Không chỉ được biết đến với những bài thơ mang hơi thở của núi rừng Tây Bắc, nhà thơ Triệu Lam Châu còn đưa một số tác phẩm nổi tiếng của nước Nga đến gần hơn với bạn đọc Việt
Nhà thơ Triệu Lam Châu.
* Hàng ngày cặm cụi với phấn, bảng, bản đồ và ống ngắm, nhưng anh lại đam mê nghệ thuật, nhất là văn học. Anh suy nghĩ như thế nào về “nghề” văn?
- Đời tôi có ba niềm đam mê lớn: làm thơ, sáng tác nhạc và dịch các tác phẩm văn học Nga. Tôi đã có một số tác phẩm được bạn bè ở quê nhà đón nhận, như: Mé già hỏi vợ cho con, Ánh sao rừng thu Nga, Hương cốm trên sông Nhêva, Vầng trăng Nà Pẳng, Ánh sao chiều trên núi Khau Mi-à, Gánh nước ban mai… Đó là “phần thưởng” quý cho tác giả. Tôi nghĩ muốn có tác phẩm hay, người nghệ sĩ phải lao động nghệ thuật nghiêm túc.
* Có khi nào anh nghĩ đến việc dịch các tác phẩm văn học Việt sang tiếng Nga?
- Tôi là một kỹ sư địa chất. Tháng Giêng năm 2010, đang hướng dẫn học trò thực tập ở vùng Xuân Tự, miền núi tỉnh Khánh Hòa thì tôi nhận được giấy mời tham dự hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt
Tôi đã dịch một số tập thơ, tiểu thuyết từ tiếng Nga ra tiếng Việt. Song tôi chưa thể dịch ngược thơ Việt sang tiếng Nga vì điều này ngoài sức của tôi. Tuy nhiên tôi vẫn ấp ủ khát vọng một ngày nào đó tôi có thể làm được điều đó.
* Ngoài việc dịch các tác phẩm văn học Nga sang tiếng Việt, anh đã làm một việc “không giống ai”, đó là dịch các tác phẩm văn học Nga sang tiếng Tày?
- Từ năm 1970 đến năm 1976, tôi được học tại Trường Đại học Mỏ địa chất ở Lêningrat. Chất Nga đã thấm vào tôi, tôi chịu ơn nền văn hóa Nga - Xô Viết. Ngoài mắc nợ nước Nga, tôi nghĩ về dân tộc mình. Dịch thơ Nga ra tiếng Tày cũng là việc nhỏ để trả nghĩa tinh thần cho cả hai dân tộc.
Tôi sinh ra, lớn lên ở Cao Bằng và học tiếng Việt nên từ nhỏ đã quen với tư duy song ngữ Tày - Việt. Đọc một câu thơ tiếng Việt trong sách, tôi suy nghĩ nó tương ứng với câu nào trong tiếng Tày. Sau này, tư duy tam ngữ Tày - Việt - Nga được hình thành, đó là lẽ tự nhiên với riêng tôi.
Tôi thường dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt, rồi dịch tiếp sang tiếng Tày. Tác phẩm ấy sẽ có ba chất Nga - Việt - Tày.
Nhà thơ Triệu Lam Châu sinh năm 1952, tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, người dân tộc Tày. Ông tốt nghiệp Trường ĐH Mỏ địa chất Lêningrát năm 1976, là giảng viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, hội viên Hội Nhà văn Việt Tác phẩm thơ: Trăng sáng trên non (1998), Ngọn lửa rừng (1999), Giọt khèn (2001), Thầm hát trên đồi (2004). Thơ dịch: Nửa phần sự thật (2000), Đêm trắng (2002), Thơ dân gian Tacta (2007), Nhật ký trong tù (tiếng Việt và tiếng Tày, 2009). Tiểu thuyết dịch: Nàng dâu (1987), Lửa tình đã cạn (1988), Đi tìm hạnh phúc (1994), Mối tình người góa phụ (1999), Túp lều lá bên sông (1997). Truyện dịch: Hoa nở muộn mằn (1988), Người đàn bà tôi thương (1989). CD nhạc: Cao Bằng yêu dấu (tuyển 10 ca khúc, 2003), Gánh nước ban mai (tuyển 8 ca khúc, 2006). Giải nhất cuộc thi dịch văn học do Hội Nhà văn Việt
* Năm 2009, anh “bạo gan” dịch tập thơ chữ Hán Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Việt và tiếng Tày, bằng thể thơ lục bát. Việc làm này được nhiều người ủng hộ, nhất là số đông giáo viên và học sinh THPT dân tộc Tày tại quê hương Cao Bằng. Anh cảm thấy thế nào sau khi hoàn tất công việc đó?
- Anh nói tôi “bạo gan”, thật đúng. Nhật ký trong tù đã được các nhà thơ lớn như Xuân Thủy, Khương Hữu Dụng, Hoàng Trung Thông, Nam Trân… chung sức dịch chuẩn và hay từ năm 1960. Vì lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyện vọng dịch Nhật ký trong tù theo thể thơ lục bát cho bà con đọc, nhất là bà con người Tày nên tôi mới “bạo gan” thế. Sau một thời gian ấp ủ, giữa năm 2009, Ngục trung nhật ký đã được NXB Văn hóa dân tộc ấn hành với tiêu đề Xeéc mai chang rườn xăng.
Các thầy cô giáo, học sinh ở Cao Bằng rất tâm đắc bản dịch tiếng Tày này vì được đọc và thưởng thức thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng mẹ đẻ.
* Ngoài sáng tác và dịch các tác phẩm văn học, anh cũng đã ra mắt hai CD nhạc do các nghệ sĩ ưu tú, ca sĩ nổi tiếng thể hiện. Anh đã gặp những khó khăn nào khi “lấn sân” sang lĩnh vực này?
- Gia đình tôi không có ai làm nghệ thuật. Song từ nhỏ tôi rất thích ca hát và làm thơ. Hồi nhỏ tôi đi chợ núi, thấy ông xẩm thổi sáo hay quá. Về nhà, tôi lên rừng tìm ống nứa, khoét lỗ làm sáo rồi tự mày mò thổi. Sau đó tôi thổi được bài hát Tình ca Tây Bắc. Năm 1968, đang học lớp 8, tôi “sáng tác” ca khúc đầu tiên có tên Bài ca Khuổi Dà. Tôi tập cho cả lớp hát, vui lắm. Từ thời sinh viên đến khi ra trường, công tác, tôi vẫn sáng tác ca khúc đều đều, chỉ có điều không có kinh phí để ra đĩa. Cũng may ngoài giảng dạy ở trường, tôi còn được các công ty mời đi tham gia khảo sát và viết báo cáo địa chất công trình phục vụ việc xây dựng. Do vậy tôi mới có “kinh phí” ra hai đĩa nhạc như anh biết.
* Là Chi hội trưởng Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, theo anh, cần làm gì để khơi dậy niềm yêu thích văn học trong các bạn trẻ?
- Chi hội Văn học đã thành lập Câu lạc bộ Sáng tác trẻ. Lực lượng chính tham gia câu lạc bộ này là sinh viên và học sinh các trường THPT. Câu lạc bộ do bạn Cao Vĩ Nhánh phụ trách, hoạt động khá sôi nổi.
Để khơi dậy niềm yêu thích văn học, theo tôi, các thầy cô giáo cần tích cực phát hiện những học sinh có năng khiếu văn chương, giới thiệu sáng tác của các em trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sân chơi để các em phát huy năng khiếu, từ đó nhen nhóm lòng yêu văn học.
* Xin cảm ơn anh!
ĐÀO TẤN TRỰC (thực hiện)