Chủ Nhật, 06/10/2024 14:19 CH
Không thể đọc lướt
Thứ Tư, 20/05/2009 11:00 SA

bia-thoai-090520.jpg

Không thể đọc lướt được! – Đó là suy nghĩ đầu tiên của tôi sau khi gấp lại cuốn Cảm nhận Trường Sa của bác Vũ Văn Thoại. Nhiều người có thói quen đọc lướt các cuốn sách, thậm chí là những quyển mình rất tâm đắc. Tôi cũng thế. Hình như tôi có một thói quen xấu là cần nghiên cứu về cái gì là mở ra đọc cái đó, ngay phần đó, chương đó, trang đó của cuốn sách đó. Nhưng rõ ràng, cuốn “Cảm nhận Trường Sa” thì không thể. Không thể không phải vì không đọc lướt được mà vì cái ý thức chủ quan nảy ra trong đầu mình là: Nếu đọc lướt, tiếc lắm. Đọc chỉ vì có một bài phát biểu này, kể ra mình cũng tệ thật. Tôi bỏ qua lời giới thiệu của Nhà xuất bản Văn nghệ, đọc ngay đoạn nói về những chú chó được các chiến sĩ ta nuôi ở Trường Sa, hay quá, độc đáo thật đấy... kiểu này thì không thể lướt được. Tôi quẳng ngay quyển sách Địa lý với nỗi ám ảnh về bài kiểm tra học kì và đọc ngấu nghiến cuốn sách của bác Thoại.

 

ĐÓ LÀ NHỮNG DÒNG CHÂN CHẤT NẶNG TRIẾT LÝ ĐỜI THƯỜNG

 

Quả thật, đọc Cảm nhận Trường Sa, điều đầu tiên người ta nhận ra là giọng văn, cách hành văn chân chất vô cùng, “nẫu” vô cùng, miền Trung vô cùng. Không hề hoa mỹ, không hề trau chuốt.  Ta bắt gặp ở đó sự tưng hửng, vui mừng chẳng khác gì một đứa trẻ của một người đã đi sang dốc bên kia cuộc đời trước cái bao la của biển trời, hùng vĩ của tự nhiên và kiên cường của Tổ quốc. Tác giả vui mừng, hét hết cỡ khi thấy đàn cá heo tung lộn, “phóng khỏi mặt nước, hướng tiến về con tàu”. Bản thân tôi cũng như bị lôi cuốn vào hiện tượng kì vĩ đó mà như nghĩ mình đang trực tiếp ngắm cảnh cá heo tung lội. Chuyện không phải chỗ thấy mấy con cá heo vì thật ra cá heo mình thấy trên ti vi, ngoài Tuần Châu cũng nhiều, có lạ gì. Thế nhưng, chuyện khá ngạc nhiên ở đây chính là, trên đại dương mênh mông kia, thì ai là người huấn luyện cho những chú cá heo ấy để các chú nhào lộn như “xiếc”, rồi thì các chú cá heo như cũng mừng, cũng vui khi thấy có tàu, có bạn… để rồi từ đó tác giả đã chiêm nghiệm: “Sự sống bao giờ cũng đang hiện hữu chung quanh ta mà có lúc con người cũng không hình dung nổi. Nó vẫn sống, vẫn sinh sôi nảy nở, cái này là niềm hi vọng cho cái kia và ngược lại. Thì ra tạo hóa thật vô cùng. Trời đất thật vô cùng…”. Tác giả viết một cách rất thật những suy nghĩ của con người gần 40 năm theo cách mạng, sắp đến cái tuổi rời công sở, nhận lương hưu. Nhưng rõ ràng đọc những điều ấy không khó hiểu tí nào. Chỉ là thoáng cái giật mình vì sự vô tình của chính chúng ta đối với bao sự việc, bao con người “đa đoan” trong cuộc đời “đa sự”. 

 

CÁI THẬT ĐẾN KHÓ TƯỞNG TƯỢNG

 

Đọc sách của bác Thoại đủ để chúng ta có thêm nhiều kiến thức, không hề khô khan, giúp bổ sung những vấn đề mới vào trong bộ nhớ của con người. Ta học nhiều, ta nghiên cứu nhiều, ta cứ nghĩ mình hiểu lắm về Trường Sa và cả Hoàng Sa, nhưng hóa ra chẳng thể bằng một góc nào đó trong từng câu, từng chữ của người đặt chân đến Trường Sa. Những cái tên như Trường Sa Lớn, Phan Vinh, Tiên Nữ, An Bang đâu có còn lạ lẫm gì nữa mà sao nó đi vào trang viết Vũ Văn Thoại mới thế, lạ thế, bất ngờ thế. Bởi cái tình người, cái xúc động thật một cách trong sáng, đậm đặc và rối rít. Ta thắt lòng trước câu chuyện những gia đình tự nguyện ra sống trên đảo, làm ăn, chung vui với chiến sĩ. Hóa ra ở đâu đó ngoài kia vẫn tồn tại những sự thật ta vẫn thấy hằng ngày mà tưởng chừng không thể tưởng tượng. Tác giả nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại nhiều lần, chủ quyền và quyền chủ quyền không chỉ thể hiện ở chỗ sự hiện diện của lực lượng vũ trang mà còn là sự làm chủ của chính quyền và nhân dân. Trường Sa là một đơn vị hành chính cấp huyện, trực thuộc tỉnh Khánh Hòa, vẫn đang tồn tại như bao huyện khác dọc 63 tỉnh, thành của đất nước. Nói như thế là để thấy rằng vẫn nó đấy, vẫn cái quần đảo ấy, có chạy đi đâu được, thế mà để sự sống tồn tại được thật quá cực nhọc, thật quá lớn lao. Xúc động làm sao trước câu chuyện về sự hi sinh của những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu năm 1988 bảo vệ từng giọt đất thiêng liêng của Tổ quốc giữa muôn trùng giọt nước. Xúc động làm sao trước những câu chuyện thật đến không ngờ của Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân về sự khắc nghiệt thuộc tốp đầu của đảo Tiên Nữ. Đó là hòn đảo mà trong bản đồ người ta chấm một cái mà vẫn cố chấm làm sao cho mực đừng nhem quá kẻo nó lại to quá mức. Đảo nhỏ đến không tưởng nằm giữa trùng khơi. Từng phút từng giờ phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đến nỗi sắt, thép, bê tông, thậm chí cả inox cũng phải vụn vữa. Những giá trị vật chất, những gì đong đo bằng tiền bạc rồi cũng sẽ trôi đi, chỉ còn lại cái ý chí ngàn đời của người lính đảo. Ý chí mà nói cho văn chương một chút là chất chứa trong đó sự dũng mãnh, anh hùng, chất chứa “dáng kiều thơm”, chứa “mắt người yêu”, chứa Hà Nội, chứa Tuyên Quang, chứa Phú Yên, Đồng Tháp, Long An, chứa cả những ngày tháng cơ cực, những chỉ số GDP, FDI, chứa ngày hội ăn mừng của Tổ quốc khi Việt Nam thắng Thái Lan 2-1 trong trận chung kết AFF Cup... Để có tất cả những điều đó, để những cái tên thành, tên tỉnh bình yên, để màu cờ Tổ quốc rực đỏ hội ăn mừng thì những người chiến sĩ Trường Sa đã sống và chiến đấu như thế đấy. Đó còn là nhà giàn Quế Đường, nơi đã lấy đi nước mắt có lẽ nhiều nhất của cả đoàn công tác, là nơi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của mỗi thành viên trong đoàn và chính tác giả. Nhìn nhà giàn qua bức ảnh của tác giả ta mới giật mình, kỳ vĩ quá, tuyệt vời quá, khó tin quá. Nhưng đó là sự thật. Giữa biển Đông mênh mông xuất hiện một ngôi nhà bền vững như dáng hình Tổ quốc. Trong nhà giàn cũng có những con người bằng xương bằng thịt như bao con người ở đất liền. Họ đang sống, đang chiến đấu cho bao hi vọng của quần đảo và đất liền phương xa. Họ cũng mơ ước về “một câu dân ca, một dáng hình con gái/ khát một lá thư nhà ấm mong ước đoàn viên” (Tô Hà), như một chiến sĩ gốc Nam Định trên đảo Trường Sa lớn đã khẳng định một câu chắc nịch: “Dạ, nhớ lắm, nhưng nghĩa vụ làm trai đối với Tổ quốc là phải xác định”.  Thôi, thế thì còn gì để nói nữa chứ, làm gì có từ nào trong kho từ tiếng Việt diễn tả được điều đó...

 

ĐỌNG LẠI NHỮNG CON NGƯỜI...

 

Trang viết của bác Thoại có khá nhiều nhân vật. Có nhân vật từ mũi tàu đến khoang tàu đều xuất hiện, như Chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, cô Tô Hà, chị Hòa An, bác Huỳnh Ngọc Sanh.... cũng có những nhân vật xuất hiện nhanh và không thấy nữa sau đó. Điều đó thể hiện cái chất ngẫu nhiên của tác giả và tác phẩm mà trong lời đề tựa, Nhà xuất bản Văn nghệ đã nhấn mạnh. Đó là hệ thống nhân vật mà đọc xong.... giới học trò kháo nhau “biết chết liền!”. Đó là Thanh Huyền, là Kiều Hưng, là anh Đồng, chị Nhi, anh Bốn Chi.... Người biết nhiều một chút hiểu ra ngay anh Đồng chính là cố Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thanh Đồng, Bốn Chi là Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi... không phải cố nhiên mà bác Thoại đưa họ vào trang viết bằng những cái tên thường nhất, dân dã nhất chứ không phải đi kèm với những chức vụ. Nhà xuất bản cũng không cố ý chú thích... vì thật ra có lẽ ngay từ khi đặt bút viết, tác giả đặt mình trong tâm thế và tư thế của một người bình thường, một người đất liền ra thăm đảo xa với bao rạo rực, háo hức.... khám phá chân trời cũ mà luôn mới trong mỗi người Việt. Hệ thống nhân vật này thể hiện cho con người tác giả, không cầu kì, không tô vẽ để cho hoành tráng thêm cuốn sách...

 

Hệ thống nhân vật thứ hai được tác giả ghi lại hết sức trân trọng đến từng cái tên, từng quân hàm, đó là những người chiến sĩ thân thương, anh hùng của chúng ta. Có những người đã khuất, đã gửi mình vào muôn trùng sóng nước. Cũng có những người đang hiện diện, đang sống và đang chiến đấu để giữ vững từng đảo. Đó là anh hùng liệt sỹ Phan Vinh, là liệt sĩ Trần Đức Thông, liệt sĩ Vũ Phi Trừ... những người mà chỉ nghe cái tên đã thấy mạnh như tay súng. Đó còn là Biện Văn Quân, Trần Văn Long, Nông Văn Đình, Nguyễn Tuấn Thương.... những đốm sáng nhỏ mà không lẻ loi đang chắc tay súng giữ vững đảo ta, biển ta.... Ở từng chiến sĩ Trường Sa ta thấy có đảo trong mắt họ, có cây Phong Ba, có cây Bão Táp, ta thấy có khúc ruột chưa bao giờ nằm ngoài trái tim Tổ quốc....

 

Và xin nhắc ở đây về những chú chó mà tác giả đã dành những trang đầy trang trọng và đáng yêu cuối sách để viết. Đó cũng là những “chiến sĩ” đặc biệt, ngoài nhiệm vụ cảnh giới còn bắt cá cho lính đảo... và đến mùa đông lại trở thành nguồn thực phẩm quí hiếm khi điều kiện tiếp tế từ đất liền gặp khó khăn. Đó cũng là số phận, là nghĩa vụ của từng chú chó khi sinh ra trên đất nước này, quần đảo này... Xúc động sao trước câu chuyện về 3, 4 chú chó bơi theo mãi đến khi không bơi được chúng đành quay lại trở lại, lúc các đại biểu trên chuyến canô thứ hai rời đảo. Dù là con vật, nhưng chúng cũng mừng, cũng vui khi cảm nhận được hơi ấm của đất liền. Chúng cũng có gia đình, cũng cha mẹ, anh em và ở đây, trên muôn trùng sóng bạc, những chú chó lại xây dựng thêm những gia đình mới, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia gắn bó với những người lính đảo...

 

Đối với một người trẻ chưa biết gì nhiều về Trường Sa đọc qua cuốn Cảm nhận Trường Sa của bác Thoại cũng đủ để họ hiểu ra nhiều điều. Chất chứa trong đó không chỉ có những DK1, DK2, những kinh độ, vĩ độ mà theo một hệ qui chiếu nào đó nó còn là niềm tự hào về đất nước, về con người Việt Nam, là nghĩa tình đất liền với biển đảo mà nước kia, cá kia ngày đêm kết nối, là sự chiêm nghiệm sâu sắc của một cuộc đời cũng đã trải qua bao thăng trầm, đau khổ.... “Thân phận con người chỉ là cái hữu hạn trong sự vô hạn của đất trời”. Mỗi ngày đi qua là mỗi ngày chúng ta đến gần hơn với sự chia ly, còn làm được gì, còn lưu giữ được gì cho nhau, cho anh em, cho đồng chí, cho đất nước thì tại sao ta không làm... Viết ra kẻo nữa rồi lại quên, tác giả Vũ Văn Thoại cứ nghĩ thế, và cứ viết... Đọc đi, và nhớ, kẻo rồi lại quên, quên cả khúc ruột Trường Sa bây giờ, người đọc cứ nghĩ thế, và cứ đọc. Đảo vẫn đó, mà con người thì không thể mãi mãi với đất trời. Người sau tiếp việc người trước, tôi và bao bạn trẻ cảm thấy cần phải cố hơn, gắng hơn nữa để chưa bao giờ là không xứng đáng với đất nước này, với những khó khăn mà những chiến sĩ Trường Sa đang ngày đêm đối mặt. Có ai đó đã nói “Sự xuất hiện của con người như cái chớp mắt của lịch sử”. Chúng ta không có nhiều thời gian nhưng chúng ta có lòng tự hào, tự tôn, tự trọng, tự chủ, có ý chí, có quyết tâm, có đoàn kết, gìn giữ, bảo vệ Trường Sa và cả Hoàng Sa là một việc mà người Việt dù ở đâu, dù làm gì, bằng cách nào, thời đại nào cũng phải thực hiện trọn vẹn. Không khéo lịch sử lại chớp mắt bây giờ...

 

  BÙI NGUYÊN BẢO

(Học sinh lớp 11 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek