Thêm một niềm vui lớn của nhà văn Tô Phương ở tuổi 73, sau khi đạt giải ba Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) tháng 11/2010 về đề tài giáo dục, mảng đề tài truyền thống vốn là mạch cảm xúc chủ đạo của ông tiếp tục tỏa sáng với tập truyện ký “Người anh hùng ở vùng đất kiên trung” vừa được Nhà xuất bản Thanh niên ra mắt bạn đọc cả nước.
Hơn 30 tuổi quân, nhà văn Tô Phương thôi mặc áo lính đã 28 năm nhưng cảm xúc sâu lắng của một cựu binh vẫn vọng về một thời chiến tranh giải phóng dân tộc bi hùng, cống hiến cho đời những trang văn tâm huyết về những chứng nhân lịch sử một thời quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Tập truyện ký “Người anh hùng ở vùng đất kiên trung” gồm 11 truyện ký, trong đó có 10 tác phẩm đề cập về những người anh hùng của quê hương Phú Yên anh hùng.
Mở đầu tập truyện ký là tác phẩm “Anh Sáu Râu - người anh hùng ở vùng đất kiên trung” khái quát sâu về Anh hùng - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Trần Suyền, bậc đại thụ của tỉnh Phú Yên thời chống Mỹ. Chỉ 32 trang sách, nhà văn đã đặc tả chân dung của vị Anh hùng - Bí thư Tỉnh ủy hàm súc và cảm động.
Từ một trí thức tiêu biểu, tú tài Tây học, sinh viên năm cuối trường Đại học Canh nông Hà Nội, người thanh niên yêu nước Trần Suyền đã trở về quê nhà tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, là Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời phủ Tuy Hòa cuối tháng 8/1945. Người trí thức ấy đã cống hiến trọn vẹn đời mình cho cách mạng, là người đầu tiên xây dựng trường trung học đầu tiên của tỉnh Phú Yên mang tên vị thành hoàng mở cõi Lương Văn Chánh, là chính trị viên Tỉnh đội Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp. Được Đảng phân công ở lại miền Nam hoạt động với cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên và nhiều năm sau đó giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Anh hùng Trần Suyền là linh hồn gắn với những chiến công mang tính huyền thoại của Đảng bộ và quân dân Phú Yên, thắp sáng ngọn lửa của niềm tin và ý chí cách mạng trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam. Vô vàn các sự kiện hào hùng của quê hương Phú Yên anh hùng gắn với sự tổ chức, chỉ đạo của đồng chí Trần Suyền: xây dựng căn cứ miền Tây, giải phóng miền Tây, đồng khởi Hòa Thịnh, ba lần giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ, mở bến Vũng Rô đón những con tàu không số, kiên cường tiến công địch trong hai chiến dịch mùa khô 1966-1967, bản hùng ca xuân Mậu Thân 1968 ba lần tiến công vào hang ổ địch ở thị xã Tuy Hòa và khắp các thị trấn, thị tứ trong toàn tỉnh…
Nhà văn Tô Phương đúc kết “Mỗi cá nhân gắn liền với lịch sử thời đại mà họ sống”. Những cống hiến đặc sắc của Anh hùng Trần Suyền là một trong những dấu nhấn đầy ấn tượng của tỉnh Phú Yên anh hùng thời chống Mỹ, ngời sáng nghĩa Đảng tình dân và sự mẫu mực, kiên trung của một thế hệ ưu tú đã xả thân vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tiếp mạch cảm xúc ấy, nhà văn Tô Phương đã dành 36 trang khắc họa chân dung Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Lầu - vị Tỉnh đội trưởng Phú Yên thời chống Mỹ.
Những cống hiến đặc sắc và chiến công của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Lầu đã được ghi chép đầy đủ trong quân sử và lịch sử Đảng bộ tỉnh càng lung linh hơn qua các trang viết của Tô Phương về mảng đời thường trong sinh hoạt và chiến đấu của người anh hùng. Anh hùng Nguyễn Lầu xả thân vì nước năm 1963. 47 mùa xuân trôi qua, cuộc chiến lùi xa 35 năm, chân dung Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Lầu càng ngời sáng qua thời gian và chiều sâu cội nguồn, sống mãi trong lòng dân và đồng đội.
Không chỉ dành sự trang trọng đặc biệt với hai anh hùng, hai người bạn chiến đấu thân thiết Trần Suyền và Nguyễn Lầu, Tô Phương đã có nhiều trang đầy xúc động về già làng Ma Ngoe, người anh hùng của đại ngàn Thồ Lồ Phú Mỡ, người con ưu tú của dân tộc Ba Na, từ lòng dân ra đi làm cách mạng và sống giữa lòng dân, sắt son với dân với Đảng trong hai cuộc chiến tranh. Cuộc đời hoạt động cao đẹp của anh hùng già làng Ma Ngoe đầy ắp những chi tiết sinh động và xúc động của trang viết càng ngời sáng nghĩa tình đoàn kết Kinh - Thượng sắt son, một trong những yếu tố làm nên chiến thắng cuối cùng một thời vệ quốc.
“Nỗi oan theo em, đi xa” đề cập đến câu chuyện cảm động trắc ẩn trong chiến tranh, gợi mở nhiều trăn trở về chiều sâu hy sinh của nhiều thế hệ nối tiếp nhau trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước, cả hạnh phúc và khổ đau khó nói nên lời của những mảnh đời đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
“Chuyến công văn mật” là tấm lòng sắt son hướng về cách mạng của các em thiếu nhi dân tộc, mưu trí, khôn khéo và hồn nhiên cứu giúp bộ đội giải phóng như người thân của gia đình.
Trong các truyện ký “Hoa mẫu đơn rừng”, “Chiếc vòng cầu hôn”, “Ngọn đèn tín hiệu”, tác giả lấy bối cảnh nơi quê hương chôn nhau cắt rốn của ông để khắc họa những phận đời chìm nổi trong chiến tranh, muôn vạn tấm lòng vẫn hướng về cách mạng, đóng góp nhiều công sức tùy theo điều kiện… Từng số phận hiện lên trên trang viết chứng minh cho chân lý “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.
Là một người lính cầm bút, đã từng là phóng viên chiến trường trong những năm dài chống Mỹ, bám các đơn vị quân giải phóng có mặt tại Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975, Tô Phương đã dành những trang viết đậm chất báo chí và giàu tính văn học khi đề cập về “huyền thoại Vũng Rô” chiến công của quân dân Phú Yên 4 lần tiếp nhận tàu không số trong chiến tranh chống Mỹ và những trang viết hào hùng về du kích xã Hòa Hiệp anh hùng trong bút ký “Du kích làng Cát đánh giặc”, tham gia bắt sống tướng ngụy Trần Văn Cẩm trong mùa xuân đại thắng năm 1975.
Như một món nợ ân tình với Củ Chi, vùng đất thép ngoại ô Sài Gòn một thời nhà văn trụ bám trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ, Tô Phương dành truyện ký “Dưới gốc cây ô mai già” để ngợi ca những nữ du kích Củ Chi và những người mẹ, người chị của đất Củ Chi thành đồng. Nhiều thập niên qua đi, trái tim của người lính - nhà văn vẫn hướng về chiến trường xưa những xúc cảm cháy bỏng, chân thành.
Rất cảm động trong phần tự bạch cuối tập truyện ký, nhà văn Tô Phương thổ lộ: “Trách nhiệm của mỗi nhà văn là viết càng nhiều càng tốt các tác phẩm về đề tài chiến tranh. Ai có sức lớn thì viết các tác phẩm lớn; ai có sức ít thì viết các tác phẩm vừa và nhỏ. Nhiều tác phẩm nhỏ cũng có giá trị lớn… Nhà văn có trách nhiệm rất lớn đối với lịch sử và góp phần vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau”.
Mạch cảm xúc chủ đạo ấy của tác giả đã tạo giá trị cho tập truyện ký “Người anh hùng ở vùng đất kiên trung”. Đây cũng là tấm lòng của ông - một nhà văn, một cựu binh - đóng góp cho hào khí Phú Yên 400 năm hình thành và phát triển.
THÀNH