Căn nhà được rao bán gần một tháng nay, khách đến xem cũng nhiều nhưng chưa ai chốt. Thực chất là bán đất tặng nhà, chứ căn nhà cũng đã cũ rồi. Nhà nằm trong ngõ, đất đai rộng rãi, trước mặt có hồ nhỏ, hợp với những người thích sự yên tĩnh. Có người chê nhà cũ quá, phải đập đi xây lại hoặc cải tạo nhiều tốn kém. Người chê nhà xa đường lớn quá, hút mãi trong ngõ đi lại xa xôi. Lại có người chê xung quanh hàng xóm thưa thớt quá, ở sẽ buồn. Con cháu có vẻ sốt ruột muốn hạ thấp giá bán cho nhanh nhưng bà can ngăn. Một phần vì bà nặng lòng với nơi này cứ muốn được nán lại thêm ngày nào vui ngày ấy. Một phần bà muốn tìm cho ngôi nhà một chủ nhân thật sự yêu thích nó.
Giống như bà, rất nhiều năm trước đây lúc đi tìm mua đất làm nhà, bà đã chọn nơi này ngay từ lần gặp đầu tiên. Khi đó nơi đây còn là mảnh đất cằn cỗi, cỏ mọc um tùm, trong vườn chỉ có vài cây mít không biết được trồng tự bao giờ. Phía trước nhà lúc ấy còn là con đường mòn thưa thớt người lui tới. Suốt mấy chục năm qua, ông bà đã chăm chút vun trồng từng gốc cây, thớ đất. Mảnh vườn đầy hoa thơm trái ngọt hẹn bầy chim ríu rít mỗi mùa về. Với bà, ngôi nhà hay từng gốc cây ngọn cỏ đều có linh hồn. Nên bà sẽ thấy buồn khi ai đó đến đây trở thành chủ nhân mới của ngôi nhà mà không hứng thú, yêu thương nó.
Hùng nói: Mẹ cứ hay cả nghĩ. Cây cỏ, đất đai chứ có phải con người đâu mà có tâm hồn. Ai ở ai đi cũng đều vậy cả.
Bà không trách con trai. Cuộc sống cơm áo gạo tiền ngoài kia hẳn là khắc nghiệt với một người đàn ông là trụ cột gia đình. Bà biết suốt nhiều năm đi học rồi làm việc dưới thành phố, con trai mình đã trải qua không biết bao nhiêu lần chuyển trọ. Cuộc sống tạm bợ khiến Hùng không còn muốn nặng lòng gắn bó với nơi nào. Thế cũng tốt, cuộc sống đủ thứ phải lo toan, buông bỏ được thứ gì thì buông bỏ. Nhưng người già thì khác, căn nhà này là tất cả ký ức của bà. Mỗi góc bếp, xó nhà đều đầy ắp kỷ niệm về người chồng quá cố và các con khi còn là những đứa trẻ. Bà chấp nhận bán nó đi để vun vén ước mơ đủ tiền mua một căn nhà ở thành phố cho con cháu. Điều bà giữ lại cuối cùng chỉ có thể là ký ức.
Cuối cùng cũng có khách đặt cọc mua nhà. Đó là đôi vợ chồng trẻ trông dáng vẻ hiền lành. Chồng làm bộ đội, vợ là giáo viên vừa mới chuyển công tác về đây để gần chồng. Nghe nói họ có một đứa con nhỏ hiếu động, thích cây cối vườn tược nên vừa mới tới xem nhà là cả hai vợ chồng đã ưng luôn. Cầm tiền đặt cọc trong tay, Hùng vui vẻ bàn với mẹ:
- Mai con gọi thanh lý hết đồ đạc trong nhà mẹ ạ.
- Ấy chết. Không phải lúc họ đến xem nhà chính con cũng đã nói chỉ việc xách va li về ở đấy sao? Đồ đạc cũng chẳng đáng là bao, thứ gì cũng cũ. Mình có bán cũng chẳng được bao tiền, mà họ đến ở lại phải mua sắm mới. Họ cũng vợ chồng trẻ như các con, chắc cũng chẳng dư dả gì nhiều.
- Mẹ nói vậy thì đồ đạc để lại nhưng cây cối trong vườn con gọi người đến bán. Mẹ đừng có cản con, mình bán đất bán nhà chứ giá đó đâu tính cây cối. Chỉ tính riêng mấy cây mít cổ thụ bán đã gần trăm triệu. Từ cây xoài, cây sung, cây chanh, cây vú sữa giờ bán đều có giá. Người ta săn tìm mua về trồng công trình, nhà vườn, biệt thự.
- Nhưng chặt hết cây cối thì vườn tược trống không đâu còn giống cái vườn. Nhà cửa thông thống, mùa lạnh thì gió rét, mùa hè thì nắng hầm hập vào nhà, sao mà ở nổi.
- Đó là việc của người ta. Chẳng có ai chê tiền như mẹ.
- Nhưng người ta mua nhà mình biết đâu cũng chỉ vì mảnh vườn này.
Mặc kệ lời can ngăn của bà, những ngày sau người đến xem cây còn đông hơn người xem nhà đất. Rất nhanh chóng máy cẩu, ô tô ra vào ầm ĩ. Người thì đốn cây, người thì đào cây. Bà ngồi ở thềm nhà lần lượt nhìn từng gốc cây bị đốn hạ gục xuống tức tưởi, những quả mít non ứa nhựa văng tung tóe. Cây này mít mật, hồi còn sống ông nhà thích ăn lắm. Cây này mít dai ta, mật ống, múi dài vàng óng ả. Cây cao, hai ông bà già không làm sao trèo hái được nên mùa mít năm nào cũng để chín rụng gốc cây. Mùi mít chín thơm gió đưa thoảng khắp vườn. Quả thì mang chia hàng xóm gần kề lấy thảo. Quả thì gửi xuống cho con cháu dưới thành phố ăn cho đỡ nhớ quê. Cây vú sữa năm nào cũng sai quả, những người khách quen cứ chờ đến mùa là tìm đến tận nơi. Cây chắt chiu những trái ngọt thơm, thêm thắt cho ông bà đồng ra đồng vào tuổi xế chiều mà không cần dựa vào con cháu. Khi cây đổ gục xuống vườn, từng mắt lá xanh non nhìn bà như một lời chào. Hùng đếm tiền xoèn xoẹt, chép miệng bảo: Nếu không vội còn được giá hơn ấy chứ. Bà vỗ vỗ vào những thân cây vừa được chủ mới đánh bầu dặn dò điều gì đó. Bà mong chúng sẽ vươn cành tỏa bóng mát xanh ở một khu vườn khác. Điều chúng có thể mang đi từ khu vườn cũ chẳng có gì ngoài bầu đất bao bọc lấy bộ rễ của mình.
Tối ấy bà nói lại với con một lần nữa, muốn bán gì thì bán phải giữ lại bốn cây khế ngọt trồng ở bốn góc vườn. Hùng ăn vội bát cơm còn kịp hẹn khách xem cây, cười bảo:
- Mấy cây khế già cỗi lại xấu xí cũng chẳng ai mua đâu mẹ. Mà tại sao mẹ cứ nhất quyết phải giữ chúng làm gì?
- Chính tay bố đã chôn dưới gốc chúng cuống rốn của các con và thằng Bi cháu nội.
- Chính ra bố hay phết, chôn cuống rốn dưới mấy cây khế ngọt vốn chẳng có giá trị kinh tế nên mới giữ được lâu. Có khi bố tính toán cả rồi mẹ nhỉ?
Miếng cơm trong cổ bà nghẹn lại. Ông bà chỉ mong sao các con sống một đời hoa thơm trái ngọt. Dù có bôn ba ở nơi đâu cũng vẫn nhớ quê hương là cội nguồn chôn nhau cắt rốn, là những chùm khế ngọt chiu chắt đợi mong. Người trồng từng gốc cây xuống mảnh vườn này chưa bao giờ nghĩ đến một ngày sẽ đốn chúng bán đi. Con trai bà không phải kẻ trồng cây nên chẳng thể nào hiểu được niềm vui của người làm vườn.
Sau một tuần những tiếng cưa, tiếng cuốc, tiếng máy xúc ầm ĩ vang lên thì khu vườn đã trống huơ trống hoác. Bà cụ đứng giữa mảnh vườn thân thuộc nghe mất mát thắt nghẹn trong lồng ngực. Chẳng mấy ngày nữa bà sẽ phải bỏ lại ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm này để xuống phố cùng con cháu. Bà biết các con đều bận rộn tối ngày. Rồi những ngày tháng sau này, khi một mình trong căn nhà chung cư chật hẹp, bà chỉ có thể vịn vào ký ức để đi qua những ngày tháng cuối đời ở một nơi ồn ào, xa lạ.
- Họ hẹn ngày mai sẽ đến làm thủ tục mua bán nhà. Xong xuôi con đón mẹ xuống thành phố luôn. Để mai con đưa mẹ đi chào anh em họ hàng và bà con làng xóm.
- Đi lần này chẳng biết bao giờ mới quay về.
- Mẹ đừng buồn, thỉnh thoảng giỗ chạp con sẽ thu xếp đưa mẹ về. Giờ đi lại dễ dàng, lên xe ngủ một giấc là về đến quê nhà thôi mẹ.
Nghe con nói vậy bà chỉ biết gật đầu. Nhưng trong thâm tâm bà biết nhà cửa đã bán rồi thì đường về quê sẽ xa hơn. Người ở quê chưa thấy người đã nghe thấy lời chào. Vậy mà lần này nói lời từ biệt với hàng xóm láng giềng sao mà khó quá. Những bàn tay nắm níu lấy nhau. Ai cũng bảo: “Sau này về quê cứ ở nhà tôi. Mâm thêm bát thêm đũa, nhà cửa, giường chiếu đều rộng rãi. Lo gì”. Bà biết chứ, đâu có điều gì rộng rãi bằng tấm lòng của người quê. Người khó xa người âu cũng vì sự tử tế dành cho nhau cả một đời gắn bó. Bà không quên gửi gắm hàng xóm về cặp vợ chồng trẻ sắp chuyển tới nơi này. Trông hai cháu ấy hiền hậu lắm. Có lạ lẫm, khó khăn gì nhờ các ông các bà giúp đỡ.
Sáng hôm người mua nhà tới. Họ sững người nhìn mảnh vườn tan hoang trước mặt. Không một lời trách móc nhưng sao bà vẫn không dám nhìn vào đôi mắt không giấu nổi nỗi buồn của người đàn bà trẻ. Có thể lúc trước tới xem nhà họ quyết định đặt cọc cũng vì yêu màu xanh của mảnh vườn này. Tuy chẳng có thỏa thuận nào về việc phải giữ lại cây cối trong vườn nhưng bà thấy áy náy như làm điều có lỗi. Cũng may chị vợ tỏ vẻ thích những cây khế ngọt còn sót lại trong vườn đang mùa sai trĩu quả. Anh chồng cúi xuống nâng cành chanh cúi rạp do mấy hôm cây cối kéo qua. Lúc nhìn thấy người đàn bà trẻ thương xót mấy bụi hoa dập nát bà tin rằng rất nhanh thôi mảnh vườn sẽ hồi sinh dưới bàn tay người chủ mới. Ý nghĩ ấy khiến bà được an ủi trước lúc rời quê.
Sáng ấy, hành trang bà mang theo chẳng có gì ngoài ký ức và một chùm khế ngọt…