Thứ Tư, 05/02/2025 21:09 CH
Khơi dậy tình yêu quê hương qua di sản văn hóa
Thứ Năm, 05/12/2024 09:46 SA

Trình diễn nghệ thuật bài chòi tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: THIÊN LÝ

Cùng với Nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trên dải đất miền Trung Trung Bộ nói chung, Phú Yên nói riêng, ông cha ta còn để lại một khối lượng di sản văn hóa đồ sộ. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, các di sản văn hóa này đang đối mặt với những tác động vô cùng mạnh mẽ, dẫn đến nguy cơ mai một.

 

Nhiều năm qua, giáo dục di sản văn hóa (DSVH) trong nhà trường đã được triển khai rộng khắp. Đây không chỉ là cơ hội giúp học sinh thêm hiểu về lịch sử quê hương mà còn bồi đắp lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước; hình thành và nâng cao ý thức trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị DSVH tại địa phương.

 

Đưa DSVH vào học đường

 

Đến nay, Phú Yên có 119 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích quốc gia và 96 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý, là một thiết chế văn hóa - giáo dục quan trọng đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

 

Thời gian qua, tỉnh đã có những động thái thiết thực trong việc đưa DSVH vào học đường. Cụ thể, thực hiện Đề án bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2023, Sở GD&ĐT đã chủ trì, xây dựng kế hoạch đưa nội dung di sản này vào chương trình giáo dục trung học trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với Sở VHTT&DL xây dựng bộ tài liệu giảng dạy tích hợp di sản nghệ thuật bài chòi trong nhà trường từ năm 2021-2023.

 

Ông Lê Tấn Thích, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học thường xuyên (Sở GD&ĐT) cho biết: Nhờ chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch, thành lập ban biên soạn, tổ chức hội thảo... nên Sở GD&ĐT gặp nhiều thuận lợi khi triển khai đề án. Kết quả, tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 có 7 chủ đề (trong đó có chủ đề 5 - Sơ lược ca nhạc cổ truyền Phú Yên) được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản thành sách, cung cấp đến tất cả các trường để tổ chức giảng dạy cho học sinh lớp này.

 

Bên cạnh đó, video clip bài hát Đến với Phú Yên do tác giả - nghệ nhân Nguyễn Đình Thoảng (Bình Thảng, Chi hội Sân khấu tỉnh) trình bày, xây dựng với các hình ảnh đẹp, tiêu biểu, có ý nghĩa đặc trưng của Phú Yên, không chỉ góp phần gìn giữ giá trị di sản nghệ thuật bài chòi mà còn quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch cho Phú Yên...

 

Trước đó, từ đầu những năm 2000, Chi hội Sân khấu (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh) cũng đã phối hợp tổ chức “đưa sân khấu vào học đường” tại các trường đại học, cao đẳng, THPT… trên địa bàn tỉnh. Các loại hình nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, dân ca kịch bài chòi, cải lương, đờn ca tài tử… có nguy cơ mai một, dần dần được đánh thức.

 

Theo nghệ nhân Bình Thảng, cũng như những loại hình nghệ thuật truyền thống khác, khi nghệ thuật bài chòi trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trách nhiệm của ngành Văn hóa và mỗi người đang giữ gìn loại hình nghệ thuật diễn xướng này rất lớn, mà điều đầu tiên là trách nhiệm với lớp trẻ.

 

“Tôi nghĩ, phải thổi vào lớp trẻ tình yêu bài chòi, mới có thể trao dạy cho các em, các cháu về nghệ thuật bài chòi. Thiết nghĩ, Sở VHTT&DL và các địa phương cần tổ chức nhiều lớp tập huấn, đưa nghệ thuật bài chòi vào trường học... Đây là phương pháp cấp tốc và quyết liệt nhất để truyền ngọn lửa đam mê nghệ thuật bài chòi cho thế hệ tiếp theo. Hoạt động này là cách để lớp trẻ yêu thích, say mê nghệ thuật dân tộc, tránh tình trạng bị thất truyền, mai một, đồng thời tạo lớp người kế cận cho tương lai”, nghệ nhân Bình Thảng bày tỏ.

 

Khơi gợi tình yêu DSVH qua hoạt động trải nghiệm

 

Giáo dục DSVH trong nhà trường đã được triển khai rộng khắp trên cả nước trong nhiều năm qua. Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Bộ VHTT&DL về việc sử dụng DSVH trong dạy học, đã ban hành từ đầu năm 2013. Sự liên kết này hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh, gìn giữ và phát huy giá trị của DSVH vì lợi ích của toàn xã hội và truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 

Mục tiêu của việc sử dụng DSVH trong giảng dạy ở trường học còn nhằm hình thành và nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị của DSVH; rèn luyện tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập và rèn luyện; góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng của học sinh, nhất là đối với những DSVH phi vật thể như nghệ thuật bài chòi.

 

Hiện trên địa bàn tỉnh có một số trường học tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động liên quan đến giáo dục DSVH, đặc biệt là tham quan Bảo tàng tỉnh. Đây là những giờ học ngoại khóa rất bổ ích. Có một không gian thực tế để tiếp cận là cách khơi gợi tình yêu DSVH thiết thực nhất cho các em. Đây cũng là sự đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục về DSVH lịch sử trong nhà trường.

 

Thầy Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Tuy Hòa) cho biết: “Nhà trường tổ chức cho các lớp tham quan, trải nghiệm để giúp học sinh hiểu thêm về lịch sử quê hương, đất nước; tình yêu quê hương, đất nước từ đó mà hình thành! Những lời thuyết minh về từng hiện vật mang giá trị lịch sử - văn hóa sẽ được dung nạp một cách tự nhiên, sinh động; các em sẽ nhớ được lâu hơn”.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek