Các xã K’rông Pa, Suối Trai, Ea Chà Rang ở phía tây huyện lỵ Sơn Hòa, bên tả ngạn sông Ba, Cà Lúi, là nơi sinh sống của đồng bào Ê Đê. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đồng bào ở vùng đất này đã vượt qua muôn vàn khó khăn để sinh tồn và còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống.
Đồng bào Ê Đê biểu diễn cồng chiêng, múa xoan trong ngày vui của địa phương - Ảnh: L.KHA
Cư dân ở đây không chỉ cần cù trong lao động mà còn là những nghệ nhân tài hoa trong lĩnh vực âm nhạc, hát múa, điêu khắc, văn học dân gian truyền miệng…, được thể hiện trong các lễ hội. Chính vì vậy, một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc đã được lưu truyền cho đến ngày nay. Ông Ma H’Lin ở buôn Ma Giá, xã Suối Trai nói: “Nếu như các lễ hội đã gắn bó, theo suốt cả một vòng đời người và vòng cây trồng thì dân ca, cồng chiêng, điệu múa xoan, trường ca và nghệ thuật điêu khắc không bao giờ vắng bóng trong đời sống cộng đồng Ê Đê”.
Ở xã Suối Trai, bà Tun Chui, Mí Prik, ông Y Pa biết kể trường ca Xinh Chơ Nhã. Bản trường ca này ca ngợi tinh thần đoàn kết của gia đình, cộng đồng các dân tộc Ê Đê, Jrai, Chăm H’roi, ca ngợi chính nghĩa. Trường ca nói về cha CharKok và mẹ Bia Chơ Kuai đã bị bọn xấu giết hại. Xinh Chơ Nhã lớn lên, nhờ bà mẹ nuôi che chở, chăm sóc và tìm cách báo thù. Xinh Chơ Nhã đã nhiều lần đánh bại bọn gian ác trong buôn làng, giữ được cuộc sống bình yên cho các dân tộc anh em trên vùng đất hùng vĩ ở phía tây Phú Yên.
Cùng với trường ca, cồng chiêng là thứ không thể thiếu trong đời sống của đồng bào nơi đây. Người Ê Đê không nhớ rõ nguồn gốc của cồng chiêng, chỉ biết rằng khi họ thấy ông mặt trời thì cũng đã nghe tiếng cồng chiêng trong lễ cúng mừng lúa mới, đám cưới, đám tang… Người Ê Đê ở ba xã Suối Trai, Ea Chà Rang, K’rông Pa rất say mê âm thanh của cồng 3, chiêng 5. Sử dụng tốt các nhạc cụ này là già làng Oi Chút, A Ma Thoan, Oi Nhít, A Ma Nghiệp; còn đánh trống đôi thì có A Ma Nưng, Nay Y Thanh, A Ma Chem. Lời ca, tiếng nhạc luôn là nguồn cổ vũ trong đời sống, hòa với tiếng suối reo, vang vọng giữa rừng sâu đại ngàn. Tun Chem, Mí Neng, Mí Prik, Mí H’ Phik… là những nghệ nhân múa xoan, điệu múa uyển chuyển chẳng mấy khi vắng bóng quanh ngọn lửa hồng dưới mái nhà sàn khi có lễ hội. Mí Prik còn biết hát Tơ Pul Tơ Pan (hát đồng dao), điệu hát mà các em nhỏ nơi đây ưa thích.
Đồng bào Ê Đê sống bên bờ sông Ba, Cà Lúi - nơi có những ngọn núi cao như Chư K Te, Chư K BLơng… - có đôi tay tài hoa, khéo léo, thể hiện ở những đường nét điêu khắc trên nhà dài, các hoa văn trên trang phục thổ cẩm (thường được dệt sau lễ cúng lúa mới, khoảng tháng Giêng). Ma Thoan ở buôn Lé, Ma Thoại ở buôn Ma Giá, Ma Điều ở buôn Ma Lất… là những nghệ nhân đẽo tượng nhà mồ. Tượng người múa trống, người bồng con, tượng con hươu, con nai… trông rất sinh động. Những đường nét trang trí trên cây nêu trong lễ hội đâm trâu, những hình khắc nổi trên cột nhà, chiếc cầu thang cũng như các hoa văn thổ cẩm, kết trên đồ đan đát, khắc trên cán búa, cán dao, cán rìu đã phản ánh quá trình vận động và khả năng quan sát những sự vật một cách khái quát thông qua tình cảm, tư duy của nghệ nhân Ê Đê.
Người Ê Đê có phong tục làm nhà dài, là nơi sinh sống của nhiều gia đình nhỏ cùng huyết thống. Nhiều gia đình Ê Đê sống tập trung thành buôn làng; ở đó có già làng và chủ buôn làng - những người có tiếng nói quyết định mọi công việc trọng đại của buôn làng. Ý niệm thần linh của dân tộc Ê Đê thường gắn với các lễ nghi cúng bến nước, cúng ăn mừng lúa mới, cúng mừng sức khỏe… Họ quan niệm thế giới dành cho người chết không khác nhiều so với thế giới người sống.
Có thể nói vùng đất Suối Trai, Ea Chà Rang, K’rông Pa (huyện Sơn Hòa) là điểm hội tụ của một vùng văn hóa dân gian đặc sắc mà chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy.
TRẦN LÊ KHA