịch sử và xuyên suốt với nhau một cách “ngọt ngào”. Trong chương trình không dừng lại giới thiệu từng tiết mục một mà nó đi liên hoàn, đủ sức gợi mở. Chương trình mang tính gợi mở nhiều hơn, ngay cả phối hợp màn hình cũng như vậy, mang tính gợi mở chứ không phải mô phỏng theo những sự kiện lịch sử. Phần một của chương trình như một bản hùng ca của một giai đoạn. Ở đây có mốc của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong đấy là những sự kiện của quân và dân Phú Yên tham gia gìn giữ mảnh đất quê hương. Những cái mốc ấy đã đẩy tới tính nghệ thuật, tính khái quát cao để diễn đạt được cái ý chung chứ không đi vào nghệ thuật ca múa nhạc, không cho phép đi vào tỉa tót như phim.

Ở phần 2, chương trình giới thiệu tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch của 7 tỉnh, chọn nét đặc trưng riêng từng địa phương. Các nơi đều có biển, đảo nhưng mỗi nơi đều có một thế mạnh, nét riêng. Chẳng hạn như Phú Yên có lễ hội cầu ngư; Khánh Hòa với những đặc sản như trầm hương, đảo yến; Bình Thuận với vẻ đẹp của biển, đồi cát bay...

* Xin ông cho biết đâu là điểm nhấn trong chương trình này?

- Cả một chương trình dài mà chỉ có một điểm nhấn thì sẽ rất khó. Trong chương trình, tiết mục “Những người con của biển” khắc họa sức mạnh và tình yêu của các chàng trai đi biển luôn phải đối mặt với tử thần. Kết thúc tiết mục này là hình ảnh một trận cuồng phong của bão biển, những đoàn thuyền bị nhấn chìm, tiếng kèn sonai cất lên ai oán. Hình ảnh những người vợ, người mẹ thảng thốt, lặng lẽ tiến ra biển ngóng đợi trong niềm vô vọng... Dấu ấn này sẽ tạo được những cảm xúc rất mạnh. Hình tượng chí sĩ Lê Thành Phương trong phong trào Cần Vương kháng Pháp, về thủ pháp nghệ thuật cũng tạo được ấn tượng. Toàn bộ sử thi Phú Yên 400 năm hình thành và phát triển được tóm gọn lại trong một cảm xúc rất mạnh. Sân khấu và khán đài được thiết kế hoành tráng, âm thanh, ánh sáng được bố trí ẩn khuất trong các mô đá, tháp Chăm, trên những con thuyền... do nghệ thuật sắp đặt.

 

Hình tượng tổ yến được sân khấu hóa – một tiết mục trong phần 2 của chương trình nghệ thuật (Ảnh chụp tại buổi tổng duyệt) - Ảnh: K.DUY


* Điều gì làm ông tâm đắc nhất khi đạo diễn chương trình nghệ thuật này?

- Vùng đất Phú Yên có nhiều tiềm năng, cả về những di tích, những danh lam thắng cảnh, những con người Phú Yên hiền hòa nhân hậu, mộc mạc thủy chung, thảo thơm như hương đồng gió nội, sống nghĩa tình. Khi kết chương trình, như một giây phút chia tay, hẹn ngày trở lại, Phú Yên vẹn nghĩa vẹn tình, giàu lòng mến khách, nghĩa tình khi xa. Cái kết của chương trình như một sự hứa hẹn, hẹn ngày tái ngộ, hy vọng mảnh đất Phú Yên tiềm năng sẽ phát triển rực rỡ hơn trong tương lai.

* Ông có ấn tượng gì khi làm việc tại Phú Yên?

- Trong 400 diễn viên tham gia, có 100 diễn viên đến từ các đoàn của Bộ VH-TT-DL, Phú Yên sử dụng lực lượng của Đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao Biển và sinh viên của các trường đại học. Tôi đã từng tham gia thực hiện nhiều chương trình lớn nhưng khi thực hiện chương trình này, tôi nhận thấy sinh viên ở Phú Yên có năng khiếu biểu diễn nghệ thuật rất tốt, tập luyện rất say sưa, nghiêm túc. Điều đáng quý này trước hết là ý thức của các em, cộng với chương trình chắc rằng có một sức hấp dẫn, tạo được niềm tin nên cuốn hút các em cố gắng. Những ngày gần đây, thời tiết không thuận lợi nên không có nhiều thời gian lắp ghép diễn ngoài sân khấu. Tuy nhiên, tôi vẫn rất yên tâm với chương trình này, mong muốn mà tôi đặt ra ban đầu có lẽ cũng sẽ tạo một ấn tượng đối với người xem.

* Xin cảm ơn ông!

MINH NGUYỆT (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek