Từ lâu, tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt và Lễ hội Đền Hùng trở thành lễ hội văn hóa lớn nhất cả nước. Qua Lễ hội Đền Hùng 2010, một lần nữa hệ giá trị tinh thần này được khẳng định. Chúng ta có thể tin tưởng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận “Tín ngưỡng và Lễ hội Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ được hoàn thành đúng thời hạn và sớm được thế giới tôn vinh.
Lễ hội Đền Hùng năm 2010
Bằng chứng sinh động để khẳng định hệ tín ngưỡng thờ Hùng Vương là hơn 80 triệu con Lạc cháu Hồng sinh sống trên dải đất hình chữ S đã lập tới 1.417 di tích thờ các Vua Hùng, rồi tổ chức lễ hội hằng năm để bày tỏ tấm lòng tri ân tiên tổ. Hơn thế, trước anh linh 18 vị Vua Hùng trên đất Phong Châu, dù là người Việt Nam hay khách quốc tế đều trào dâng một cảm xúc thiêng liêng. Như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết trong sổ lưu niệm Bảo tàng Hùng Vương: “Về đây, thắp nén hương tưởng nhớ các Vua Hùng, lại thấy bâng khuâng khó tả, lại nhắc nhớ về một cội nguồn oanh liệt mãi mãi là niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Việt Nam...”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban UNESCO của Việt Nam, UBND tỉnh Phú Thọ, UBND TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành địa phương liên quan xây dựng để trình UNESCO các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể: tín ngưỡng thờ Vua Hùng và nghệ thuật đờn ca tài tử. Thực tế, tín ngưỡng thờ Hùng Vương là đỉnh cao tâm thức dân tộc và Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa lớn của quốc gia. Ý nghĩa tâm linh trẩy hội về Đền Hùng đã được ghi sâu vào nếp nghĩ và sinh hoạt trong đời sống tinh thần người Việt. Đây chính là cội nguồn thiêng liêng, nơi khơi dậy tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cả dân tộc phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương và Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa tâm linh lớn nhất trong toàn quốc. Với ý nghĩa cao đẹp đó, từ năm 2000, Bộ Chính trị đã quyết định những năm chẵn (5 năm một lần) Lễ hội Đền Hùng được tổ chức theo nghi thức Quốc giỗ.
Theo kế hoạch, hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận “Tín ngưỡng và lễ hội Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể sẽ hoàn thành trước 31/8/2010.
Với sự kiện đề cử “Tín ngưỡng và Lễ hội Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại, Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam đánh giá: “Trên thế giới chưa có đất nước nào có tín ngưỡng thờ Tổ như Việt Nam. Do đó, tôi tin hồ sơ độc đáo này sẽ thuyết phục được các thành viên Hội đồng UNESCO thế giới. Ủy ban UNESCO Việt Nam và UNESCO Hà Nội sẽ đồng hành với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng xong hồ sơ trước ngày 31/8 năm nay”.
Khẳng định về giá trị của tín ngưỡng và Lễ hội Đền Hùng, GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: “Vua Hùng đã trở thành một biểu tượng, mà biểu tượng thì còn cao hơn cả sự kiện, mang tính tâm linh thống nhất của quốc gia. Dân tộc Việt
Với vai trò là người tham gia lập hồ sơ, ông Nguyễn Tiến Khôi - Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho hay: Việt Nam có nhiều di tích thờ Vua Hùng, gia quyến và tướng lĩnh nhưng tập trung nhiều nhất ở khu di tích núi Hùng (hay núi Nghĩa Lĩnh) thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương và các địa phương phụ cận như TP Việt Trì, huyện Phù Ninh, Lâm Thao. Đó là điều rất thuận tiện trong việc nghiên cứu, điều tra và khảo sát để lập hồ sơ. Ngoài ra, những hình ảnh, hoạt động phong phú tại Lễ hội Đền Hùng năm 2010 sẽ là những luận chứng sinh động chứng minh giá trị nổi bật của tín ngưỡng và Lễ hội Hùng Vương, đồng thời khẳng định di sản độc đáo này đã, đang và mãi mãi được Việt Nam trân trọng giữ gìn.
Với những giá trị có một không hai trên, hy vọng hồ sơ “Tín ngưỡng và Lễ hội Hùng Vương” sẽ được thế giới tôn vinh vào năm 2011.
Y.LAN (tổng hợp)