Thứ Năm, 16/01/2025 12:53 CH
Tháng bảy ngọt đồng – truyện ngắn của TỐNG PHƯỚC BẢO
Chủ Nhật, 28/07/2024 15:00 CH

Minh họa: PV

Bà lấy ông sau ngày đất nước thoát cơn lửa đạn, ông trở về trên đôi nạng gỗ, bỏ lại đâu đó trên chiến trường một cái chân. Bà thương ông nên xin tía má cho cưới. Đám cưới nghèo đơn sơ, ông đem qua xấp lãnh Mỹ A, cùng đôi bông tai mù u làm bằng đồng điếu. Thời còn xơ xác, bạn bè tản mác sau chiến tranh, mâm cỗ chỉ là đôi vịt đồng với vài con cá khô của miệt bưng biền. Mấy anh bạn đồng đội cho thêm dăm ba cục xà bông thơm Bến Thành. Cứ vậy bà theo ông. Xuôi dòng Nha Mân về Phú Tân. Nay ngót chừng 50 năm. Thời gian cho ông bà một mái gia đình, với bốn đứa con, đủ đầy nếp tẻ. Ông bà đặt cho bốn đứa, tuần tự: Tiến, Lên, Phía, Trước.

 

Ông thích ăn các món mắm cá của bà. Mấy bận mắm nhà dư, ông chiết ra hũ, đem biếu bạn bè mỗi dịp tết. Ông đi công tác xa đôi ba ngày, cũng kêu bà gói hũ mắm. Hồi ông ra ngoài Bắc học, thèm quá cũng nhờ bạn bè có ra ngoài ấy công tác thì đem năm ba hũ mắm cho ông ăn. Nhà lúc nào cũng có mắm, bữa cơm lúc nào cũng không thể thiếu. Có lần mấy đứa con nói giỡn với nhau: Hổng chừng tía lấy má vì mê món mắm của má. Ai đời muối mắm nhà ăn, mà bà nhất quyết đón ghe hàng, để mua cho bằng được muối Bạc Liêu. Bà hay nói với đám con, chỉ muối Bạc Liêu mới không làm mắm trở. Khạp mắm của bà, vì thế thơm sực nức mỗi độ mắm chín.

 

* * *

 

Má nói với đám con má làm đơn rồi, hôm tòa kêu ra xử, tía cũng không về. Thẩm phán nói má là phải hòa giải ba lần mới bắt đầu xử. Tuổi này đâu có cần gì phải suy nghĩ nữa bay ơi. Ổng đi thì má sống một mình. Nghĩ cho thông, cuối đời má sống cho má, khỏi cơm bưng nước hầu, khỏi ra vào ngóng trông ai chi cho mệt tấm thân. Chừng tụi bay lớn rồi, vậy là má yên lòng. Không phải bà Lành hay bà nào thì cũng vậy. Đó không phải nghĩ thanh thản rồi mới buông được, mà mình buông rồi mới hiểu được sự thanh thản từ đâu ra…

 

Má đung đưa cánh võng nhịp nhàng. Giọng chậm rãi phả vào buổi nhá nhem cái ngữ điệu thê thiết. Má cúp điện thoại mà đám con nghe rõ tiếng bìm bịp kêu nước lên. Triền sông cứ vơi đầy theo con nước. Má vẫn cứ chờ tía như vậy suốt bao năm trường. Dẫu đã xế bóng đường tà. Tía nghiệt chi quá đỗi.

 

* * *

 

Phía thay mặt mấy anh chị em về quê gấp, nhìn người đàn bà chừng tuổi má đang ngồi trước mặt mình. Căn nhà Tình nghĩa vừa mới được bàn giao, khang trang và sạch sẽ. Giọng người đàn bà trầm mặc khi nhắc mấy chuyện xưa. Dì đội ơn ba con lắm. Hổng biết làm sao trả hết nổi. Từ ngày ổng tìm được dì, là ổng hết lòng giúp đỡ. Chồng dì là bạn chí cốt năm xưa của ba con. Hai ông bạn vào sanh ra tử biết bao nhiêu trận chiến. Vậy mà một đi một về. Chồng dì nằm lại mãi mãi trong trận Long Xuyên. Cho đến bây giờ vẫn không tìm thấy xác. Nghe đâu tụi địch hồi đó nó thiêu sống lúc ổng đang bị thương.

 

Tuổi này rồi mà căn nhà dột tới dột lui. Ba con vận động anh em cựu chiến binh rồi thêm mấy người hảo tâm cho tiền dì xây lại căn nhà. Thiệt ra, tiền đâu có bao nhiêu, nên ổng với mấy ông bạn lên đây, vừa phụ mấy việc lặt vặt vừa canh đống vật tư mình mua về. Mấy ông bộ đội gặp nhau mừng như thắng trận. Cứ luyên thuyên suốt ngày. Bàn thờ ông nhà dì, lâu rồi mới ấm khói nhang vậy. Dì bị tim, tỉnh cũng hỗ trợ cho mổ một lần, nhưng nay ốm mai đau, có căn nhà chui ra chui vào yên ổn tấm thân.

 

Câu chuyện ngắt quãng khi đầu nhà nghe các cựu chiến binh hồ hởi kéo về, sau khi vừa đi tặng mấy thùng đựng nước cho bà con trong mùa nhiễm mặn. Xã này nhiễm mặn nặng nhất tỉnh. Các cựu chiến binh lại đi vận động, gom góp lương hưu ít ỏi của từng người. Của ít lòng nhiều, nhưng khi đi tặng thì lại lấy danh nghĩa người đồng đội đã mất. Chút việc làm nhỏ nhoi, mang tên người bạn, như đền ơn xóm giềng nơi đây đã cưu mang cho bà vợ bạn mình trong những ngày khốn khó. Phía thấy tía, nét mặt hơi trầm ngâm, nhưng lại cười vội. Mâm cơm trưa trong ngôi nhà người đồng đội vang tiếng cười.

 

Đâu còn bao nhiêu năm nữa tụi chú cũng đi gặp đồng đội. Lúc đó mình sẽ mát lòng mát dạ mà gặp. Nếu không phải chồng bà Lành xông lên tuyến đầu, thì tụi chú còn ngồi đây được hay sao? Tầm tuổi này của tụi chú, làm được gì cho đồng đội là vui rồi. Mà nè, nay về nhắn má nghen con. Mắm bả ủ ăn số dách. Tụi chú mấy nay ăn riết đâm ghiền. Hèn chi tía con đi đâu cũng ôm theo mấy hũ. Bên mâm cơm tân gia, mấy ông bộ đội già vào vài ly rượu lại hát vang khúc quân hành. Đâu đó trong những cặp mắt ánh lên cả phần đời thanh tân cống hiến cho đất nước. Sau buổi này, vậy là ai về nhà nấy, lại tất bật chuyện gia đình, cháu con. Nhưng hễ một tiếng kêu, là cả đội lại í ới lên đường chung tay. Mấy ông bộ đội tự đặt cho mình, những chuyến đi ấy là trả nợ ân tình.

 

* * *

 

Xuôi chuyến xe theo lời Phía, mấy anh chị em về quê ngày cuối tuần. Mâm cơm chiều lâu lắm rồi mới đủ đầy cháu con. Mùa này sông cạn trơ, nước mặn ngập đồng, đất nứt nẻ thành lốc. Nên hổng biết năm nay có cá cho má làm mắm nữa hay không. Hai Tiến gắp khúc cá linh, chấm mớ rau tập tàng, vỗ đùi khen đã cái miệng gì đâu. Không đứa con nào nói với nhau, nhưng vẫn biết tía má còn giận nhau.

 

Tía giận má không dưng lên tòa đưa đơn ly dị. Trời ơi, bảy chục tuổi rồi chứ ít ỏi gì. Giờ mà lên huyện cà phê với mấy ông bạn chắc người ta cười thúi mặt. Má thì khăng khăng sao lại bán đất đem tiền cho bà Lành. Đâu có chuyện kỳ khôi vậy. Đời đâu ai đem của mình cho thiên hạ. Bốn năm rồi, từ lúc tía kể gặp được bà Lành, là tía cứ tiếng một tiếng hai cũng bà Lành. Mâm cơm ồn ào từ mấy đứa con, chứ tuyệt nhiên tía má chẳng thèm nhìn nhau.

 

Phía thấy vậy, gác đôi đũa xuống. Thì thôi con nói tía vậy nè, đất thì không bán, nhưng ơn người ta vì mình mà hy sinh thì phải trả. Rồi Phía kể câu chuyện người anh em chí cốt đã vì tía mà hy sinh trong trận chiến. Nếu người đồng đội đó không đánh lạc hướng giặc, thì tía không được cáng thương đưa về Châu Giang một cách an toàn. Tía mất một cái chân, nhưng người bạn đó đã vĩnh viễn không về nữa. Tía mang cái ơn đó miết trong lòng, cả quãng đời đi tìm gia đình bạn, bây giờ mới gặp. Cạn cùng cuộc đời, tía muốn trả món nợ thâm sâu này thế thôi, chứ chẳng có gì cả. Phía đã đến, đã gặp và đã hiểu. Hổng riêng gì tía, mấy cựu chiến binh cũng toàn làm thế. Đó là lý tưởng của những người còn ở lại. Cho dù mình có làm gì đi nữa, cũng không bù đắp hết năm tháng vò võ mình ên của bà Lành. Ai cũng có một số phận, chỉ hơn thua nhau ở chỗ mình biết sống tử tế với số phận đã an bài cho mình hay không mà thôi. Chỉ khi ngồi hát khúc quân hành với mấy ông bộ đội già, mới hiểu tại sao mấy ổng già vậy mà vẫn cứ lặn lội muôn nơi đi tìm đồng đội. Là cái tình, là cái nghĩa, chẳng tiền bạc nào mua được đâu.

 

Bà ngồi nhìn ông, trong đôi mắt in hằn những vết xước thời gian, lóng lánh những dòng nước. Tháng bảy thổi lên châu thổ những cơn gió ngọt nước đồng sau mấy trận mưa đầu mùa. Bảy mươi tuổi đời, với ông mỗi tháng bảy luôn là tháng nhắc nhớ về nghĩa ân của người nằm xuống để đất này luôn xanh lành những bình yên. 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek