Sau khi “trình làng” tiết mục ảo thuật mới, lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Việt và cùng Đoàn Nghệ thuật xiếc Đại Dương biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa ở Phú Yên, nhà ảo thuật Hoàng Lộc - giám đốc đoàn - lại bận rộn với chuyến lưu diễn ở Tây Nguyên. Trong một cuộc gặp ngắn ngủi, anh đã trải lòng về nghề, về việc làm thế nào để đoàn Đại Dương trụ vững...
Nhà ảo thuật Hoàng Lộc trong một tiết mục ảo thuật |
* Khi khán giả có quá nhiều thứ để xem, hoạt động của các đoàn tuồng, cải lương, xiếc - ảo thuật… gặp rất nhiều khó khăn. Anh đã làm thế nào để đoàn Đại Dương phát triển?
- Bây giờ có quá nhiều loại hình giải trí, và nhu cầu của khán giả gần như bão hòa. Hơn nữa, gần đây, có một vài đoàn xiếc quảng cáo một đằng diễn một nẻo, gây mất niềm tin nơi khán giả. Để tồn tại thì phải chứng minh khả năng nghệ thuật của mình, bằng cái tâm của người nghệ sĩ chân chính. Đoàn Nghệ thuật xiếc Đại Dương có thể diễn 3 đêm liên tục với 3 chương trình khác nhau, tại một địa phương. Như vậy, chúng tôi phải biểu diễn tốt để thu hút khán giả. Mình làm chương trình tốt thì các đêm sau lượng khán giả sẽ tăng lên, người ta biết đoàn này diễn thật chứ không ảo. Có lần, khi đoàn diễn tại một huyện ở Gia Lai, có một ông cụ đi rẫy về ghé lại, nhìn cái rạp nặng cả 10 tấn gồm tole và sắt mà đoàn đang dựng. Ông nói: “Ờ, rạp này chắc chắn. Được, tôi về cho cháu tôi đi coi”. Điều này làm tôi nhớ đến mẩu chuyện ở miền Tây. Ngày trước, người ta nhìn những người đi chợ cho các đoàn hát, thấy bà nào đeo nhiều vàng thì suy ra đoàn đó làm ăn được, hát hay nên mới có tiền nhiều, mới đeo nhiều vàng… Ông cụ mà tôi vừa kể trên nói rất mắc cười: “Tôi thấy tole sắt chắc chắn là tôi biết đoàn này không có “chạy”.
Bây giờ cạnh tranh khốc liệt lắm. Tồn tại được đã khó, nhưng không chỉ tồn tại mà còn phải phát triển đoàn, dàn dựng những tiết mục mới. Xiếc rất khó ở chỗ, một tiết mục tập 4-5 năm, chỉ diễn trong 5 phút thôi, nên cũng không thể thay đổi được nhiều. Thành ra tôi phải đầu tư qua mảng ảo thuật để chương trình phong phú, thu hút khán giả.
* Cưa người thành hai khúc, hai chân vẫn đạp xe là tiết mục mới nhất của anh?
- Đúng, đó cũng là tiết mục lần đầu tiên được biểu diễn trên sân khấu Việt
* Anh đã đầu tư bao nhiêu thời gian cho tiết mục này?
- Khoảng một năm. Khó nhất là làm sao để đôi chân có thể đạp xe. Tôi phải thử đi thử lại nhiều lần, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
* Xiếc và ảo thuật rất thú vị đối với khán giả nhưng rất nhọc nhằn với những người theo nghiệp. Vì sao anh lại dấn thân vào?
- Đó đơn thuần là sự đam mê. Sau khi học ở Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, tôi lấy vợ rồi theo nghiệp của ba vợ - ảo thuật gia Hoàng Minh, người từng xuất hiện nhiều trên sân khấu vào thập niên 60 của thế kỷ XX. Sống với nghề, xiếc và ảo thuật đã trở thành máu thịt, không bỏ được. Đôi khi về nhà chừng nửa tháng, nhớ sân khấu, tôi lại đi.
* Trẻ em rất hào hứng mỗi khi xem xiếc thú. Người dạy thú làm thế nào để các diễn viên bốn chân nghe lời và làm xiếc?
- Trước hết, phải tìm hiểu đặc tính của từng loài và tập cho nó có những phản xạ có điều kiện. Ví dụ, muốn tập khỉ đạp xích lô thì đặt nó lên xe, đặt chân nó lên bàn đạp, dìu nó đạp, hoặc chế tạo một mô-tơ, tập cho nó thói quen đạp xe. Khi con khỉ không chịu tập thì đánh cho nó sợ, như vậy mới tập cho nó được. Nhưng chó thì phải “dụ” nó bằng thức ăn, chớ đánh đau là nó nghỉ tập luôn. Còn con trăn, trước khi tiếp xúc với nó thì phải xoa nước, vì cơ thể người là cơ thể nóng, còn cơ thể con trăn lạnh. Nếu không, khi đưa con trăn lên miệng, nó tưởng là mồi, liền mổ. Nhiều anh em bị trăn mổ chảy máu.
* Xiếc và ảo thuật, cái nào thú vị hơn?
- Cái nào cũng có sự thú vị riêng. Xiếc là nghệ thuật của sự phi thường, ảo thuật là nghệ thuật của sự sáng tạo. Cái nào cũng phải khổ công rèn luyện.
* Xin cảm ơn anh!
Đoàn Nghệ thuật xiếc Đại Dương trước đây trực thuộc Cục Nghệ thuật sân khấu (cũ). Đến năm 2001, đoàn được Cục Nghệ thuật biểu diễn giới thiệu về thành lập tại Phú Yên. Nhà ảo thuật Hoàng Lộc, giám đốc đoàn, là thành viên Hiệp hội Ảo thuật quốc tế. Bên cạnh việc biểu diễn có doanh thu, hàng năm, đoàn nghệ thuật ngoài công lập này còn biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa ở Phú Yên, đồng thời tham gia các hoạt động xã hội từ thiện. Theo nhà ảo thuật Hoàng Lộc, có một điều bất hợp lý là kinh phí hỗ trợ cho một đêm biểu diễn phục vụ đồng bào các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa theo Quyết định 170 của Thủ tướng Chính phủ chỉ 3,5 triệu đồng. Chế độ hỗ trợ này được áp dụng từ năm 2003, đến nay không còn phù hợp do giá cả tăng lên rất nhiều, không đủ chi phí cho đoàn đi lại. Vì vậy, mức hỗ trợ này cần được nâng lên, ít nhất là 5 triệu đồng/đêm diễn.
LÂM VY (thực hiện)