Trong những năm gần đây, từ khi có Nghị quyết Trung ương V của Đảng ra đời, định hướng cho các văn nghệ sĩ và những nhà lãnh đạo cần phải bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện ngày càng nhiều chương trình hát tuồng, chèo, dân ca, cải lương... đến với công chúng. Ở Phú Yên đối với phong trào trên, nhiều địa phương cũng đã quan tâm.
Các diễn viên trong Câu lạc bộ tuồng TX Sông Cầu trên sân khấu - Ảnh: K.LONG
Ở Phú Yên, Phú Hòa là một huyện tuy mới thành lập, nhưng lãnh đạo ở đây hết sức quan tâm cho các loại hình nghệ thuật truyền thống, huyện đã thành lập Câu lạc bộ Tuồng cổ 10 tháng 5 do đồng chí Lê Hữu Phước, nguyên Phó Chủ tịch TX Tuy Hòa làm chủ nhiệm, chị Đào Thị Thu Sen, là một diễn viên tuồng trước đây, nhận nhiệm vụ chỉ đạo nghệ thuật. Câu lạc bộ khoảng 20 người, hầu hết là những nông dân, am hiểu nghệ thuật qua cách học truyền nghề, đã tự dàn dựng được các vở tuồng, đó là: “Ngũ hổ bình tây”, hai hồi; “Hộ sanh đàn”, hai hồi và “Mã Phụng Kiều cứu chúa” để mỗi lần có lễ, tết là đi phục vụ bà con. Mặc dù không có ai được đào tạo chính quy, có những người chưa từng lên sân khấu, thế nhưng với tấm lòng đam mê nghệ thuật, mong có được những tiếng vỗ tay tán thưởng, những lời khen ngợi của khán giả, anh chị em đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi để tập luyện mà không đòi hỏi tiền thù lao dù chỉ là một phần nhỏ so với các diễn viên chuyên nghiệp.
Trang trí, phục trang của CLB đến nay có tổng trị giá khoảng 5 triệu. Số tiền tuy không thấm vào đâu so với yêu cầu, thế nhưng với một câu lạc bộ cấp huyện mà được như thế là quá quý. Từ đầu năm 2010 đến nay CLB đã biểu diễn phục vụ nhiều đêm cho các xã trong huyện, đặc biệt là diễn cho nhân dân xã Hòa Trị, nhân ngày giỗ vị Thành hoàng mở đất Lương Văn Chánh. Qua các đêm diễn, CLB đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với người xem, có tác dụng giáo dục đạo lý rất lớn. Bài học ngàn đời của nhân thế là trung thắng, nịnh thua, ngay thành, gian bại. Những kẻ xảo trá, lọc lừa mặc dù tác oai tác quái nhưng kết cục chúng sẽ chuốc lấy những đau khổ, nhục nhã như Mã Hầu. Những người trung can, nghĩa khí như Thái úy, Mã Phụng Kiều trong vở “Mã Phụng Kiều cứu chúa” dù phải chịu nhiều cay đắng, gian nan nhưng tiếng thơm để lại muôn đời cho con cháu mai sau. Cái thần của các vở diễn là mặc dù chuyện xưa, nhưng chúng mang hơi thở của thời đại, cảnh tỉnh cho những ai đó nếu có sai lầm thì nên hổ thẹn với lương tâm mà lo tu sửa.
Một trong những huyện khá mạnh về văn nghệ quần chúng khác là huyện Đông Hòa, phong trào dân ca phát triển rất căn bản. Huyện đã quyết định thành lập Câu lạc bộ Đàn hát dân ca đến hàng trăm người, do chị Vũ Thị The, Phó phòng Văn hóa - Thông tin làm chủ nhiệm và anh Bình Thảng - Công an xã Hòa Hiệp Trung, nguyên trước đây làm diễn viên Đoàn Dân ca kịch Phú Khánh chỉ đạo nghệ thuật. CLB đã tự biên tự diễn nhiều chương trình tham gia hội diễn cấp tỉnh và các ngành đạt thành tích cao. Điều rất đáng khen ngợi là ở đây lực lượng học sinh tham gia câu lạc bộ rất đông, nhiều đêm các cháu đến nhà anh Bình Thảng để tập luyện chương trình. Mỗi lần có liên hoan ở các trường hoặc lễ tết đều sẵn sàng phục vụ. Tất cả các thành viên tham gia CLB đều tự nguyện, họ chỉ mong sao lời ca tiếng hát, tác phẩm của họ đến với quần chúng nhân dân, góp phần làm cho cuộc sống vui tươi, lành mạnh sau việc lao động hằng ngày.
Ngoài hai huyện nói trên còn có Chi hội Sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, đây là nơi tập hợp khá đầy đủ những người có tay nghề cao trong phong trào văn nghệ Phú Yên. Những năm qua, Chi hội Sân khấu đã gặt hái nhiều thành quả lao động nghệ thuật cấp quốc gia, cấp tỉnh, về sáng tác kịch bản, dàn dựng chương trình và tổ chức biểu diễn đưa sân khấu vào học đường. Hằng năm vào ngày 12/8 âm lịch, để tưởng nhớ công ơn những người sáng lập ra ngành sân khấu, Chi hội Sân khấu còn tổ chức cúng tổ khá hoành tráng, trang nghiêm. Kinh phí tổ chức chủ yếu là vận động tài trợ của các nhà hảo tâm. Chi hội Sân khấu đã thành lập Câu lạc bộ đàn hát dân ca, duy trì phục vụ nhiều năm tại sân khấu lộ thiên khu du lịch sinh thái Thuận Thảo.
Các huyện khác nói chung là có phong trào nhưng chỉ tổ chức theo thời vụ. Trong điều kiện ngày nay, đời sống kinh tế đã từng bước được nâng lên, cuộc sống đòi hỏi không chỉ có nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại, chữa bệnh, học hành... mà còn phải có cả vui chơi giải trí. Nghệ thuật truyền thống vừa là giải trí, vừa là bài học trong đối nhân xử thế hợp với truyền thống của người Việt
LÝ THÀNH (Theo VNPY)