Thông qua Nghị quyết tại kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO vừa diễn ra tại thủ đô của Brazil, đã công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội - Việt Nam là Di sản văn hóa thế giới. Đây cũng là di sản thế giới thứ 10 của Việt Nam và thứ 900 của thế giới.
|
Phát lộ Hoàng thành Thăng Long |
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được phát lộ vào ngày 24/9/2003 đã gây một chấn động lớn trong dư luận xã hội và nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đây cũng là một trong những sự kiện văn hóa trọng đại năm 2003 cho việc phát hiện khảo cổ. Một số di vật được trưng bày tại Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội và sau đó chuyển vào trưng bày tại Bảo tàng lịch sử TP Hồ Chí Minh được khách tham quan trong và ngoài nước đánh giá cao. Bộ Chính trị đã có một phiên họp vào ngày 1/11/2003 để bàn về sự phát hiện di sản văn hóa được giới khoa học và cả xã hội đặc biệt quan tâm này. Theo thông báo số 126-TB/TW ngày 5/11/2003, Bộ Chính trị đã quyết định cho phép Viện Khảo cổ học tiếp tục khai quật trên diện rộng. Từ tháng 12/2003 đến nay, đã khai quật trên diện tích hơn 19.000 m2. Khu vực khai quật hiện nay nằm về phía tây của điện Kính Thiên trong Hoàng Thành thời Lê Sơ. Rõ ràng đây là di tích của một phần phía tây Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng thế kỷ XI - XVIII, ngược lên thành Đại La thế kỷ VII - IX và kéo dài đến thành Hà Nội thế kỷ XIX. Khu di tích bộc lộ một bề dày lịch sử từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX gồm thời tiền Thăng Long, thời Thăng Long và Hà Nội. Các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau qua nhiều thời kỳ lịch sử một cách khá liên tục. Các di tích kiến trúc và một khối lượng rất lớn di vật cho thấy một phần quy mô và diện mạo của Hoàng thành cùng đời sống cung đình của vua quan, quý tộc qua các thời kỳ lịch sử. Tầng tầng lớp lớp di tích - di vật hiện lên như một bộ sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội phản chiếu trình độ và bản sắc dân tộc của một trung tâm văn hóa lớn nhất và lâu đời nhất của đất nước. Đây là quy mô khai quật khảo cổ học lớn nhất ở Việt Nam và cũng vào loại lớn nhất ở Đông Nam Á.
Từ năm 2006, được sự chỉ đạo Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là sự tham gia rất nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được bảo vệ, xếp hạng di tích quốc gia. Hồ sơ được đăng ký đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ tháng 9/2008 và chính thức đệ trình UNESCO từ tháng 1/2009, được UNESCO tiến hành các quy trình thẩm định chặt chẽ thông qua cơ quan tư vấn IOCMOS và đến nay đã được Ủy ban Di sản thế giới (gồm 21 nước thành viên) công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Những giá trị toàn cầu của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được ghi nhận bởi ba đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa, tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú. Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất và lâu đời nhất. Tại kỳ họp lần này, Ủy ban Di sản thế giới đã nhận 39 hồ sơ đề cử, trong đó có 8 đề cử di sản thiên nhiên, 29 đề cử di sản văn hóa và 2 đề cử di sản hỗn hợp. Ngoài ra, có 9 hồ sơ đề nghị mở rộng phạm vi và giá trị di sản (đã được công nhận trước đó).
Trước đó, Việt Nam mới chỉ có ba di sản văn hóa được công nhận danh hiệu này là kinh thành Huế (1993), đô thị cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn (1999). Bên cạnh đó là hai di sản thiên nhiên (vịnh Hạ Long và Phong Nha - Kẻ Bàng), bốn di sản văn hóa phi vật thể (nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, không gian văn hóa quan họ Bắc Ninh và ca trù). Việc khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới là món quà vô giá, sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với nhân dân Việt Nam và Thủ đô Hà Nội trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
VÂN ANH (tổng hợp)