“Hết mưa lại nắng trên đầu
Phải chăng định mệnh chờ nhau lưng trời
…
Thôi thì dân dã làm người
Thôi thì quân tử níu trời làm thơ”
Đó là những câu trong bài Níu trời làm thơ trích từ tập Tóc người cỏ rối của tác giả Đinh Tùy Thanh. Quả thật, tôi rất thích tựa đề một số bài thơ của ông, vì nó rất gợi ý thơ: Tóc người cỏ rối, Vẫn là lục bát, Trăng treo phía gió, Neo bến sông Chùa, Níu trời làm thơ, Lòng còn rụng lá, Dạt bờ cổ tích... Thật là thú vị khi bạn đọc biết ông vốn là kỹ sư nông nghiệp, hiện làm quản lý một ngành cũng chẳng mấy liên quan nhiều đến thơ, vậy mà tâm hồn ông vẫn mềm mại cùng nàng thơ đa sầu đa cảm và nhiều khi... đỏng đảnh thất thường!
Tóc người cỏ rối là tập thơ thứ hai của tác giả Đinh Tùy Thanh. Ở tập này, một lần nữa lại thấy tác giả là người dù công tác ở lĩnh vực nào cũng không dễ gì dứt bỏ duyên thơ. Một tên đất, tên sông, một nỗi niềm thế sự, một bóng hình thấp thoáng trong đời... đều tự nhiên đi vào thơ ông, để rồi có khi hóa thành men say, cũng có khi chỉ là một lát cắt đơn thuần ghi lại những cảm xúc thoáng qua.
Thơ Đinh Tùy Thanh làm bất ngờ người đọc ở những gì mong manh, khó nắm bắt, nhưng cảm giác lại là rất thật:
“Tưởng đã xa vời
Những ngày thơ dại
Giữa lưng chừng trời
Tóc người cỏ rối”.
(Tóc người cỏ rối)
“Không em
Nhà rộng thêm hoang vắng
Lạnh tiếng thạch sùng - lạnh tiếng mưa”
(Vắng)
Quả thật, từ ”lạnh” đặt ở đây đã chạm vào nỗi cô đơn của con người, sự trống vắng của không gian, và nhất là chạm vào một tâm hồn thi sĩ...
Còn đây là những câu đằm thắm:
“Tôi từng uống phù sa hương sữa mẹ
Điệu đưa nôi mang năm tháng đi xa
Để muôn thuở nồng nàn câu hát cũ
Ru một đời dịu ngọt nước sông Ba”.
Với những điều tiếc nuối, thơ Đinh Tùy Thanh đắm đuối với kỷ niệm đã qua, lại càng xao động với chính lòng mình. Những xao động đẹp, đáng yêu, đưa người đọc trở về với một không gian riêng đầy tâm trạng:
“Con tàu lỡ chuyến sông xưa
Bao giờ lại được tiễn đưa một người!
Hết thu lá hết mùa rơi
Lòng còn rụng lá tơi bời bấy lâu”.
(Lòng còn rụng lá)
Cũng với cảm xúc này, tác giả như nhập cuộc vào hình bóng xưa bằng cảm giác vượt cả không gian và thời gian:
“Ngày xa
chưa gặp đã mong
Bờ vai đắng ngọt gánh sông vơi đầy”
Câu thơ giàu hình ảnh và giàu cảm giác đã đọc một lần là khó lòng quên được. Thử làm một phép đổi chữ: Bờ vai trĩu nặng... Hơi cũ, đọc xong là quên ngay. Hoặc: Bờ vai chai sạn... Có đỡ hơn một chút, nhưng vẫn chưa tạo được ấn tượng bằng “đắng ngọt”. Một cuộc đời với biết bao vui buồn sướng khổ đều nằm ở đó.
Ở một bài khác, từ ”đắng ngọt” vẫn được tác giả sử dụng. Tuy nhiên, giá trị biểu cảm của từ này lại hòa lẫn vào những từ khác trong câu. Và ở đây, “điểm nhấn” lại nằm ở toàn bài:
“Vẫn là lục bát đó em
Chuyện xưa gác lại đừng tìm ngày xưa
Phận người giăng mắc mây mưa
Tháng năm sương gió vẫn chưa nguôi tàn
Dòng trôi trong đục bẽ bàng
Để thương để nhớ thu vàng những thu
Sông Tương vẫn đợi mưa Ngâu
Người tình rớt lệ ướt câu thơ tình
Tình yêu đắng ngọt chân thành
Nên câu lục bát vẫn xanh đến giờ.”
(Vẫn là lục bát)
Cũng như nhiều người làm thơ khác, tác giả cũng “dại khờ” vì những hình bóng đã qua, vì “nàng thơ”, vì cái đẹp, để rồi:
“Anh còn mê muội làm thơ
Mãi còn như thế dại khờ vì em
Khi nào ngừng đập con tim
Thì thôi da diết đi tìm ngày xưa”.
Đa tình, đa cảm là vậy; nhưng khi gặp những “sự đời”, tác giả cũng đa đoan không kém. Thơ lúc này không còn chỗ cho sự trau chuốt, mà nhường lại cho những lời bộc trực nhiều khi đến chạnh lòng: “Trẻ xanh-già bạc-tự nhiên/Già xanh trẻ bạc ưu phiền lắm ru/Dò sông dễ biết nông sâu/Dò người ai biết từ đâu mà dò/Sự đời trăm mối âu lo/Hồn nhiên để bớt ốm o gầy còm/Xưa nay nước chảy đá mòn/Nhân tình thế thái vẫn còn trơ trơ.”
Hoặc như:
“Lọc đi cho hết ưu phiền
Lọc đi cho cuối giọt buồn mà vui
Đời ư ta trách chi đời
Yêu thương đâu dễ cho người thương yêu...”
(Giọt cà phê)
Nói thì nói vậy, “...đâu dễ cho người thương yêu” mà vẫn cứ phải thương phải yêu, phải buồn phải giận, bởi tâm hồn của người làm thơ luôn đắm đuối với cuộc đời, đắm đuối với thơ.
Sau tập Hoa hồng trắng do Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên xuất bản năm 2005, bạn đọc lại đón nhận Tóc người cỏ rối của tác giả Đinh Tùy Thanh. Tập thơ hơn trăm trang in với 85 bài và lời giới thiệu của nhà thơ Ngô Văn Phú, là những lời tâm sự và chia sẻ của tác giả Đinh Tùy Thanh gửi đến bạn đọc.
----------------
(*) Đọc tập thơ “Tóc người cỏ rối” của tác giả Đinh Tùy Thanh
HUỲNH VĂN QUỐC