Chủ Nhật, 02/02/2025 15:04 CH
Đọc sách: Quà phóng sinh - Những cuộc đời và số phận
Thứ Năm, 07/10/2010 16:02 CH

Với 13 truyện ngắn trong gần 200 trang in, tác giả Trần Quốc Cưỡng đã giới thiệu đến bạn đọc tập sách thứ bảy và là tập truyện ngắn thứ tư của mình: Quà phóng sinh. Sách do Nhà xuất bản Dân Trí cấp phép, vừa in xong vào tháng 9/2010.

 

Tập sách đề cập những cuộc đời với nhiều tính cách và số phận khác nhau. Có những nhân vật phải “mang tiếng chịu lời” trái với tâm tính, hoàn cảnh và khả năng thực tế (Trai làng chài, Người thứ ba, Quá khứ không ngủ yên, Người miền Tây…); có nhân vật “dấn thân” vì lẽ sống và chính nghĩa (Đất thiêng, Người giữ rừng, Lính trẻ, Người bảo vệ); những nghệ sĩ với niềm đam mê cái đẹp từ nghệ thuật (Pho tượng trên núi, Ký ức hiện hình); cũng có nhân vật “sám hối” như Quà phóng sinh

 

bia-sach101007.jpg

Bìa tập truyện ngắn “Quà phóng sinh”

Bắt đầu từ truyện ngắn được đặt tên chung cho cả tập Quà phóng sinh, tác giả nhắc lại đạo lý làm người từ bao đời nay trong dân gian: ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ. Ai cũng biết điều đó, nhưng sống và làm theo thì không dễ, bởi những cám dỗ “giàu nhanh, phát sớm” thường đi kèm với cái ác mới dễ thành công. Vợ chồng của nhân vật Hai Máy Chém giàu có bằng nghề cho vay nặng lãi, sung sướng trên bất hạnh của dân nghèo, để rồi có lần nhân vật giật mình nhìn lại: “Lão hình dung vợ chồng lão đang ngồi dưới quả núi tội lỗi, mỗi ngày quả núi cứ cao thêm chút nữa, rồi sẽ có một ngày tai họa ập xuống. Đột nhiên lão nhớ câu cửa miệng trong sách thánh hiền: “Tích thiện phùng thiện. Tích ác phùng ác”. Làm ác nhưng biết sợ, biết rùng mình “nghĩ lại” thì cũng có cơ phục thiện, mặc dù còn nhiều gượng gạo. Thế là hai vợ chồng lão mua chim mua cá phóng sinh cầu phước, để rồi “quà phóng sinh” không gì khác hơn là chính Hai Máy Chém được cứu trong một lần thả cá phóng sinh lại bị ngã nhào xuống sông do say rượu!

 

Kiểu nhân vật “chịu thiệt thòi” trong truyện của Trần Quốc Cưỡng được khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau. Một nữ du kích gan dạ trong chiến đấu nhưng bị oan trái và bất hạnh trong tình yêu: “Chị muốn nói hết nguyên nhân vì sao chị không thể ở lại nhà anh, tâm sự với anh sau những năm dài xa cách, song chị cứ nghèn nghẹn. Đâu phải chuyện gì cũng có thể nói ra. Có những chuyện mà con người ta suốt đời giữ trong im lặng mãi mãi” (Người miền Tây). Một sĩ quan hoạt động trong lòng địch, hòa bình rồi, sau bao đắng cay mới được phục hồi công trạng: “Người sĩ quan quân báo bao nhiêu năm sống trong lòng địch, giờ được công khai mặc bộ quân phục Quân đội nhân dân Việt Nam sao tay chân cứ lóng ngóng…” (Quá khứ không ngủ yên).

 

Trong truyện Pho tượng trên núi, nhân vật họa sĩ có những hành động kỳ quặc với tâm trí lãng đãng, nhưng “Thật ra hắn không đến nỗi lẩn thẩn như người ta nghĩ. Hắn thường nhập tâm những điều hắn trăn trở hằng ngày mà quên đi những gì xung quanh.” Người nghệ sĩ nhiều mơ mộng, nhìn đời với cặp mắt trong veo đã vấp phải thực tế: “Những cái nhìn hồ nghi, những cái lắc đầu quầy quậy của các ông chủ nhà hàng, quán cà phê… làm tắt ngấm ngọn lửa trong tim của người họa sĩ thất thời, lỡ vận”. Tuy nhiên, khi gặp “môi trường phát triển”, thực tế cuộc đời và cõi thiêng sáng tạo lại trở nên dung hòa nhau, hay chí ít cũng không trái nghịch nhau: “Thế rồi cơn gió lành thổi đến Sa Pa. Khách du lịch từ các miền, các quốc gia khác nhau háo hức đổ về phố núi mờ sương để tận hưởng không khí êm đềm, vẻ đẹp ngất ngây của tạo hóa ban tặng. Hắn nghĩ ra một cái nghề mới: khắc tượng gỗ cỡ nhỏ in đậm dấu ấn Sa Pa để bán cho khách du lịch làm quà lưu niệm. Ngày nào hắn cũng lộc cộc leo lên tận núi cao lặng lẽ khắc gọt đến lúc xẩm tối mới lủi thủi xuống núi” .

 

Cũng vẽ chân dung người nghệ sĩ, nhưng thuộc giới “bình dân” hành nghề từ năng khiếu, trong truyện Ký ức hiện hình, Trần Quốc Cưỡng khá thành công khi khai thác năng lực thiên bẩm của nhân vật được khơi dậy từ sự đồng cảm với người khác: “Ngày thứ bảy, bức ảnh truyền thần của liệt sĩ Nguyễn Văn Luân sắp đến hồi hoàn chỉnh. Gương mặt bà cụ lúc nào cũng hớn hở, mắt nhìn đăm đăm vào ảnh. Thi thoảng bà bật lên tiếng kêu tắc nghẹn:

 

- Giống con trai bác quá các cháu ơi! Bác nói liều, năn nỉ đại vậy mà cháu cũng vẽ được, cái thằng đại tài!

 

Trong truyện, đây là bức ảnh được vẽ theo lời kể của người mẹ liệt sĩ đã già yếu. Quả là một thử thách lớn trong cuộc đời người nghệ sĩ, vì không có ảnh mẫu. Tình huống này không dễ gặp trong đời và càng không dễ gặp trong ý tưởng sáng tạo. Nhưng vì sao lại có sự thành công? Hãy nghe nhân vật tâm sự: “Tôi biết lời khen của bà cụ xuất phát từ con tim. Những ngày này tôi vẽ như người lên đồng, nhập cốt, tâm hồn tôi như bay bổng lên cao, như có chất men say ngất ngây. Thú thật trong lúc vẽ ảnh truyền thần liệt sĩ Nguyễn Văn Luân, tôi luôn khấn thầm:

 

- Anh Luân ơi! Anh sống khôn, thác thiêng hãy phù hộ cho em vẽ ảnh của anh thật giống anh để làm món quà tinh thần an ủi má anh vui sống những ngày còn lại anh nhé!

 

Có lẽ anh Luân đã phù trợ cho tôi sáng suốt, vững tin vẽ truyền thần từ ký ức mẹ anh nên tác phẩm đã thành công ngoài sự mong đợi

 

Nhân vật trong truyện ngắn Trần Quốc Cưỡng chân phương, hồn hậu, được gắn kết bền chặt bởi những giá trị truyền thống. Văn của anh, vì thế, có tính giáo dục cao.

 

HUỲNH VĂN QUỐC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek