Từ ngày 21 - 28/5, tại gallery Lotus (TP Hồ Chí Minh) diễn ra triển lãm mang tên Hà vẽ của họa sĩ Nguyễn Ngọc Hà, người từng là lính Trường Sơn. Triển lãm trưng bày 27 bức tranh sơn dầu chỉ vẽ một loài hoa duy nhất: hoa chuối rừng.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Hà sinh vào một ngày thật đặc biệt - ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), hiện làm việc tại UBND quận Hoàn Kiếm - Hà Nội. Đến với hội họa khá muộn (năm 1998), Nguyễn Ngọc Hà cầm cọ nhờ sự động viên của… vợ. Lúc đầu, ông vẽ đủ đề tài nhưng sau chỉ tập trung vào hoa chuối rừng. Trong một dịp, vợ ông đi Tuyên Quang về mang theo hoa chuối rừng để trưng trong nhà, ngắm hoa chuối bỗng nhiên kỷ niệm một thời ùa về trong ông. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Hà kể: “Năm 1964, gia đình tôi rời Hà Nội để đi kinh tế mới trên Lai Châu. Những năm tháng ấy gian khó lắm, tôi nhớ mỗi bữa cơm toàn ngô, sắn và hoa chuối. Nên vẽ hoa chuối rừng cũng là vẽ về ký ức một thời đã để lại ấn tượng sâu nặng trong tôi”. Khi vào bộ đội Trường Sơn, hoa chuối rừng cũng thành một phần ký ức khó quên của chàng lính trẻ Nguyễn Ngọc Hà. Ông hồi tưởng, rừng hoa chuối nở sáng bừng như một câu thơ của Tố Hữu: “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Hà
Sau này, mải lo công việc, ngỡ rằng màu hoa chuối rừng đã nhạt phai trong tâm hồn người họa sĩ sinh vào ngày, tháng, năm “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”. Nhưng ký ức, lại là ký ức đẹp, chỉ nằm yên đợi ngày bừng tỉnh dậy. Năm 2009, triển lãm về hoa chuối rừng gồm 36 họa phẩm của Nguyễn Ngọc Hà đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Ngọc Hà nhưng nhận được nhiều sự đánh giá đầy trìu mến của đồng nghiệp và các nhà phê bình mỹ thuật, trong đó có nhận xét đầy ưu ái của họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Xét ở góc độ “thị trường”, hoa chuối rừng của Nguyễn Ngọc Hà thuộc loại “bán được”, cũng phần nào minh chứng cho sức sống của loài hoa rừng này khi vào tranh của ông.
Một tác phẩm mỹ thuật về hoa chuối rừng của họa sĩ Nguyễn Ngọc Hà
Không nhiều người biết Nguyễn Ngọc Hà cầm cọ do tự học mà thành. Ông học vẽ tranh qua sách vở và tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy. Trong đó, có việc ông “luyện cọ” bằng cách chép tranh của các danh họa như Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân. Có những bức tranh của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Ngọc Hà chép nhuyễn đến độ nhiều đồng nghiệp không tin do ông chép. Ở ta, có nhiều họa sĩ khởi nghiệp bằng nghề chép tranh để rồi họ bứt phá ra khỏi cái bóng của những kiệt tác để tìm được chính mình. Với Nguyễn Ngọc Hà, ông chép tranh nhằm học cái hay, cái đẹp trong các kiệt tác của những bậc thầy. Để bây giờ, ông chỉ chuyên đi tìm vẻ đẹp của hoa chuối rừng, một hướng đi được nhiều “đàn anh” khuyến khích.
TRẠC TUYỀN