CÂU 9: Ngày 22/10/2009, phiên họp Đại hội đồng lần thứ 35 của Tổ chức Giáo dục- Khoa học- Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) với sự tham dự của đại diện 193 nước thành viên đã thông qua Nghị quyết tham gia Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Trước đó, năm 1999, tổ chức này đã tặng cho Hà Nội danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Anh (chị) nêu ý nghĩa của sự kiện này ?
*Nội dung gợi ý trả lời:
Ngày 22/10/2009 trong khuôn khổ phiên họp Đại hội đồng lần thứ 36 của tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), đại diện 193 nước thành viên đã thông qua nghị quyết tham gia Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội (1010-2010).
Cùng với Hà Nội, UNESCO cũng sẽ tham gia lễ kỷ niệm 1000 năm thành phố YAROSLAV của Liên bang Nga và 1300 năm cố đô NARA HEIJO-KYO của Nhật Bản.
Đây là vinh dự lớn lao đối với Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng của nhân dân Việt
Tin vui này cùng với sự kiện Việt Nam được bầu vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2009-2013 chứng tỏ sự công nhận của cộng đồng Quốc tế đối với vị thế, vai trò và những đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với các hoạt động của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc.
Trước đó 10 năm, ngày 16/7/1999, Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã phong tặng Thủ đô Hà Nội danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Sự kiện này là một vinh dự lớn cho không riêng người dân thủ đô mà cả mọi người dân sống trên đất nước Việt
- Thủ đô Hà Nội- “Thành phố vì hòa bình” ngày nay là sự tiếp nối truyền thống đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm Thăng Long-Hà Nội. Trong lịch sử tồn tại của mình, Hà Nội đã chiến đấu và chiến thắng nhiều thế lực ngoại xâm Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh rồi Pháp, Mỹ. Một đặc điểm nổi bật là mỗi lần chiến thắng ngoại xâm, Hà Nội càng ý thức bảo vệ hòa bình, bảo tồn văn hóa. Thăng Long-Hà Nội, trái tim của cả nước, là nơi chung đúc ý nguyện hòa bình của cả dân tộc nên ngay trong bản tuyên ngôn độc lập Kinh đô mới- bài Chiếu dời đô-Lý Công Uẩn đã nhấn mạnh ý nguyện là tạo dựng một nơi đô hội để bốn phương sum họp làm ăn. Và có lẽ không đâu lại có một truyền thuyết đẹp về ý nguyện hòa bình của dân tộc ta và nhân dân Thủ đô như truyện Vua Lê và hồ Hoàn Kiếm. Tổ tiên ta cầm gươm chỉ để bảo vệ nền độc lập, chính nghĩa đã lay chuyển đất trời khiến cho thần linh phải trao gươm báu để đánh giặc. Đến khi quét sạch ngoại xâm ra khỏi bờ cõi thì đem gươm trả lại thần linh để cày cuốc mà xây dựng đời sống thanh bình. Thật là một cảm quan hướng về hòa bình một cách độc đáo, có một không hai. Để mong muốn nền hòa bình dài lâu, vua Lê đã tha chết cho hàng vạn quân Minh thông qua Hội thề ở cửa nam thành Đông Quan, một hòa đàm trên thế mạnh biểu hiện ý chí hòa bình của cả dân tộc. Nhưng để bảo vệ hòa bình, khi kẻ thù ngoan cố muốn dồn chúng ta vào kiếp nô lệ thì dân tộc ta, nhân dân Thủ đô phải bất đắc dĩ cầm vũ khí đứng lên hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch đánh giặc: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới…”.
- Phát huy truyền thống hòa bình, Hà Nội ngày nay đang nỗ lực hết mình để làm chiếc cầu nối hữu nghị với bạn bè năm châu. Hà Nội là nơi tập trung các cơ quan Trung ương, các Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế. Hà Nội hiện nay có quan hệ với 60 thủ đô và thành phố của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới… Hà Nội cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của cả nước, nơi hồn thiêng sông núi hội tụ, “với thế rồng cuốn hổ ngồi”. Hà Nội đã và đang phấn đấu để trở thành một thành viên hiện đại, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại, du lịch và dịch vụ phát triển, xứng đáng là trái tim của cả nước, một điểm hẹn lý tưởng của bạn bè quốc tế trong quá trình hội nhập, một thành phố Hòa Bình, Hà Nội luôn là quê hương, là một phần không thể thiếu trong tim, trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta.
(Còn nữa)