Chủ Nhật, 06/10/2024 16:20 CH
Nhà thơ Triệu Từ Truyền:
Thơ hay không lệ thuộc vào thể loại
Thứ Năm, 19/03/2009 19:35 CH

Nhà thơ Triệu Từ Truyền sinh năm 1947. Ông thoát ly hoạt động cách mạng vào cuối năm 1960 và từng bị tù ở Côn Đảo hai lần khi tuổi còn vị thành niên, lúc đang làm Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn ủy Học sinh Sài Gòn. Ngay sau 30/4/1975, ông làm Phó Chủ tịch UBND quận 4, trở thành một trong những lãnh đạo cấp quận trẻ nhất lúc bấy giờ của TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, “quan lộ” của Triệu Từ Truyền chỉ dừng đến đó, vì ông có một niềm đam mê khác từ thưở nhỏ: Thơ ca. Đến nay, ông đã xuất bản gần 10 tập thơ, truyện và mới nhất là tập Lục bát Triệu Từ Truyền.

 

ly-bach-090319.jpg
Nhà thơ Triệu Từ Truyền

 

* Nổi tiếng trong giới vì luôn tìm tòi cách tân thơ, nhưng tại sao ông lại xuất bản một tập thơ lục bát?

 

- Suốt mấy thập kỷ làm thơ, tôi luôn làm thơ lục bát bên cạnh thơ tự do và thơ văn xuôi. Phải nói cho công bằng, những bài thơ đăng báo đầu đời của tôi là thơ vần, thơ lục bát, đến nay thơ lục bát chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số sáng tác thơ của tôi.

 

Thơ hay không lệ thuộc vào thể loại: lục bát, tứ tuyệt, tự do hay gì khác nữa, mà do tình cảm tư tưởng của tác giả tạo nên thần khí của thơ dẫn đến cấu trúc bài thơ, và thể cách của bài thơ quy định thể loại diễn đạt.

 

Tôi chưa bao giờ xa rời thơ lục bát nên tập Lục bát Triệu Từ Truyền không nên nói là trở về, có lẽ gọi là “sơ kết” lục bát thì đúng hơn. Nói “trở về” không khéo ai cũng nghĩ Triệu Từ Truyền từ bây giờ không làm thơ tự do nữa.

 

* Xin ông tóm lược những ngày làm thơ và tham gia phong trào học sinh sinh viên thời trẻ của mình?

 

- Cha mẹ tôi đều là nhà giáo, mẹ tôi thường đọc thơ Phan Văn Trị, Tản Đà, Xuân Diệu và nhiều bài thơ hay của những tác giả khác. Tôi nghe thơ từ trong nôi và suốt tuổi thiếu niên trên một chiếc thuyền nhỏ di chuyển theo một cơ quan kháng chiến khắp sông rạch miền Tây Nam Bộ. Tuổi thơ của tôi trong không khí anh hùng ca, sống trong khói bom, đạn pháo và chết chóc ở bưng biền cho đến khi Hiệp định Genève được ký kết. Bảy tuổi theo cha mẹ lên Sài Gòn, tôi mới bắt đầu học lớp 1. Đến năm 1962, tôi làm những bài thơ lục bát với nỗi ám ảnh chiến tranh: “chiều chinh chiến ngủ trong lòng/ màu than nhuộm đỏ mấy dòng nước xưa/ mộ con đất lấp chưa vừa/ nhà hiêu quạnh dọn cơm thừa ẩm thiêu/ người em mắt rã trong chiều/ người du mục dựng vẹo xiêu mái lều…, đăng trên nguyệt san Đất đứng số 1/1965. Bài thơ trên có tựa là Quê Hương viết từ thuở 15, đã có nét trừu tượng mặc dù thật ra rất hiện thực. Vì lúc tôi 4, 5 tuổi, trên dòng sông nơi gia đình tôi neo thuyền, tro than của nhà dân bị đốt trôi lềnh bềnh, nước nhuộm máu người lấn át cả màu tro than đen xám. Sau đó ở tuổi dậy thì, tôi bập bẹ viết về tình yêu: “thôi em nước mắt khoan về/ ngày qua còn đó bóng hè chưa sâu”.

 

Những năm 1962, 1963 gần như tuần nào tôi cũng có thơ đăng báo. Ngay lúc đó không khí làm mới thơ văn ở Sài Gòn đang sôi nổi, nên tôi viết không ước lệ, hạn chế dùng từ chỉ khái niệm, tăng cường hình tượng mới trong thơ, tránh lặp lại cách diễn đạt của người khác… Đến năm 1965, tôi và vài bạn cầm bút như: Nguyễn Tôn Nhan, Từ Kế Tường, Thái Duy Thanh, Tô Thùy Nghiêm tức Nguyễn Thiếu Nhẫn … thành lập nhóm văn học Bộ Lạc Mới với dự định làm nhà xuất bản và ra báo. Cuối năm 1965 xuất bản tập Đêm lên cơn dài với bút danh Triệu Cung Tinh, năm 1966 ra báo Bộ Lạc Mới có in tuyên ngôn văn học của nhóm; 1967 xuất bản Thánh Ca của Nguyễn Tôn Nhan.

 

Sau đó vì tham gia phong trào chống quân phiệt đòi dân chủ, thiết lập chính quyền dân sự và đòi quân đội Hoa Kỳ rút quân nên tôi bị tù, anh em khác người bị gọi đi sĩ quan, người trốn đi lính nên Bộ Lạc Mới không hoạt động được nữa.

 

Vốn là nạn nhận của chiến cuộc suốt thời thơ ấu, nên tôi luôn chống chiến tranh, chống nhà cầm quyền làm tay chân cho ngoại bang.  Ngay từ khi học cấp 2, tôi cho rằng nhà cầm quyền lúc bấy giờ là phi nghĩa, đàn áp nông dân và người nghèo, nên làm cách mạng luôn là nhiệt huyết suốt tuổi thanh niên của tôi.

 

* Tại sao thơ phải cách tân, và theo ông nên đổi mới thơ như thế nào?

 

- Đây là vấn đề rất lớn, trong phạm vi câu trả lời này không đầy đủ được. Nếu nói thật dễ hiểu thì đổi mới là nhu cầu tự thân của mỗi lãnh vực có thuộc tính con người. Riêng với thơ, đổi mới là nhu cầu tồn tại, vì nhà thơ lớp sau viết y hệt như nhà thơ tiền bối đồng nghĩa với giết chết thơ. Bây giờ làm thơ lục bát nếu y nguyên như cách Nguyễn Du làm, thì độc giả nào cũng cảm thấy nó không hay, chưa nói bị chê là đạo thơ, dù không chép nguyên văn. Nhưng đổi mới không phải chỉ đổi thay hình thức. Bởi vì có rất nhiều bài thơ tự do, thơ không vần quá dở , thậm chí còn kém hơn bài thơ Con cóc. Tiểu luận Thơ là dòng năng lượng, trong tập Những chữ qua cầu tâm linh NXB Văn học 2008, tôi nói khá rõ về quan niệm cách tân, đổi mới thơ. Trong thực tiễn, muốn có thơ đổi mới đích thực chỉ cần hai điều kiện sau:

 

Thứ nhất, người làm thơ phải thật sự cảm thấy mình có thể đánh đổi bằng cái chết để viết ra bài thơ đó; nghĩa là sự tồn tại của thơ còn quan trọng hơn sinh mạng. Điều kiện này sẽ loại bỏ được nhiều thứ rác: như xem thơ là phương tiện để quảng cáo, tuyên truyền, tôn sùng cá nhân; thơ chép lại của tác giả trước (đạo thơ); không có thông điệp trong bài thơ; mô tả vụn vặt hạ thấp thơ thành vè, giải bày tâm sự bừa bãi, dẫn đến đọc giả chán thơ… Phải tạo được thần khí của bài thơ…

 

Thứ hai, người làm thơ phải có tố chất thi sĩ: óc liên tưởng phong phú, trực cảm hơn đám đông; là người nổi trội về tri thức và tâm thức. Điều kiện này sẽ giúp loại bỏ kiểu làm thơ theo dạng dàn đồng ca, sẽ tạo thể cách mới trong thơ, góp phần làm phong phú ngôn ngữ Việt Nam, sáng tạo độc đáo, nói như Cao Bá Quát là có tự tính trong thơ.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

THANH KIỀU (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek