Vào ngày thứ năm của Đại lễ, một trong những công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được công nhận kỷ lục Guinness thế giới; nghề gốm Bát Tràng được tôn vinh, và các giai điệu lời ca đầy cảm xúc cất lên, lung linh những hình ảnh về Thủ đô nghìn tuổi.
Con đường gốm sứ lưu giữ dòng chảy lịch sử, dòng chảy văn hóa một cách sống động |
CON ĐƯỜNG GỐM SỨ ĐƯỢC CÔNG NHẬN KỶ LỤC GUINNESS THẾ GIỚI
Sáng ngày 5/10, tại chân cầu Long Biên đã diễn ra lễ khánh thành Con đường gốm sứ ven sông Hồng dài gần 3.950m, diện tích 7.000m2, với 21 trường đoạn tái hiện dòng chảy lịch sử Việt
Bà Beatriz Fernandez, Giám đốc pháp chế của Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới, phát biểu: “Tôi rất hân hạnh có mặt tại đây hôm nay để thẩm định kỷ lục cho danh hiệu Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới, đúng vào dịp Hà Nội đang tổ chức kỷ niệm 1.000 năm tuổi. Đây là công trình nghệ thuật công cộng rất ấn tượng bởi ngay từ khi được khởi động vào năm 2007, nó đã tập hợp được nhiều người, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, từ khắp thế giới tham gia”.
Ngay sau khi nhận bằng chứng nhận kỷ lục Guinness, nhà báo Nguyễn Thu Thủy đã đứng trong “vòng vây” của báo chí và truyền hình. Chị chia sẻ niềm vui, niềm tự hào của chị và cộng sự đã vượt qua khó khăn ban đầu để hoàn thành con đường gốm sứ, là món quà tặng đầy ý nghĩa dành cho 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
TRIỂN LÃM “NGHỀ GỐM BÁT TRÀNG - CỔ TRUYỀN VÀ HIỆN ĐẠI”
Chiều cùng ngày, tại làng Bát Tràng - ngôi làng cổ khoảng 500 tuổi nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 10km về phía đông nam, bên tả ngạn sông Hồng (trước đây thuộc tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Gia Lâm), triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng - cổ truyền và hiện đại” đã khai mạc. Với chủ đề Huyền thoại gốm, Hoa của đất, Hội nhập, Lan tỏa, triển lãm giới thiệu về lịch sử, quá trình hình thành, phát triển làng nghề từ thế kỷ XIV-XV đến nay, đồng thời giới thiệu nghề gốm sứ truyền thống của làng Bát Tràng. Triển lãm cũng tôn vinh các giá trị văn hóa, nghệ thuật, các nghệ nhân, thợ thủ công Bát Tràng thông qua các sản phẩm tinh xảo, độc đáo là kết quả của sự kết hợp giữa tâm hồn, sự sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa của người dân Bát Tràng qua các thời kỳ.
Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng không những nổi tiếng trong cả nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới từ năm 1990 như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước trong khối EU. Nhiều sản phẩm gốm cổ Bát Tràng đang được lưu trữ tại một số viện bảo tàng lớn trên thế giới như Viện bảo tàng Royaux - Bỉ, Viện bảo tàng Guimet - Pháp.
Các làng nghề gốm truyền thống Giang Cao, Kim Lan, Chu Đậu, Phù Lãng, Thổ Hà, Đông Triều, Hương Canh cùng tham gia triển lãm sẽ giới thiệu các sản phẩm đặc sắc của mình và chia sẻ kinh nghiệm làm gốm.
Đến với triển lãm, người xem được các nghệ nhân giới thiệu quy trình sản xuất đồ gốm từ khâu chọn đất, xử lý pha chế đất đến tạo dáng, tạo hoa văn, phơi sấy sản phẩm và sửa hàng mộc; kỹ thuật vẽ, chế tạo men, tráng men... Đặc biệt, họ còn được tự tay làm các sản phẩm và giữ sản phẩm làm kỷ niệm.
TRIỂN LÃM “NHỮNG TẤM LÒNG VỚI THĂNG LONG - HÀ NỘI”
Tại Cung văn hóa Hữu nghị, triển lãm “Những tấm lòng với Thăng Long - Hà Nội” đã khai mạc.
Từ tháng 6/2010, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội bắt đầu tiếp nhận tài liệu, hiện vật mừng Thăng Long - Hà Nội nghìn tuổi. Nhiều tổ chức, cá nhân đã hiến tặng cho Thủ đô những món quà thật ý nghĩa. Có những món quà rất đỗi bình dị mà chan chứa một tình yêu đối với Hà Nội - trái tim của cả nước. Có những tác phẩm đạt kỷ lục Việt Nam như công trình thủ công tinh xảo Chiếu dời đô của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, bức tranh thêu Cội xưa của Công ty TNHH Cội xưa, đôi rồng gốm sứ mô phỏng rồng thời Lý của các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng…
Tại Trung tâm Dạy nghề trẻ khuyết tật Quỳnh Hoa (huyện Thanh Trì), các cháu khuyết tật đã miệt mài hàng tháng trời cắt từng mảnh giấy làm bức tranh giấy nghệ thuật có hình ảnh đôi rồng thời Lý chầu vào biểu tượng Hà Nội để tặng Thủ đô. Có mặt tại Cung Văn hóa Hữu nghị trong dịp Đại lễ, các cháu khuyết tật trình diễn các thao tác làm tranh giấy nghệ thuật, trong đó có các công đoạn làm bức tranh rồng.
Những món quà từ tấm lòng đã được chính quyền và nhân dân Thủ đô ghi nhận, được trưng bày tại Cung Văn hóa Hữu nghị trong 10 ngày Đại lễ phục vụ khách tham quan. Được biết, sau khi bế mạc, tất cả những vật phẩm này sẽ được Ban tổ chức bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội tiếp tục bảo quản, trưng bày.
CHƯƠNG TRÌNH CA NHẠC HÙNG KHÍ THĂNG LONG - BÀI CA ĐẤT NƯỚC
20 giờ tối qua, tại sân vận động Hàng Đẫy đã diễn ra chương trình ca nhạc tổng hợp Hùng khí Thăng Long - Bài ca đất nước. Được dàn dựng như một câu chuyện, và Hà Nội sẽ hiện lên qua từng dòng ký ức với những năm tháng chiến tranh qua những ca khúc nổi tiếng như Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Tiến về Hà Nội...; một Hà Nội hào hoa thanh lịch với Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Khúc hát người Hà Nội (Trần Hoàn). Bên cạnh đó là hình ảnh của một Hà Nội hiện đại qua những ca khúc mới như Nồng nàn Hà Nội (Nguyễn Đức Cường), Bài ca ngàn năm Thăng Long (Song Nguyễn)…
YÊN LAN (tổng hợp)