Di tích Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương nằm trong đề án trùng tu tôn tạo di tích theo chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Qua ba lần trùng tu, quần thể di tích này vẫn còn một số hạng mục cần được tu bổ, xây dựng thêm, nhất là khi lễ kỷ niệm 400 năm Phú Yên và Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ 2011 đang đến gần.
Đền thờ Lê Thành Phương (xã An Hiệp, huyện Tuy An) cần được tiếp tục đầu tư nâng cấp - Ảnh: L.HẢO
Mộ và đền thờ Lê Thành Phương được xây dựng từ năm 1971 tại xã An Hiệp (huyện Tuy An), được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2006. Tính đến nay, công trình này đã ba lần được trùng tu vào các năm 2001- 2002, 2005 - 2007 và 2009, với tổng chi phí 973 triệu đồng. Các hạng mục được nâng cấp gồm: khu mộ, đền thờ, khu vệ sinh, hàng rào, điện nước, cải tạo khu đất dành cho việc tổ chức mít tinh và các hoạt động vui chơi giải trí. Nhờ đó, quần thể di tích này đã khang trang hơn trước. Khu vực mộ có tường rào bao quanh, có bia tưởng niệm khắc trên đá granit. Khu vực đền được sơn sửa, quét vôi. Nhà trưng bày được bổ sung thêm hiện vật phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách.
Tuy nhiên, nhiều người trong tỉnh, nhất là ở huyện Tuy An, cho rằng quy mô của di tích Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương chưa xứng tầm với uy danh của một chí sĩ Cần Vương yêu nước. Hiện tại, di tích chưa có người trông coi ổn định. Anh Phan Văn Tánh, cán bộ văn hóa xã An Hiệp, người được giao nhiệm vụ giữ đền, cho biết: “Vì tôi còn phải kiêm nhiệm quá nhiều việc nên công việc quản lý, chăm sóc di tích, hương khói ở đền thờ không tránh khỏi chểnh mảng. Hàng tuần, tôi chỉ có thể đến đây quét dọn hai lần”. Thỉnh thoảng, người dân “tận dụng” sân đền để phơi… phân gia súc, gây mất mỹ quan. Bên cạnh đó, hàng rào xung quanh di tích, một trong những hạng mục được đầu tư xây dựng, chỉ mới là hàng rào dây thép gai tạm bợ. Người dân và gia súc thường xuyên qua lại trong khu vực đền làm giảm sự tôn nghiêm của di tích.
Bà Lê Thị Côi, cháu ngoại 4 đời của cụ Lê Thành Phương nói: “Dòng họ tôi neo người, lại ở xa nên không cắt cử được người phụ giúp trông coi, chăm sóc mộ và đền thờ cụ tổ. Tôi mong các cấp chính quyền cử ra một người thường xuyên hương khói cho cụ, đồng thời thay mới những đồ đạc đã quá cũ, chỉnh trang lại bên trong đền cho bài bản hơn”.
Bên cạnh hiện trạng đáng quan tâm trên, nhiều người còn băn khoăn về việc đường lên mộ bị xói lở, gập ghềnh, hư hỏng nặng do đợt bão lũ năm 2009. Vì thiếu kinh phí nên địa phương chỉ san lấp tạm thời. Mặc dù nằm rất gần quốc lộ 1A nhưng đường vào di tích hoàn toàn không có một biển chỉ dẫn, gây khó khăn cho du khách khi muốn đến viếng mộ và đền thờ Lê Thành Phương.
Ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Phú Yên cho biết: “Trong số các di tích lịch sử ở Phú Yên, Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương là một trong những nơi được ngành Văn hóa quan tâm đầu tư tu bổ, nâng cấp nhiều nhất. Thế nhưng người dân vẫn muốn di tích này bề thế hơn so với hiện nay. Chúng tôi rất tôn trọng và tiếp thu ý kiến của người dân. Nhu cầu của người thân cụ Lê Thành Phương cũng chính là mong muốn của các cơ quan chuyên môn nhưng việc gì cũng cần có thời gian. Điều 34, Luật Di sản Văn hóa quy định: “Việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải được xây dựng thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải bảo đảm giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích”. Vì vậy, việc thêm bớt bất cứ một chi tiết nào trong quần thể di tích đều phải cân nhắc”. Theo ông Phan Đình Phùng, hướng sắp tới của sở là tiếp tục mở rộng, khoanh vùng di tích, tu bổ khu vực đền. Tuy nhiên, ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn, kinh phí Nhà nước cấp cho việc bảo tồn di tích có hạn và phải chia sẻ với nhiều di tích khác nên cần tính toán đầu tư theo thứ tự ưu tiên.
LÊ HẢO