Mỗi độ xuân về, cùng tiếng trống hội Thăng Long giục giã, người dân Thủ đô lại được sống trong không khí hào hùng của một thời lịch sử qua lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Múa rồng bên tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ |
Mùng 5 tháng Giêng (tức 7/2), hào khí chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn một lần nữa được tái hiện hoành tráng tại Công viên văn hóa Đống Đa. Trước đó, mùng 4 tháng Giêng, nhân dân xã Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) đã dâng hương tưởng niệm công lao của vị anh hùng áo vải nhân kỷ niệm 222 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Sử sách ghi lại rằng, vào năm 1788, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân diễn ra khắp nơi, vua Lê Chiêu Thống sợ mất ngôi vị, quyền lực nên cầu cứu nhà Thanh. Vua nhà Thanh lúc đó là Càn Long lấy cớ giúp vua nước Nam dẹp loạn đã cử Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị mang 29 vạn quân, chia làm 4 mũi ồ ạt tiến vào thành Thăng Long. Trước sự “im hơi lặng tiếng” của quân Tây Sơn, Tôn Sĩ Nghị tuyên bố mùng 6 tết sẽ kéo quân thẳng vào sào huyệt Tây Sơn.
Nhận được tin, Nguyễn Huệ làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, rồi nhanh chóng tiến quân ra Bắc. Lợi dụng quân địch chủ quan, sơ hở, vào thời khắc giao thừa năm Kỷ Dậu (1789), ông đã lãnh đạo đại quân vừa bao vây, vừa tiến công vào các mục tiêu trọng yếu của địch như Ngọc Hồi, Đống Đa… Đêm mùng 4, rạng mùng 5 tết Kỷ Dậu (tức ngày 29, 30/1/1789), đồn trại giặc ở Khương Thượng bị phá hủy khiến Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử tại đây. Thừa thắng, trưa ngày 30/1/1789 (mùng 5 tết), đại quân Tây Sơn tiến vào kinh thành Thăng Long, cùng nhân dân ăn mừng đất nước được giải phóng.
Kể từ đó, gò Đống Đa trở thành một di tích lịch sử vẻ vang của nhân dân ta, đồng thời là một chứng tích về sự thất bại nhục nhã của kẻ thù phương Bắc xâm lược.
Ghi nhớ công ơn của vị vua tài, đức, hằng năm nhân dân xã Ngọc Hồi và quận Đống Đa tổ chức lễ hội tại những nơi gắn liền với chiến thắng của đoàn quân áo vải.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Giám đốc Công viên Văn hóa Đống Đa cho hay: Lễ hội Đống Đa kỷ niệm 222 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa xuân Tân Mão có rất nhiều hoạt động mới mẻ, hấp dẫn. Mở đầu là nghi lễ dâng hương, tế lễ truyền thống của đội tế phường Quang Trung, Trung Liệt - quận Đống Đa, Giảng Võ - Ba Đình và Yên Tử - Quảng Ninh tại chùa Bộc và chùa Đồng Quang - hai di tích quan trọng trong quần thể di tích Gò Đống Đa đã được ghi danh vào sử sách. Sau đó là lễ mít tinh trọng thể trước tượng đài vua Quang Trung. Màn múa rồng vừa tái hiện trận rồng lửa của nghĩa quân Tây Sơn năm xưa, vừa thể hiện khí phách của đất và người Thăng Long - Hà Nội hôm nay cùng màn múa võ Tây Sơn, ngợi ca tinh thần thượng võ, nghĩa hiệp của người dân Bình Định... cũng diễn ra tại đây.
Mang đến không khí mới, thi vị cho lễ hội năm nay, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn trích đoạn chèo Ngọc Hân công chúa. Qua trích đoạn này, công chúng Thủ đô và du khách có dịp hiểu sâu sắc hơn câu chuyện tình có thật mà như huyền thoại giữa người anh hùng áo vải Quang Trung với công chúa Ngọc Hân. Ngoài ra, phần hội diễn ra từ 10g - 17g với hoạt động thi đấu cờ người, cờ tướng, chọi gà, giới thiệu tranh Đông Hồ, giao duyên quan họ...
Chiều ngày 6/2, tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định phối hợp với UBND huyện Tây Sơn tổ chức lễ kỷ niệm 222 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo huyện Tây Sơn đã đọc diễn văn nêu lên ý nghĩa chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam cùng những công lao to lớn của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ và triều đại Tây Sơn. Các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương tại tượng đài hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Hàng nghìn du khách đã đến tham quan Bảo tàng Quang Trung, thưởng thức diễn tấu cồng chiêng, chương trình văn nghệ đặc sắc do các diễn viên, nghệ sĩ ở Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định, Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định biểu diễn. Tối cùng ngày, giải thi đấu võ cổ truyền liên tỉnh (diễn ra từ 6 - 8/2) đã khai mạc tại sân vận động huyện Tây Sơn, với sự tham gia của đông đảo võ sĩ đến từ nhiều võ đường nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Hôm qua (7/2), tại huyện Tây Sơn, nhiều hoạt động VHTT sôi động đã diễn ra, trong đó có hội đua thuyền nan trên bến Trường Trầu (sông Côn) vào buổi sáng.
YÊN LAN (tổng hợp)