Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VI với chủ đề Dấu ấn Thăng Long - Hà Nội và Tuổi trẻ với di sản văn hóa Việt Nam diễn ra tại TP Hà Nội trong 5 ngày (20 - 24/11), với nhiều hoạt động: triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa, tôn vinh và giới thiệu Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Cửa Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long - Nguồn: internet |
Sự kiện này do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, UBND TP Hà Nội, Bộ Giáo dục - Đøào tạo, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức.
Năm 2010 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của thủ đô, trong đó có 3 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới gồm: Hoàng thành Thăng Long, hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Do đó, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm nay dành phần lớn không gian tôn vinh Hoàng thành Thăng Long với các tư liệu góp phần tổng hợp các giá trị của di tích này gồm: di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu được khai quật từ năm 2002 và thành cổ Hà Nội, hệ thống các loại hình kiến trúc còn lại trên mặt đất và quần thể các dấu tích nền móng cung điện, lầu gác, số lượng lớn các di vật độc đáo thuộc nhiều thời kỳ được phát hiện dưới lòng đất tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Sự thay đổi của Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử được minh chứng bằng các bản đồ, từ bản đồ thời Hồng Đức (1490), bản đồ Hà Nội năm 1873, bản đồ không ảnh có ba vòng thành đến bản đồ di sản cùng các bức ảnh, phim tư liệu, hồ sơ di sản thế giới.
Phần hai là triển lãm bộ sưu tập cổ vật Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ với 500 cổ vật, trong đó có nhiều cổ vật lần đầu được trưng bày, bao gồm: các cổ vật Đông Sơn được phát hiện tại Hà Nội: cổ vật trước thế kỷ X, cổ vật thời Đinh, Lê, Lý, Trần (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV), cổ vật thời Lê (từ thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XVIII) và cổ vật thời Nguyễn (thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX )... Bên cạnh đó là hình ảnh, ấn phẩm sách Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến với hơn 200 tư liệu quý, tranh, ảnh về Hà Nội xưa và nay, cùng một số hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám và việc học hành thi cử nho học. Đặc biệt, 82 tấm bia tiến sĩ - Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương được giới thiệu đến công chúng với các giá trị lịch sử văn hóa, mỹ thuật qua các tấm ảnh bia tiến sĩ, bản văn bia tiến sĩ tiêu biểu (giai đoạn từ năm 1442 đến 1779), pa-nô và phần trích tiêu biểu trên văn bia về chế độ giáo dục, trọng dụng nhân tài của đất nước. Triển lãm cũng trưng bày nhiều tác phẩm ảnh về khoảnh khắc đáng nhớ của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tại khu vực này, các tư liệu, hiện vật còn tái hiện toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng những giá trị sâu sắc của truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống hiếu học và phát huy di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô văn minh...
VÂN ANH (tổng hợp)
Tối 21/11, Festival Cầu Long Biên năm 2010 đã khép lại bằng chương trình nghệ thuật Long Biên - nhịp cầu hòa bình trên sân khấu dưới chân cầu phía ga Long Biên. Tại sân khấu này, các tiết mục hòa nhạc, hợp xướng, vũ điệu sôi động của bạn bè quốc tế đã hòa cùng điệu múa sạp của các dân tộc vùng cao Việt Nam tạo nên bản nhạc đa âm mang tên Hòa bình - Hội nhập - Phát triển giữa lòng Hà Nội. Diễn ra trong hai ngày 20 - 21/11, festival năm nay mang chủ đề Cầu rồng kể chuyện Thăng Long Hà Nội - Hòa bình - Hội nhập - Phát triển”. So với kịch bản ban đầu, ban tổ chức đã cắt giảm màn bắn pháo hoa, phần trình diễn nghệ thuật trên con thuyền rồng tiên theo các dòng sông từ Hoa Lư tới Hà Nội, sau đó kết thúc ở vịnh Hạ Long. Cầu Long Biên, phía Gia Lâm mang chủ đề của ký ức, được chia làm 11 đoạn, tái hiện thời tiền Thăng Long và 10 thế kỷ phát triển của Thăng Long- Hà Nội. Trên những đoạn này có triển lãm tái hiện không gian Hà Nội xưa. Bên cạnh đó, còn có một số nhân vật huyền thoại, cổ tích do các nghệ sĩ xiếc, chèo hóa thân kể chuyện cho người dự hội. Đầu cầu phía ga Long Biên được trang trí thành con rồng thời Lý, với đầu rồng lớn cao 8m, dài gần 50m, ngậm minh châu chầu về Thăng Long. Đầu cầu này mang chủ đề Bạn bè quốc tế với 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, là nơi diễn ra các hoạt động vẽ tranh với nội dung vì hành tinh xanh - sạch - đẹp do các nghệ sĩ và người dự hội thực hiện.