* Tặng trống đồng và tượng Lương Văn Chánh cho tỉnh Phú Yên
Soi bóng tiền nhân vào hậu thế. Gọi hồn quá khứ hướng tương lai” là nội dung bức trướng của giáo sư Vũ Khiêu, 95 tuổi, bậc đại thụ uyên thâm, đạo cao đức trọng thời đương đại tặng Hội khoa học lịch sử Việt Nam khi kết thúc bài phát biểu đầy cảm xúc dành cho giới nghiên cứu lịch sử cả nước.
Đoàn Chủ tịch Đại hội trao tặng trống đồng cho đại diện Tỉnh ủy và Hội Khoa học lịch sử tỉnh Phú Yên. |
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Khoa học lịch sử Việt Nam long trọng tổ chức tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Thủ đô Hà Nội) ngày 11/11/2010.
Phát biểu khai mạc Đại hội, giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định đầy tự hào: “Trong 44 năm kể từ khi thành lập năm 1966, Hội đã trải qua 5 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc. Mỗi nhiệm kỳ để lại một dấu ấn về sự trưởng thành và lớn mạnh của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, về những đóng góp tích cực của giới sử học cả nước trong công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa...
Trong nhiệm kỳ V (2005-2010), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã có bước phát triển mới và đạt nhiều thành tựu về tổ chức và hoạt động trên các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của hội. Cho đến nay, hội đã có 51 tổ chức thành viên gồm các hội chuyên ngành, chi hội trực thuộc và các hội cấp tỉnh, thành phố với tổng số 3.000 hội viên.
Hội đã có mặt trong các cơ quan nghiên cứu và đào tạo thuộc các viện, trung tâm và trường Đại học từ các địa bàn quan trọng của đất nước và các tỉnh, thành phố có nhiều nhà sử học và những cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực của khoa học lịch sử. Hoạt động của hội ngày càng đi vào chiều sâu của khoa học lịch sử, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam, phổ biến tri thức lịch sử trong xã hội, giáo dục truyền thống dân tộc và cách mạng, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Công tác tư vấn, giám định và phản biện các dự án và hoạt động liên quan đến lịch sử và văn hóa luôn luôn được hội quan tâm với nhiều đề xuất đầy tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, được dư luận xã hội hoan nghênh và nhiều cơ quan chức năng chấp nhận...”
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa V tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Khoa học lịch sử Việt Nam do Tổng thư ký Dương Trung Quốc trình bày đã khái quát công tác phát triển và củng cố tổ chức của hội, trong đó có Hội Khoa học lịch sử tỉnh Phú Yên. Các hoạt động của hội góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam, trong đó nhấn mạnh “Công việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử địa phương cấp tỉnh, thành phố cho đến cấp huyện, xã cùng phát triển mạnh dưới nhiều hình thức như lịch sử, địa chí, từ điển bách khoa, bách khoa thư. Nhiều công trình thuộc loại hình này đã được xuất bản, góp phần nâng cao dân trí và phát huy tác dụng giáo dục truyền thống dân tộc, trong đó có khá nhiều công trình do Hội khoa học lịch sử địa phương đảm nhiệm hoặc phối hợp biên soạn, chủ trì các cuộc hội thảo do hội tổ chức và tham gia vào nhiều hội thảo quốc gia và quốc tế, tham gia vào nhiều chương trình và đề tài khoa học cấp Nhà nước với mục tiêu cung cấp các luận chứng khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đề xuất các giải pháp cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...”
Đặc biệt, sau hội thảo “Đánh giá thực trạng việc dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông - nguyên nhân và giải pháp”, Hội đã cử hội viên là các nhà sử học hàng đầu của đất nước tham gia góp ý kiến cụ thể về chương trình môn học và sách giáo khoa lịch sử, về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi...).
Hội đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng tín nhiệm giao trách nhiệm tổ chức biên soạn sách “Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam” do Giáo sư Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang chủ biên, đề án khoa học xã hội cấp Nhà nước về “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ” do giáo sư Phan Huy Lê chủ nhiệm... đã góp phần tạo dựng một nhận thức mới mẻ về lịch sử và văn hóa vùng đất Nam Bộ, trang bị cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ hơn quá trình xác lập lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Hội đã tích cực tổ chức các hoạt động truyền bá kiến thức và giáo dục truyền thống, hội thảo khoa học sinh hoạt tưởng niệm sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử và danh nhân, đúc tượng danh nhân với cuộc vận động “mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân”. Hội đã thực hiện tốt chức năng giám định, tư vấn khoa học đối với các lĩnh vực liên quan đến khoa học lịch sử.
Trong nhiệm kỳ VI (2010 - 2015), Hội tập trung vào một số nội dung cơ bản, trong đó có việc nâng cao chất lượng dạy và học môn sử trong trường phổ thông, việc phổ biến kiến thức lịch sử và giáo dục truyền thống, việc biên soạn bộ “Lịch sử Việt Nam” như một bộ Quốc sử của thời đại chúng ta, việc xây dựng Quỹ phát triển sử học và Giải thưởng mang tầm quốc gia về sử học, việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả chức năng tư vấn giám định và phản biện xã hội về những vấn đề liên quan đến lịch sử và văn hóa...
Phát biểu ý kiến chỉ đạo đại hội, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ: “Lịch sử là một người thầy vĩ đại dạy chúng ta những bài học sâu sắc và thiết thực. Bác Hồ đã từng căn cặn: “Dân ta phải biết sử ta...” vào thời điểm cần huy động sức mạnh của toàn dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại xâm... tháng 1/1968, nhân bàn đến việc làm loại sách biểu dương “Người tốt việc tốt”, Bác Hồ đã cảnh báo: “Coi chừng, có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình bằng những người nước ngoài...”. Chính lòng yêu nước bắt nguồn từ sự hiểu biết lịch sử và lòng tự hào đối với thế hệ đi trước đã cổ vũ biết bao thế hệ kế tục nhau vượt qua được mọi khó khăn, thử thách xây dựng, gìn giữ non sông gấm vóc và nền độc lập, tự chủ của nước nhà mà hôm nay chúng ta đang kế thừa, gìn giữ và phát triển. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của tổ tiên chúng ta, lịch sử cách mạng Việt
Giờ đây, khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, đang phát triển và hội nhập, chúng ta cần phải tiếp tục phát huy vai trò của những giá trị lịch sử, văn hóa đối với đời sống và đặc biệt là phát huy những giá trị ấy trong giới trẻ. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập với thế giới, với những thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đòi hỏi Đảng ta, nhân dân ta phải phát huy cao nhất truyền thống yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, những kinh nghiệm và bài học, kể cả bài học thành công và thất bại từ trong những trang lịch sử quá khứ...”.
Tại Đại hội, đại biểu Hội Khoa học lịch sử tỉnh Phú Yên rất xúc động trước tấm lòng của Trung ương Hội dành cho tỉnh Phú Yên.
Đại hội đã long trọng trao tặng trống đồng cho tỉnh Phú Yên và tượng đài danh tướng Nguyễn Tri Phương cho TP Đà Nẵng.
Trống đồng tặng cho Phú Yên nằm trong dự án “Nổi trống Lạc Hồng - Hào khí Thăng Long) do Hội Khoa học lịch sử Việt
Ủy viên Thường vụ Hội Khoa học lịch sử Phú Yên Nguyễn Niên gặp gỡ giáo sư Phan Huy Lê và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.
Nhà báo, nhà sử học Nguyễn Hạnh, thay mặt tạp chí Xưa và Nay, Cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam long trọng cam kết đúc tặng tỉnh Phú Yên tượng danh nhân Lương Văn Chánh nhân dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển. Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Phú Yên sẽ báo cáo xin ý kiến lãnh đạo tỉnh và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch về vóc dáng tượng Lương Văn Chánh để triển khai việc đúc tượng và làm lễ đặt tượng đài tại di tích quốc gia “Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh” nhân dịp đầu xuân 2011.
Đoàn đại biểu Hội Khoa học lịch sử tỉnh Phú Yên đã tiếp xúc và làm việc với nhiều nhà khoa học lịch sử ở Trung ương, TP Hồ Chí Minh và cố đô Huế có dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đến vùng đất Phú Yên và sự kiện Phú Yên 400 năm gắn với Năm Du lịch quốc gia được tổ chức tại Phú Yên và Nam Trung Bộ. Các nhà khoa học, đã có sự gắn bó thân thiết với tỉnh Phú Yên như Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc, giáo sư Nguyễn Văn Nhật, Phó Chủ tịch Hội, Viện trưởng Viện Sử học; phó giáo sư Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng thư ký Hội; các giáo sư Nguyễn Phan Quang, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quốc Lộc; đại tá, tiến sĩ Trần Ngọc Long, Tổng Biên tập tạp chí Lịch sử quân đội; đại tá, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự; tiến sĩ Nguyễn Nhuệ phòng Địa phương Viện Sử học; các nhà nghiên cứu sử học lão thành Nguyễn Đình Đầu (tác giả Địa bạ Phú Yên), Nguyễn Đình Tư (tác giả Non nước Phú Yên); nhà báo, nhà sử học Nguyễn Hạnh, Phó Tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay... đều bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến sự kiện Phú Yên 400 năm và sẵn sàng cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ cho tỉnh Phú Yên. Cụ thể, các nhà khoa học đang và sẽ đóng góp các thành quả nghiên cứu lịch sử mới nhất về vùng đất Phú Yên, sẵn sàng phối hợp với tỉnh Phú Yên tổ chức các cuộc hội thảo khoa học nhân dịp Phú Yên tổ chức đại lễ 400 năm hình thành và phát triển. Tạp chí Xưa và Nay sẽ tuyên truyền đậm nét trên nhiều số báo và giành 2 số đặc biệt kỷ niệm 400 năm tỉnh Phú Yên.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tiếp tục suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp và giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, anh hùng lao động Trần Văn Giàu là đồng chủ tịch danh dự của Hội.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ VI gồm 53 ủy viên. Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê tái đắc cử Chủ tịch Hội, nhà sử học Dương Trung Quốc được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội, phó giáo sư Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội phụ trách khu vực miền Trung và 5 phó chủ tịch. Đồng chí Phan Đình Phùng, Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Phú Yên được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhiệm kỳ VI (2010 - 2015).
Ngày 12/11/2010, Đại hội đã tổ chức cuộc hành hương về cội nguồn đất Tổ, chiêm bái dâng hương 18 vua Hùng và triển khai các công việc cấp bách của Hội ở Đền Hùng (Phú Thọ).
Thạc sĩ PHAN THANH BÌNH