Việt Trì - vùng đất có ba dòng sông lớn là sông Hồng, sông Đà và sông Lô chảy qua và hội tụ. Chính thế đất “tụ thủy” nên Việt Trì đã được tổ tiên người Việt lựa chọn trở thành đất phát tích cội nguồn của dân tộc Việt
Dâng lễ vật lên các Vua Hùng - Ảnh: N.HUY |
Nói đến Phú Thọ, con Lạc cháu Hồng dù ở miền xuôi hay miền ngược, ở hải đảo hay ở đất khách quê người ngàn trùng xa cách cũng đều rất đỗi tự hào cất lên hai tiếng thiêng liêng: Đất Tổ.
Là đất cội nguồn phát tích của dân tộc Phú Thọ ẩn chứa 3 nền văn hóa cổ xưa độc đáo, đó là văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun. Văn hóa khảo cổ học Phùng Nguyên (làng Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao) là khởi thủy của nền văn minh sông Hồng, từ lâu đã được người ta biết đến. Từ những cổ vật thu được qua các đợt khai quật ở Phùng Nguyên, người ta đã khẳng định cư dân Phùng Nguyên từ mấy ngàn năm trước đã có trình độ điêu luyện mang tính thẩm mỹ cao trong việc chế tác công cụ và các đồ trang sức bằng gốm, đá, xương, sừng; nhất là chế tác đồng làm công cụ. Theo đánh giá của các chuyên gia, những hiện vật bằng đồng đã cho thấy nét đặc trưng tiêu biểu của một nền văn hóa khảo cổ không chỉ của Việt Nam mà còn là tài sản ghi nhận bước tiến hóa chung của loài người khu vực Đông Nam Á. Đó là sự mở đầu cho thời đại đồng thau ở Việt Nam, nó đặc biệt có ý nghĩa mở ra một nền văn hóa mới - văn hóa Đông Sơn, hay còn gọi là văn hóa Hùng Vương. Riêng ở quanh Đền Hùng đã phát hiện được 40 di tích cùng niên đại Phùng Nguyên, hay còn gọi là các di tích Phùng Nguyên ở xóm Rền, Gò Diễn (huyện Phù Ninh), gò Con Lợn, Gót Rẽ, Gò Nghệ, Gò Dạ, Gò Đường, gò Con Cá, Thành Dền (huyện Lâm Thao), Gò Chè, Gò Bông, xưởng chế tác đá Hồng Đà, Gò Chon (huyện Tam Nông)…
Sau văn hóa Phùng Nguyên là văn hóa Đồng Đậu cách nay trên dưới 3.500 năm. Tiến xa hơn thời kỳ trước, cư dân ở đây đã biết luyện kim và chế tác đồng thau làm ra rìu, giáo, lao, mũi tên, lưỡi câu, búa đồng… Những dấu tích của nền văn hóa Đồng Đậu đã tìm thấy ở khu vực Đền Hùng, Việt Trì. Văn hóa Gò Mun (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao) có niên đại cách ngày nay trên dưới 3.000 năm. Bằng việc nghiên cứu khảo cổ người ta thấy rằng thời kỳ này cư dân đã sống tập trung đông đúc hơn, nghề đúc đồng phát triển và việc sử dụng đồ đồng đã đóng vai trò quan trọng so với đồ gốm và đồ đá. Kỹ thuật đúc đồng đạt tới độ điêu luyện hơn so với giai đoạn trước. Chính nhờ vậy mà các sản phẩm từ đúc đồng như mũi tên, rìu, giáo, lao, búa, liềm, tượng, vòng tay, lục lạc, trâm cài phong phú hơn, tinh xảo hơn. Những hiện vật của các nền văn hóa khảo cổ trong mỗi giai đoạn lịch sử đã khắc họa nên bức tranh sống động về đời sống con người thời kỳ đó.
Tìm hiểu văn hóa văn minh thời đại Hùng Vương từ các yếu tố tự nhiên của Phú Thọ gắn với miền đất cội nguồn, đất phát tích của dân tộc chứa đựng trong đó huyền thoại và lịch sử về một nhà nước đầu tiên, kinh đô đầu tiên. Các địa danh như Tiên Cát, Minh Nông, Dữu Lâu, Lầu Thượng, Lầu Hạ, Mộ Xy, Bảo Đà, Hương Trầm, Thậm Thình, Cẩm Đội vẫn còn nguyên tên gọi. Các truyền thuyết, sự tích: Hùng Vương kén rể, dạy dân cấy lúa, Vua Hùng đi săn, sự tích bánh chưng, bánh dày và Hoàng tử Lang Liêu được truyền ngôi, tích rước chúa gái về nhà chồng, hội bơi chải trên sông Lô, làn điệu hát xoan, hát ghẹo... Cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã từng nhận định: “Huyền thoại và lịch sử trên đất này đan quyện khó có thể biết đâu là thực, đâu là mơ” khiến cho nơi đây càng thêm hấp dẫn”. Đã có nhiều các nhà khoa học, nhà văn hóa để tâm nghiên cứu văn hóa vùng đất Tổ, tìm ra những nét riêng biệt về tập quán sinh hoạt cộng đồng, ngành nghề thủ công, đời sống vật chất, tinh thần, tín ngưỡng của cư dân Lạc Việt. Từ những cuộc kiếm tìm đó đã phát hiện xung quanh Núi Hùng còn tới 50 làng cổ và vượt ra ngoài phạm vi đó có tới trên 20 làng cổ khác mang những dấu ấn của thời đại Hùng Vương.
Văn hóa khảo cổ, văn hóa vật thể, phi vật thể thời đại Hùng Vương hòa quyện và kết tinh đã làm cho văn hóa vùng đất Tổ thêm rực rỡ và làm nên vẻ đẹp tiềm ẩn hấp dẫn du khách trong các hành trình về thăm quê hương Phú Thọ.
LÊ THĂNG