Ở tuổi 51, có đến 38 năm theo nghề hát tuồng, chị Đào Thị Thu Sen, ở thôn Đồng Mỹ, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) có lẽ là người giữ kỷ lục về thâm niên hoạt động nghệ thuật tuồng ở Phú Yên. Đáng trân trọng khi chị đến với tuồng bằng tất cả sự đam mê.
Chị Đào Thị Thu Sen đang biểu diễn tuồng. - Ảnh: C.T.V
Chị Đào Thị Thu Sen sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống về nghệ thuật tuồng. Cha chị, cụ Đào Thanh Tịnh, trước là bầu Bảy Thanh nổi tiếng của đoàn tuồng Hương Thạnh kết duyên cùng đào chánh Võ Thị Nhung nên sinh ra hai người con gái, ai cũng ca hay, múa giỏi. Dù vậy, hiểu hết khổ nhọc của kiếp cầm ca, nhiều lần ông không cho con mình theo đoàn mà gửi về nhà cô ruột tại TP Nha Trang để học chữ. Nhưng rồi duyên tuồng vẫn cứ phải vận vào người, chị Sen nhớ lại: “Hơn 30 năm trước, đoàn tuồng Hương Thạnh về Suối Dầu, Nha Trang biểu diễn, tôi đến cổ vũ thì mới hay đoàn đang thiếu người làm quân sĩ, chớp ngay cơ hội, tôi nằng nặc đòi cha cho được đóng thay. Diễn vai quân sĩ có một chút mà mọi người ai cũng vỗ tay rần rần, thưởng tiền lèo tới 5 đồng. Hồi ấy còn nhỏ, tôi cứ nghĩ đơn giản: học làm gì cho tốn tiền, đi hát nhanh có tiền hơn”. Thế rồi, chị tìm đủ mọi cách thoái thác việc học để theo tuồng. Từ đóng thế vai quân sĩ, chị được cha cho đóng thay vai kép chánh Tấn Lực trong vở Nghi Xuân Tấn Lực. Lúc cha ngồi vẽ mặt, có dạy chị câu hát: “Thôi rồi chi, rồi chi nữa mà mong, cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai. Mẹ ơi, trái bầu, trái bí còn non. Cầm dao mẹ cắt, ruột con sao đành…” nghe mấy câu hát ấy, chị đinh ninh một lẽ là không thể xa rời tuồng. Năm 1978, chị lấy chồng, một nông dân chân chất, không hề thích tuồng, nên ngoài gánh nặng kinh tế, chị còn chịu thêm sức ép từ chồng… 5 năm, chị tạm gác đam mê được đứng trên sân khấu tuồng để lo toan cho cuộc sống gia đình, nhưng “lửa” tuồng trong chị thì vẫn cứ âm ỉ cháy. Chị Sen nói với chồng: “Mấy năm trước cứ nói vì hạnh phúc gia đình, tui nghỉ hát nhưng đến già, ông phải cho tui hát, hát đến cuối đời”.
Năm 2005, khi các con học hành đến nơi đến chốn, chị Sen quyết đến với tuồng một lần nữa. May mắn vẫn mỉm cười với chị khi nhiều khán giả vẫn còn nhớ đến tên Thu Sen, nhớ những điệu múa tuồng khá điêu luyện và một giọng hát có lửa của chị. Đã lên sân khấu là diễn hết mình nên 5 năm trở lại đây, không kỳ liên hoan, hội diễn nào chị Sen không dành giải thưởng cao. Từ yêu tuồng chị thuyết phục chồng cùng tham gia tuồng. Hiện nay, vợ chồng chị là hạt nhân nòng cốt của CLB văn hóa nghệ thuật truyền thống huyện Phú Hòa.
Ông Lê Hữu Phước, chủ nhiệm CLB Văn hóa nghệ thuật truyền thống huyện Phú Hòa, nói: “Chị Sen là người rất say mê nghệ thuật tuồng. Chị nhiệt tình truyền tuồng cho các thành viên trong CLB và cho mấy anh chị em yêu tuồng ở huyện Phú Hòa”.
Ông Võ Công Chánh ở thôn Cẩm Sơn, xã Hòa Quang Bắc thổ lộ: “Trước đây, tui là học trò của cha Sen, giờ tiếp tục là học trò của Sen nữa. Học miết mà thấy vẫn chưa đủ. Vốn tuồng phong phú lắm, nhờ có Sen mà nông dân tụi tui biết thêm vốn quý của âm nhạc dân tộc”.
Sân khấu tuồng ở Phú Yên dần đỏ đèn trở lại nhưng những nghệ sĩ tuồng như chị Thu Sen vẫn chưa thể sống tốt nhờ tuồng vì phần nhiều những buổi diễn mang tính chất phục vụ là chủ yếu. Dù vậy, với chị Sen, cuộc sống có vất vả đến đâu, tuồng có lao đao, lận đận như thế nào thì chị vẫn một lòng thủy chung, son sắt với nghệ thuật tuồng truyền thống.
LỆ HẰNG