Phong thái lịch lãm và mái đầu bạc trắng như cước là ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp Nhà giáo ưu tú, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Dù đã ở tuổi 80 nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn và hào hứng khi nhắc tới những cuốn sách, bài viết mà cả đời ông đã tâm huyết dày công nghiên cứu về Hà Nội - Thăng Long ngàn năm văn hiến...
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc - Ảnh: BẠCH DƯƠNG
* Có thể nhiều người chưa biết ông là một nhà giáo, nhưng nhà Hà Nội học là một nghệ danh gắn liền với tên tuổi của ông. Vậy ông trở thành Nhà Hà Nội học như thế nào?
- Tôi vốn là giáo viên tư thục, dạy được nhiều môn xã hội và tiếng Pháp. Tôi có thói quen trước khi lên bục giảng, phải hiểu tường tận những gì mình sẽ truyền đạt cho học trò. Mà trong sách giáo khoa những năm 50 có nhiều điểm tôi chưa bằng lòng nên tôi đã mày mò tìm hiểu đến tận cùng của vấn đề. Quá trình đó dẫn tôi đến với “tình yêu Hà Nội” và lịch sử, con người Hà Nội... đã trở thành những chủ đề tâm huyết của tôi. Hơn 30 năm dạy học, tôi soạn nhiều sách về địa lý, lịch sử, văn học. Cho đến nay, tôi đã chủ biên nhiều công trình khoa học, viết hàng trăm bài cho các báo, tạp chí và in tới vài chục đầu sách. Năm 1979, sau khi cuốn sách Đường phố Hà Nội ra đời, có lẽ bạn đọc cho rằng tôi đã am hiểu sâu sắc về Hà Nội, nên yêu mến gọi tôi là nhà Hà Nội học - một danh xưng dân gian mà đối với tôi thật xiết bao ưu ái.
* Trong những tác phẩm ông viết về Hà Nội, sức hấp dẫn của nó không chỉ ở bề rộng mà còn ở độ sâu, mức độ tin cậy của kiến thức. Ông có thể nói thêm về những tác phẩm ấy?
- Qua những cuốn sách mà tôi tâm đắc như Đường phố Hà Nội, Hà Nội qua những năm tháng, Hà Nội con đường dòng sông và lịch sử, Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn..., tôi đã cung cấp các thông tin về Hà Nội một cách chính xác, dễ nhớ, dễ hiểu. Bởi tôi đã gắn bó, tìm hiểu từng ngóc ngách của Hà Nội, chọn cho mình phương pháp nghiên cứu kết hợp liên ngành và đa ngành, luôn coi trọng tính lôgic, tính khoa học, hệ thống trong trình bày và phân tích. Tôi muốn đem đến cho người đọc một cái nhìn toàn diện, mới mẻ, thú vị, hấp dẫn về Hà Nội. Đó chính là vẻ đẹp duyên dáng, thanh lịch, thông minh... của người Hà Nội, vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của cảnh quan thiên nhiên, lịch sử của các công trình kiến trúc đình, chùa, phố phường cổ kính, rồi những điều chưa biết về làng nghề, phố nghề, lễ hội dân gian... trên đất kinh kỳ.
Quê gốc của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Vinh Phúc ở Hưng Yên, nhưng ông sinh ra ở Hà Nội. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông xung phong làm tự vệ thành ở thủ đô rồi vào bộ đội Liên khu 4 từ năm 1948 đến 1950. Từ 1950 đến 1954, ông giảng dạy ở các trường trung học tại Ninh Bình và Thanh Hóa, sau đó chuyển về Hà Nội dạy ở Trường cấp 3 Khai Thành, Thăng Long và chủ yếu là Trường Lý Thường Kiệt. Ông được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1988.
* Yêu và say mê Hà Nội, chắc chàng trai tài hoa Nguyễn Vinh Phúc ngày nào cũng được những bóng hồng Hà Nội đắm say?
- Những năm 60, khi tôi tìm hiểu về lễ hội Láng - một lễ hội hàng đầu của Thăng Long - Hà Nội, tôi đã được một bà hàng nước kể cặn kẽ về lễ hội Láng, sau đó cho con gái dẫn tôi đi khảo cứu một số địa danh và phỏng vấn người dân trong làng. Cô ấy khoảng 25 tuổi, xinh xắn và rất thông minh nhưng chưa lấy chồng. Sau hai tuần làm việc với cô, lúc chia tay cô đọc tôi nghe câu ca về sông Tô Lịch: “Lộ đồ giao viễn xa khơi/ Thuyền tình thêm một mình tôi nặng gì?” và hỏi tôi ý nghĩa của cụm từ “Lộ đồ gia viễn”. Khi tôi nói đó là “đường xá xa xôi”, cô ngước đôi mắt đen thăm thẳm nhìn tôi và hỏi tiếp: “Thế Hà Nội vào đây có gia viễn lắm không?”. Tôi chợt cảm nhận được tình cảm của cô ấy dành cho mình, nhưng lúc đó tôi đã có gia đình nên đành tạm biệt, mặc dù cũng ít nhiều lưu luyến.
* Ông có thể kể một chút về người bạn đời và gia đình của mình?
- Năm 22 tuổi, tôi gặp nhà tôi tại Thanh Hóa, bà ấy là cháu nội cụ Trần Xuân Soạn, và bị ngay vẻ đẹp thánh thiện của bà chinh phục. Trong kháng chiến chống Pháp tôi cứ đi biền biệt, một tay bà lo toan cho gia đình. Hòa bình lập lại, về thủ đô, bà làm kế toán cho mậu dịch tới lúc về hưu. Chúng tôi sinh được 5 người con. Thời bao cấp, cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn, bà vẫn tần tảo giật gấu vá vai chăm lo cho chồng con. Chúng tôi đều thống nhất dạy con nghiêm khắc, phải có tính trung thực, nhân hậu, yêu lao động, khi ăn phải mời, con gái ngồi đầu nồi, so đũa cho mọi người, ứng xử với hàng xóm “một sự nhịn là chín sự lành”... Chính vì thế, gia đình tôi vẫn giữ được nề nếp gia phong, các con tôi đều thành đạt. Đặc biệt, bà còn là một trợ lý đắc lực của tôi trong việc sắp xếp tài liệu khi tôi nghiên cứu về Hà Nội; có những tập bà cất kỹ đến nỗi giờ tôi vẫn… chưa tìm ra. Bà mất đi là một tổn thất lớn đối với tôi và gia đình.
* Là người sống qua hai thế kỷ, hiểu và thuộc đường phố Hà Nội như lòng bàn tay, ông cảm nhận thế nào trước sự thay da đổi thịt của Hà Nội trong thời kỳ kinh tế mở?
- Đúng là so với Hà Nội của thuở gồng gánh, xe tay, cốm Vòng... thì Hà Nội ngày nay có rất nhiều thay đổi cả về vật chất lẫn tinh thần. Công cuộc hiện đại hóa sẽ nâng tầm vóc thủ đô lên tầm cao mới, nhưng đây là cả một chặng đường dài và vấn đề này có hai mặt.
Khi thị trường bung ra nhanh chóng cộng với giao lưu quốc tế mạnh mẽ, hàng năm có rất nhiều người tứ xứ nhập cư vào Hà Nội... thì song song với những mặt tốt, còn có nhiều thứ lộn xộn đang tràn ngập đe dọa các giá trị đẹp đẽ vốn có của nếp sống thủ đô. Đâu đó vẫn còn cảnh đường phố bị đào bới nham nhở, những ngôi nhà xây vượt quá phép phá hỏng cảnh quan văn hóa... Và trong một số gia đình gia phong, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng. Hiện tượng trộm cắp, nghiện hút... không phải là hiếm.
Người Hà Nội cần chắt lọc những tinh hoa của thời hiện đại. Tôi rất mong Nhà nước sớm xây dựng bộ môn Hà Nội học, để giáo dục lại nếp sống Hà Nội xưa cho lớp trẻ thủ đô. Nên nhớ, đạo đức là bạn đồng hành với văn hóa. Mặc cho con tạo xoay vần, tôi vẫn tin cái tinh hoa, thanh lịch dù có bị nhất thời che lấp nhưng nó vẫn đang được ấp ủ, giữ gìn trong tâm thức của số đông người Tràng An.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện rất thú vị này!
BẠCH DƯƠNG (thực hiện)