Hồ Hoài Anh - một nhạc sĩ nổi tiếng từ khi còn rất trẻ với những ca khúc về tình yêu, xuất hiện thường xuyên ở Trò chơi âm nhạc trong vai trò đội trưởng, làm giám khảo một số cuộc thi ca nhạc trên truyền hình... thì nhiều người đã biết. Nhưng còn một Hồ Hoài Anh khác, thâm trầm khi nói về nghề, về niềm đam mê âm nhạc, trong đó có tiếng đàn bầu.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh. - Ảnh: A.BANG
* Người ta nói rằng làm giám khảo trong các cuộc thi ca nhạc được truyền hình trực tiếp như ngồi trên ghế nóng. Cảm giác ngồi trên ghế nóng của Sao Mai - Điểm hẹn 2010 như thế nào?
- Tất nhiên là mỗi ghế nóng có một đặc thù riêng, và ngồi ở đâu cũng cần có sự nghiêm túc. Sao Mai - Điểm hẹn là một sân chơi mang tính chuyên môn tương đối cao. Thế nhưng ở vị trí này, nếu mình làm mọi thứ căng thẳng quá thì sẽ tạo nên sức ép đối với thí sinh. Nhưng Hồ Hoài Anh tin là trong thời gian đầu, mình phải có những ý kiến để các em biết rằng còn phải nỗ lực hơn nữa. Bên cạnh đó, mình cũng phải khích lệ họ.
Đối với Hồ Hoài Anh, một nhạc sĩ trẻ, công việc này cũng là một sức ép. Có thể nhiều người sẽ bảo: Trời, ông này có tí tuổi đầu mà đã huênh hoang thế này thế kia. Nhưng Hồ Hoài Anh nghĩ mình cố gắng làm và nhìn nhận bằng con mắt nghề nghiệp thì sẽ hoàn thành tốt công việc của mình.
* Khán giả Sao Mai - Điểm hẹn 2010 nhận xét rằng: Trong ba thành viên Hội đồng Nghệ thuật, Hồ Hoài Anh là người khó tính nhất, thường đưa ra những lời phê bình nghiêm khắc. Anh có nhận được những phản hồi khó chịu từ các giọng ca dự thi hay fan của họ?
- Đến giờ thì chưa. Nhưng nếu có thì mình cũng hiểu một điều đơn giản là ai cũng muốn được khích lệ, được khen. Đương nhiên ai chẳng thích nghe lời ngọt, nhưng Hồ Hoài Anh nghĩ khác. Như tôi đã từng nói trong chương trình, rằng chặng đường nghệ thuật còn rất dài, đâu chỉ gói gọn trong một cuộc thi. Và chẳng có nghệ sĩ nào được lòng tất cả mọi người. Sẽ có người quý, có người không quý, có người ghét. Thế thì một người nghệ sĩ vững vàng cần phải vượt qua những điều đó. Và Hồ Hoài Anh cũng chỉ muốn nói về những điều mà các bạn ấy còn thiếu sót. Vì các bạn ấy còn trẻ mà, kinh nghiệm chưa nhiều. Hồ Hoài Anh nhìn nhận dưới góc độ của một người làm nghề và một khán giả, không giấu những suy nghĩ của bản thân mình.
* Và nếu các giọng ca tham gia Sao Mai - Điểm hẹn muốn tiến bộ trên con đường rất khó khăn này, thì những lời phê bình còn cần thiết hơn cả những lời khen?
- Cái gì cũng có giá trị riêng của nó. Đôi khi những lời khen làm tinh thần của các bạn ấy tốt hơn.
* Chọn hát nhạc của Hồ Hoài Anh, thí sinh thường nhận được những đánh giá khắt khe. Anh không nghĩ rằng họ sẽ sợ quá mà không chọn hát ca khúc của mình nữa?
- Đấy là mọi người cứ nghĩ như vậy thôi, còn Hồ Hoài Anh không có suy nghĩ cá nhân trong việc đó. Không riêng gì bài hát của Hồ Hoài Anh mà bài của người khác cũng vậy, nếu thể hiện không đạt với cách mà mình cảm nhận, thể hiện chưa được những điều nhạc sĩ muốn nói thì mình góp ý, vậy thôi. Chứ còn nếu như có người hát bài của Hồ Hoài Anh hay thì chắc chắn Hồ Hoài Anh sẽ khen. Chẳng ai lại đi “bới lông tìm vết”, đúng không?
* Trong các cuộc thi trên truyền hình, khán giả thấy một Hồ Hoài Anh đăm chiêu, nghiêm khắc. Vậy còn trong phòng thu thì sao?
- Trong phòng thu cũng phải nghiêm, nhưng cũng phải hài hước một chút. Bởi vì khi làm việc ở phòng thu thì khác, mình phải tạo cho ca sĩ không gian thoải mái nhất, đúng không? Họ phải cảm thấy hoàn toàn thoải mái thì mới hát hay, đàn tốt. Tất nhiên trong phòng thu mình luôn khích lệ nhưng mình cũng cần có sự kỹ lưỡng. Hồ Hoài Anh nghĩ ai làm phòng thu cũng phải như vậy.
* Anh nghĩ gì khi có những ý kiến cho rằng Hồ Hoài Anh đến với công chúng qua những chương trình truyền hình nhiều hơn là qua công việc chính của một nhạc sĩ?
- Đấy là bề tương đối nổi, mọi người nhìn vào việc đấy. Còn Hồ Hoài Anh làm nghề, thì người trong nghề cũng có cái nhìn riêng. Hồ Hoài Anh đang làm nghề đấy chứ.
* Và vẫn còn dạy đàn bầu chứ?
- Có, vẫn dạy. Hồ Hoài Anh dạy được 7 năm rồi.
* Đàn bầu và đàn điện tử như hai thái cực, Hồ Hoài Anh theo đuổi cả hai. Phải chăng là do... “tham”?
- Có lúc Hồ Hoài Anh nghĩ như thế cũng chưa hoàn toàn tốt, nhưng mình vẫn có thể dung hòa được hai công việc đấy. Thông thường, Hồ Hoài Anh vẫn hay đặt ra cho mình những kế hoạch trong năm. Tất nhiên kế hoạch làm nhạc nhẹ thì không thể nào dừng được. Nếu dừng một thời gian thì bạn sẽ bị tụt hậu ngay.
Còn việc làm nhạc dân tộc, đi dạy ở trường và tất cả những chuyện liên quan đến âm nhạc dân tộc là cả một chặng đường dài. Mình không thể vội vàng, không thể đòi hỏi ngay lập tức phải có sản phẩm này sản phẩm kia. Trong dịp Đại lễ vừa rồi, Hồ Hoài Anh cũng đóng góp nhiều cho dàn nhạc dân tộc.
* Đâu là sự ham thích tìm tòi khám phá, đâu là niềm đam mê thực sự của Hồ Hoài Anh?
- Đam mê của Hồ Hoài Anh rất đơn giản thôi, chỉ gói gọn trong hai chữ “Âm nhạc”. Những gì mình trải nghiệm, mình từng học được thì mình sử dụng để thỏa mãn nghề nghiệp. Và làm sao để mọi con mắt nhìn vào, thấy rằng Hồ Hoài Anh là một người làm nhạc, vậy thôi.
* Với cái nhìn của một người đã lập gia đình, Hồ Hoài Anh có thấy rằng cuộc sống nói chung và hôn nhân nói riêng của những người làm nghệ thuật trở nên dễ tổn thương hơn, do đặc thù công việc và do sự “săm soi” của dư luận?
- Thật ra thì đấy cũng là một điều tất yếu. Nhưng nói thật là Hồ Hoài Anh cũng không quan tâm. Nếu mình là người khác, mình quan tâm nhiều hơn thì có thể sẽ khác đi. Nhưng nếu lúc nào mình cũng phải nghĩ đến chuyện người ta nghĩ gì về mình thì làm sao sống được? Cho nên mình cứ sống tốt với bản thân, với gia đình, như một người đàn ông bình thường, vậy thôi.
* Xin cảm ơn Hồ Hoài Anh!
LÂM VY (thực hiện)