Chủ Nhật, 24/11/2024 06:33 SA
Nhà thơ Thanh Quế
Chủ Nhật, 25/08/2024 08:00 SA

Tôi và anh Thanh Quế biết nhau từ khi đầu cả hai còn xanh, tuổi cả hai còn trẻ. Vóc dáng bề ngoài nom anh nào cũng hơi thấp bé nhẹ cân. Tác phong anh nào cũng quê mùa. Nói năng không lấy gì làm khúc chiết trôi chảy, thậm chí còn vụng về hơn cả anh chị em bộ phận phục vụ của trại viết Khu 5 hồi sau 1975.

 

 

Anh Quế hơn tôi vài tuổi, lại từng trải hơn tôi rất nhiều về kiến thức văn hóa, văn chương. Tôi về trại viết Khu 5 gần như là người cuối cùng. Tuổi đời tuổi nghề (văn chương) đều là giê-rô, mới he hé khả năng viết lách qua 2 truyện ngắn đầu tay từ đơn vị huyện đội K8 (An Khê) heo hút và ác liệt bậc nhất của Khu 5 gửi về theo đường giao liên. Của đáng tội, ở xa tít mù gửi ra trạm giao liên, may sao truyện ngắn ấy lọt vô tay các anh văn nghệ Quân Giải Phóng miền Trung Trung Bộ đang lo số mới. Anh Nguyễn Chí Trung và anh Thái Bá Lợi, lúc ấy một người là trại trưởng, một người là nhà văn, trại viên đang nổi với một số truyện ngắn năm rồi in trên tạp chí nhà và cả trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi từ Gia Lai đi bộ 3 tháng trong rừng chiến khu qua bao nhiêu khúc quanh ác liệt để về dự trại được là cả một chuyện ly kỳ. Tôi được anh Nguyễn Chí Trung và anh Thái Bá Lợi “lăng xê” do các anh đã “phát hiện” từ trại viết lần này, cuối năm 1972. Khi tạp chí văn nghệ Quân Giải Phóng miền Trung Trung Bộ in truyện ngắn đầu tay của tôi và tôi được các anh khen thì không thể tả được tâm trạng vui mừng phấn khởi lúc ấy nó lâng lâng thế nào. Hồi ấy anh Thanh Quế ở bên dân sự, tạp chí văn nghệ của Khu ủy, nhưng rất hay qua bên tạp chí Quân Giải Phóng cà kê. Anh gặp tôi và khen tiếp. Tôi mê hai ông anh Thanh Quế và Thái Bá Lợi, chơi thân với hai ông anh từ hồi đó tới giờ. 

 

Thực ra trại viết Khu 5 hồi ấy là nơi tập hợp được toàn bộ lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật của miền Trung và Tây Nguyên. Anh nào anh nấy đều đã kinh qua cuộc chiến trên rừng, mỗi anh một kiểu. Về tổ chức hành chính có phân chia hai cơ quan bên dân sự, bên quân Giải phóng. Nhưng các mặt khác như khâu chuyên môn viết lách thì tuy hai mà là một. Các trại viên sàn sàn một lứa. Hạng trại viên áp chót như tôi nom còn ngô ngố hiền lành, chân chất, thật thà.

 

Thanh Quế là nhà văn, là cán bộ sáng tác bên Ban Văn nghệ của Khu ủy. Tôi là lính trơn có viết lách tí chút từ đơn vị được các anh Trại viết quân khu triệu về nhập trại, bây giờ gọi là tập huấn. Rồi năm 1976-1977, sau khi miền Nam giải phóng, những ngày đầu thành lập trại viết thì anh em cánh tôi, vẻ ngoài đều giông giống nhau, đi uống nước mía hay cà phê, dân Đà Nẵng gặp chúng tôi thảy đều gọi chung là mấy ông bộ đội. Nhưng rồi cuộc sống đã dạy cho mỗi người một cách tự biểu hiện, tự khẳng định mình. Mỗi anh vượt qua cái bỡ ngỡ ban đầu theo cách của mình, mỗi anh một vẻ. Và sự cố định tính cách từ hồi đứng tuổi đến giờ ai cũng thế, đa số không mấy suy chuyển.

 

Nhìn vóc dáng nhỏ thấp của Thanh Quế bây giờ, bạn thử hình dung xem, hồi mới học xong Khoa Sử Trường đại học tổng hợp Hà Nội, vào Nam chiến đấu cùng năm 1969, khi ấy mới 22 tuổi. 22 tuổi xuân, chưa có người yêu, chưa biết gì liên can tới hẹn hò yêu đương, chỉ biết mê thơ. Thơ là cái bùa mê chi chi mà làm liêu xiêu bao nhiêu trái tim trong trắng, hồn nhiên đắm đuối. Cũng chỉ biết thiệt tình yêu thơ, yêu không tính toán so đo. Thanh Quế vốn tính nhút nhát, là học sinh miền Nam đấy, được cả xã hội ưu tiên đấy, nhưng nhút nhát vẫn hoàn nhút nhát. Thế nhưng, ở đâu có chuyện gì liên quan đến văn thơ, có bạn làm văn làm thơ là lăn xả vào chơi. Chơi để thỏa mãn tình yêu, để được sống cùng lý tưởng. Rồi thì cái máu thơ văn nhập vào cùng với khát khao bay nhảy, hai chữ “về Nam” thường trực, thôi thúc không chỉ riêng Thanh Quế mà cả lứa bạn thời đèn sách trước đó một tí sau đó một tí: Lê Anh Xuân, Ca Lê Hiến, Ngô Thế Oanh, Cao Duy Thảo, Trần Vũ Mai, Giang Nguyên Thái… thảy đều như nhau.

 

* * *

 

Thanh Quế trước hết là một nhà thơ. Một nhà thơ của trăn trở chiêm nghiệm và khắc khoải. Anh là người sống không mấy khi yên tĩnh, kể cả khi còn trẻ, thời học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Kể cả sau năm 1975 hòa bình. Hồi ra tập kết, anh và các bạn miền Nam sống trong khắc khoải, tình cảnh Bắc Nam bị chia cắt, đất nước phân tranh, cả nước lúc nào cũng sục sôi căm thù Mỹ Diệm với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”. Thanh Quế là một thanh niên sinh viên, là một “con chiên sùng đạo thơ”. Nhưng cho đến bây giờ Thanh Quế vẫn kiên quyết chưa bao giờ là nhà thơ thời thượng nổi tiếng, chưa bao giờ ta bắt gặp Thanh Quế đọc thơ hoành tráng như một số nhà thơ quảng trường.

 

Chân dung nhà thơ Thanh Quế do con trai Phan Tuy An vẽ. Nguồn: thethaovanhoa

 

Thời chiến tranh các nhà thơ đi đến đâu cũng đều để lại nhiều ấn tượng đẹp của những cuộc đọc thơ vừa hấp dẫn vừa gây xao động xã hội, xao động lòng người bởi những bài thơ câu thơ và nhất là bởi giọng ngâm thơ, đọc thơ hấp dẫn, quyến rũ, đầy tính khích lệ và kể cả thổn thức. Trước đây là Phùng Quán, Trần Dần, sau này là Thu Bồn, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh… Thơ đối với công chúng thời ấy là sự khích lệ, dìu dắt, nâng đỡ và thúc giục. Các nhà thơ hồi ấy không chỉ là nhà thơ mà còn là các nhà tuyên truyền - tuyên truyền cho chiến công, cho tinh thần cách mạng và cho các lãnh tụ, cho anh hùng chiến sĩ thi đua, cho đồng chí đồng đội. Thơ Thanh Quế cũng xuất hiện cùng thời thơ các nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh chống Mỹ một thời ấy, nhưng thơ anh là vỉa thơ lắng đọng: không ồn ào, khoa trương, không vội vã thúc giục mà lặng thầm phía sau con chữ, phía sau cuộc đời. Cùng với một số nhà thơ chung trong vỉa quặng ấy tôi thấy có: Trúc Thông, Thi Hoàng, Định Hải…

 

Trước nhà em sông Vu Gia là bài thơ hay, hay nói đúng hơn là xuất sắc của Thanh Quế. Cũng là bài thơ xuất sắc của vỉa quặng thơ chiêm nghiệm bấy giờ. Nó lặng lẽ đi vào lòng người đọc và găm vào đáy sâu tâm tưởng họ. Nó bình dị, như dòng sông quê, như mái nhà quê, như cô em gái quê…

 

            Trước nhà em ng Vu Gia

            sau nhà em cũng lại là dòng sông

            anh đi giữa một cánh đồng

            ngóng trông bên nọ ngóng trông bên này

            …

 

Thơ đạt đến đỉnh cao của cảm xúc, của tình người, của ngôn từ không còn phải bàn cãi gì được hơn. Tôi gọi đó là vẻ đẹp tao nhã, lắng đọng thân thương của sự giản dị.

 

Trúc Thông có bài thơ Bờ sông vẫn gió và Thi Hoàng có Ở giữa cây và nền trời cũng cùng chung cái hay cái đẹp ấy. Chúng ta hay gọi là “để đời”.

 

Thơ hay ít lời, kiệm ý giàu hình tượng, không rối rắm khoa trương khiến ta cảm thấy nó đến với ta cũng tự nhiên nhẹ nhàng giản dị.

 

Thanh Quế là nhà thơ viết nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết và truyện thiếu nhi. Mỗi mảng văn xuôi của Thanh Quế là một mảng đời không bình yên không dễ dàng. Nhưng có hậu.

 

Nhà văn TRUNG TRUNG ĐỈNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek