Lê Đức Hạ là một trong 31 nghệ nhân được vinh danh tại Festival Gốm sứ Việt Nam lần đầu tiên, tổ chức tại Bình Dương. Bên cạnh việc duy trì và gây dựng một làng nghề, Lê Đức Hạ còn ôm ấp giấc mộng làm tượng chân dung danh nhân, nhằm tri ân những người làm nên hồn đất, hồn dân tộc.
Mới đây, anh đã nung thành công tượng Trịnh Công Sơn, để kỷ niệm ngày sinh của nhạc sĩ này.
Lê Đức Hạ bên tượng thi sĩ Bùi Giáng |
ĐẤT NUNG KHÔNG HÓA CHẤT
Lò đất nung của Lê Đức Hạ ở gần bến Xích, xóm Bãi Thượng (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) - sát bên làng nhôm đồng Phước Kiều nổi tiếng, gần làng Thanh Chiêm, nơi các học giả như Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes... đến ở và ký âm Latin tiếng Việt.
Sinh năm 1960, chính thức “xưng danh” nghề nghiệp từ năm 1990, đến năm 2000 thì chế tác thành công gạch Chăm, sản phẩm mà sau này các chuyên gia dùng để phục chế một số tháp Chăm ở Việt Nam, Lê Đức Hạ nói rằng đất nung của mình “là con của đất sét” sông Thu Bồn, nơi làm nên kinh thành Sư Tử (Trà Kiệu), thánh địa Mỹ Sơn và những ngọn tháp đất nung như Bàng An, Chiên Đàn, Đồng Dương, Khương Mỹ...; là hàng xóm của lò gốm Thanh Hà gắn liền với thương cảng Hội An.
Dấu ấn đất nung của Hạ có thể bắt nguồn từ cảm hứng của gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), khi dòng gốm nung thô, nhiệt độ thấp, không men... này hiện diện cùng với người Chăm ở Quảng Nam. Tất cả các màu sắc tạo ra được, là do kỹ thuật nung, chứ không dùng hóa chất, men hay màu sắc để tô vẽ. Điều này giúp cho đất nung của Hạ khác với sản phẩm xương cao, men trắng của miền Bắc, hay tô men khắc vạch của miền
GIẤC MỘNG CHÂN DUNG
Ngoài gạch Chăm, Lê Đức Hạ cũng đang cộng tác với vài nhà nghiên cứu để làm khuôn các phù điêu, các tượng điêu khắc về thần Shiva, thần Vishnu, vũ nữ Apsara... trên các tháp Chăm, để làm bản sao cho đất nung.
“Có một điều lạ, về tỉ lệ, chúng ta có thể cân đo được, nhưng về cách tạo dáng và tạo hồn cho tượng, cho phù điêu..., nhất là thần Shiva, thì không cách nào làm được, đấy là một bí ẩn của điêu khắc Chăm ngày xưa. Ngay cả việc đổ khuôn cũng vậy, dường như chỉ sao chụp được diện mạo, chứ không thể nào nắm bắt được hồn cốt” - Lê Đức Hạ cho biết.
Sau 20 năm trong nghề, Lê Đức Hạ nói mình đã làm nhiều thứ cho thiên hạ, nay anh muốn dành một góc riêng để làm cho mình - đó là loạt tượng chân dung về những người mà bản thân anh yêu quý, kính trọng. Và người đầu tiên anh mày mò thể hiện chính là Trịnh Công Sơn - “người đã cho tôi những lời ca an ủi lúc tuyệt vọng, để vui sống và gượng dậy” - anh nói.
“Tôi làm tượng Trịnh Công Sơn hoàn toàn theo cảm nhận, vì không có mẫu và cũng không phải là điêu khắc gia, nên mất thời gian nhiều lắm. Vo đi nén lại hàng chục lần, mất cả năm trời mới tạo tác được hình thù như mình mong muốn. Có một điều hơi tréo ngoe và cũng thú vị là từ giải phẫu tỉ lệ tượng Trịnh Công Sơn, tôi đã có được quy tắc để làm tượng Bùi Giáng, Alexandre de Rhodes, Phan Khôi, Nhất Linh...” - Lê Đức Hạ tâm sự.
Lê Đức Hạ cũng tâm sự thêm rằng ở Việt Nam, để sở hữu một tượng danh nhân không phải dễ, nên bằng chất liệu đất nung, vốn dân dã, rẻ tiền, anh sẽ làm khuôn đổ những phiên bản hạn chế, có đánh số thứ tự và có giấy cam kết của cơ sở, để giúp những ai yêu thích có thêm điều kiện sở hữu. Hiện anh đã làm xong khuôn thạch cao cho bức tượng Trịnh Công Sơn.
Có thể cách mà Lê Đức Hạ làm tượng đất nung chưa thực sự gây xúc động với nhiều người, vì còn nhiều đòi hỏi về mặt tạo hình mà bản thân anh phải vượt qua. Nhưng với ước nguyện ngợi ca công đức các danh nhân đã bỏ tâm sức cho chữ viết, cho nghệ thuật, văn chương và khoa học... mà tự mày mò sáng tác là việc làm đáng khích lệ. Nếu một vài năm nữa Lê Đức Hạ có làm được triển lãm tượng đất nung như ước muốn, thì bức tượng Trịnh Công Sơn sẽ là “công thần”, vì đã giúp mở ra một chặng đường mới cho đất nung của Hạ.
Trịnh Công Sơn Bỏ lại con đường Bên cạnh những buổi biểu diễn lớn khắp ba miền đã và sẽ diễn ra, Công ty Văn hóa Phương
NHƯ HÀ