Bộ phim tài liệu nhiều tập đầu tiên về sông Ba được chiếu trên HTV9 vào lúc 13g30 hàng ngày, kéo dài từ 23 đến 27/11. Được thực hiện dưới dạng phim khám phá kết hợp với hình thức ký sự truyền hình và chất trữ tình của dòng phim tài liệu truyền hình, Xuôi dòng sông Ba phản ánh dòng chảy văn hóa - hiện thực - tiềm năng của con sông lớn nhất miền Trung.
Xuôi dòng sông Ba do Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS) thực hiện, tác giả kịch bản: Trần Thanh Hưng, đạo diễn: Nguyễn Khắc Tuấn, quay phim: Huỳnh Lâm. Báo Phú Yên đã phỏng vấn nhà báo Trần Thanh Hưng - Trưởng Phòng Thời sự - Chuyên mục Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên - tác giả kịch bản Xuôi dòng sông Ba.
Ê-kíp làm phim Xuôi dòng sông Ba - Ảnh do đoàn làm phim cung cấp |
* Được biết đây là lần đầu tiên ông viết kịch bản cho một bộ phim tài liệu nhiều tập. Vì sao lại chọn sông Ba mà không phải là đề tài nào khác?
Theo nhà báo Trần Thanh Hưng, sau khi phát sóng trên HTV9, bộ phim tài liệu Xuôi dòng sông Ba sẽ được chiếu trên VTV và PVTV dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển vào tháng 4/2011.
- Có rất nhiều lý do để chúng tôi chọn sông Ba và thực hiện bộ phim tài liệu này. Đầu tiên, vào năm 1992, khi làm luận văn tốt nghiệp đề tài “Kịch bản phim”, biên kịch Phạm Thùy Nhân ở Hãng phim Giải Phóng (TP Hồ Chí Minh) – người hướng dẫn tôi thực hiện đề tài – biết tôi ở Phú Yên, đã nói rằng có hai hình ảnh ấn tượng nên nghĩ đến việc làm phim là sông Ba và núi Đá Bia. Tôi ấp ủ việc làm phim tài liệu về sông Ba từ đó. Thứ hai, sông Ba là dòng sông kỳ vĩ nhất miền Trung – Tây Nguyên, dài 380km trải dài từ Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk đến Phú Yên trước khi hòa mình vào biển cả. Con sông mang theo những dòng chảy văn hóa đậm đặc và độc đáo của nhiều tộc người, nhiều nguồn lực về kinh tế, sản vật có giá trị. Sông cũng có “tính nết” lúc hung dữ, khi hiền hòa như một con người… Tuy nhiên, hầu như chưa có nhiều người biết rõ và khám phá những điều độc đáo về sông Ba. Khán giả Việt
* Đâu là những điểm nhấn độc đáo, hấp dẫn của Xuôi dòng sông Ba, theo ông?
- Phim gồm 5 tập, mỗi tập dài 20 phút, không phải được thực hiện theo không gian địa lý mà theo những vấn đề lớn đặt ra. Tập 1 có tên là Sông Ba nơi miền thượng, tập 2 - Cùng về Ayun Pa, tập 3 - Nguồn lực của dòng sông, tập 4 - Di sản của dòng sông và tập 5 - Nơi sông Ba gặp biển. Bộ phim đưa người xem đi từ nơi khởi nguồn của sông Ba trên đỉnh Ngọc Rô cao 1.500m so với mực nước biển ở Kon Tum chảy qua những vùng đất nổi tiếng ở Gia Lai, Kon Tum trước khi đổ về biển qua cửa Đà Diễn của Phú Yên. Trên hành trình ấy là những di sản văn hóa, huyền thoại độc đáo, những con người nổi tiếng, những thắng cảnh ngoạn mục, các sản vật của sông, tiềm năng kinh tế…
Chúng tôi thực hiện bộ phim vào mùa khô năm 2008, vào thời điểm dòng sông Ba kiệt nước nhất, để có những khung hình về sự hiền lành và dịu dàng của con sông. Tiếp đó, mùa mưa năm 2009, ngay sau trận bão lũ lịch sử xảy ra ở Phú Yên, chúng tôi lại lên đường và ghi được những hình ảnh về sự dữ dội của sông Ba. Hai kiểu hình ảnh đan xen mang tính so sánh ấy sẽ giúp người xem hình dung được hành trình từ nguồn ra biển của sông Ba là một câu chuyện dài của sự kỳ vĩ và đơn độc, của hùng tráng và lặng lẽ, của hung dữ và dịu êm. Có những hình ảnh sau khi đoàn làm phim thực hiện xong trở thành “của quý giá” vì sau đó, các thủy điện chặn dòng đã khiến khung cảnh độc đáo ấy mãi mãi chìm trong nước. Và một điểm nhấn nữa là đôi bờ sông Ba đã sản sinh ra nhiều con người nổi tiếng góp mặt trong bộ phim này: nhà văn Nguyên Ngọc, nghệ sĩ H’Ben – vợ anh hùng Núp, các nhà văn, nhà nghiên cứu Y Điêng, Ka Sô Liễng, Nguyễn Đình Chúc…
* Ông có cảm thấy tiếc nuối điều gì khi bộ phim sắp lên sóng?
- Tất nhiên là có. Theo dự định ban đầu của ê-kíp làm phim, chúng tôi sẽ dùng một thuyền máy lớn để xuôi sông Ba từ thượng nguồn về hạ lưu và hình dung được nhiều điều thi vị, độc đáo nếu thực hiện được hình thức này. Tuy nhiên, ý định này bất thành khi trên dòng sông có nhiều đoạn dốc, nhiều đá và các thác ghềnh rất nguy hiểm. Một ý tưởng khác cũng bất thành là thuê trực thăng quay cảnh sông Ba từ trên cao vì… không tìm được nhà tài trợ. Ngoài ra, một số hình ảnh nếu quay được sẽ rất độc đáo, chẳng hạn ở một giáo hạt tại Phú Bổn, giáo dân dùng cồng chiêng để lễ thánh, nhưng vì các lý do khách quan mà chúng tôi không thực hiện được.
Dù vậy, bằng cách thể hiện tiếp cận và khám phá với những điểm nhấn đã nêu, tôi tin Xuôi dòng sông Ba sẽ thu hút khán giả.
* Xin cảm ơn ông!
KHƯƠNG NGUYÊN (thực hiện)