Không thể phủ nhận những tiện ích mà điện thoại thông minh, mạng xã hội... mang lại, song người dùng cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần, nếu như không có sự nhận biết đúng đắn về những nguy cơ trong việc sử dụng nó, nhất là đối với trẻ em.
Vừa khai thác tốt sự hữu ích của các trang thông tin, internet... nhằm phục vụ học tập, rèn luyện, vừa trang bị cho trẻ kỹ năng miễn nhiễm với những thông tin xấu, độc hại là việc không dễ và cần sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó quan trọng nhất là gia đình.
Đồng hành cùng con
Chị Nguyễn Thị Loan ở xã An Chấn (huyện Tuy An) chia sẻ, con trai chị từ khi còn bé tí đã tiếp cận các thiết bị điện tử thông minh, nhưng khi đó chỉ xem ca nhạc thiếu nhi. Còn hiện tại, khi con chị đã bắt đầu vào cấp 1, nhu cầu sử dụng mạng internet ngày một nhiều hơn, trong đó có cả việc phục vụ học tập. “Tôi lo lắng con trai mình nghiện internet nên mỗi ngày tôi chỉ cho con sử dụng điện thoại, Ipad đến máy tính có kết nối mạng từ 1,5-2 giờ. Mỗi khi con tôi muốn xem gì đều hỏi ý kiến, cha mẹ cho phép mới được xem”, chị Loan nói.
Hay chọn cách đồng hành cùng con trong việc sử dụng internet, chị Bùi Thị Nhung có 2 con đang học ở TP Tuy Hòa cho biết: Mỗi khi các con lên mạng, tôi thường lân la hỏi: Con đang làm gì vậy? Các con xem gì thế? Có gì thú vị mà con vui vậy? Cha mẹ có thể xem cùng con được không?... Qua đó cùng trò chuyện, lắng nghe các con chia sẻ về các nội dung đang xem hoặc một vấn đề mà chúng đang quan tâm.
“Bản thân tôi luôn cố gắng làm gương cho các con trong việc thực hành các thói quen tốt khi sử dụng các thiết bị điện tử và khi lên mạng internet. Đặc biệt, vợ chồng tôi luôn tôn trọng quyền riêng tư của con. Chúng tôi không cấm đoán hoặc đọc email, tin nhắn mà không được sự cho phép của con. Điều này dễ làm trẻcảm thấy bị tổn thương và mất niềm tin nghiêm trọng. Thay vào đó, chúng tôi luôn tìm cách tiếp cận tự nhiên và đồng hành cùng con trong cuộc sống để làm điểm tựa vững chắc khi các con cần, nhất là việc hướng dẫn các con sử dụng internet an toàn và hiệu quả”- chị Nhung chia sẻ.
Em Nguyễn Gia Khang, học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Loan (huyện Tuy An) thường được cha mẹ cảnh báo về những nguy cơ, rủi ro trên không gian mạng, thổ lộ: “Con không tiếp cận những thông tin xấu trên mạng xã hội. Con tự bảo vệ mình trước lời lẽ không hay và thông báo với gia đình nếu tài khoản mạng xã hội của con bị tấn công”.
Trang bị kỹ năng cần thiết
Theo Luật An ninh mạng, trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng. Luật này cũng quy định rõ: Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻem và cá nhân liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻem. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻem, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc trẻem tiếp xúc với internet quá dễ dàng, thiếu kỹ năng phòng vệ đang là rào cản rất lớn trong công tác bảo vệ các em. Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững tại một số thành phố lớn trên toàn quốc, có đến 96,9% trẻem Việt Nam sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau. Đây là tỉ lệ khá cao. Và dù đã có những khung pháp lý quy định khá cụ thể để bảo vệ trẻem trên không gian mạng nhưng để nhận diện rõ trách nhiệm của từng đơn vị cụ thể còn khó khăn.
Các chuyên gia cho rằng, không thể phủ nhận những tiện ích mà điện thoại thông minh và mạng xã hội mang lại nhưng chúng cũng ẩn chứa nhiều điều nguy hiểm, đó là việc tâm hồn của một bộ phận không nhỏ người dùng bị thao túng, phụ thuộc vào internet. Không khó để bắt gặp nhiều gia đình hiện nay, mỗi người ôm một chiếc điện thoại lướt mạng, từ bữa ăn cho đến trước khi đi ngủ.
Để hướng giới trẻ vào những trang thông tin có nội dung tích cực, phù hợp với lứa tuổi, khuyến khích trẻdùng internet phục vụ cho mục đích học tập và dạy trẻ kỹ năng tương tác an toàn trên không gian mạng để tự bảo vệ mình thì trong gia đình, người lớn, cha mẹ cần phát huy vai trò nêu gương để bảo vệ chúng khỏi những tác động tiêu cực từ internet. Muốn vậy, mỗi gia đình, bậc làm cha mẹ phải trang bị được các kỹ năng cần thiết khi sử dụng internet để hướng dẫn, thiết lập quy tắc sử dụng cho con, kéo trẻ vào các hoạt động chung của gia đình; phân công thời gian học, vui chơi và phụ giúp việc nhà một cách hợp lý cho trẻ. Chỉ như thế trẻ mới hình thành được thói quen và biết phòng vệ để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro khi sử dụng internet, mạng xã hội.
Chúng tôi không cấm đoán hoặc đọc email, tin nhắn mà không được sự cho phép của con. Điều này dễ làm trẻ cảm thấy bị tổn thương và mất niềm tin nghiêm trọng. Thay vào đó, chúng tôi luôn tìm cách tiếp cận tự nhiên và đồng hành cùng con trong cuộc sống để làm điểm tựa vững chắc khi các con cần, nhất là việc hướng dẫn các con sử dụng internet an toàn và hiệu quả.
Chị Bùi Thị Nhung ở TP Tuy Hòa |
THIÊN LÝ