Thứ Sáu, 17/01/2025 00:01 SA
Người bạn ở bệnh xá – truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Chủ Nhật, 28/04/2024 15:00 CH

Minh họa: PV

1. Tướng người dong dỏng cao, mảnh khảnh nhưng thừa nam tính. Kiểu tóc để dài, xoăn tự nhiên cùng đôi mắt là một tiểu vũ trụ bí ẩn. Nổi trội nhất là hoạt ngôn và giỏi lèo lái khi trò chuyện. Lúc dí dỏm thông thái, khi trầm ngâm vô ngôn, rất khó nắm bắt. Với tất cả những đặc điểm đó, anh đã khiến một cô gái không định yêu lại hóa si tình.

 

Hôm đó tôi và anh hẹn nhau cà phê. Anh rủ ăn sáng, tôi chọn món cháo. Biết tôi không thích cháo, anh hỏi sao kỳ vậy, tôi nói tại hổm rày đau răng. Anh lo lắng: Sao nãy giờ không chịu nói? Rồi anh nhìn chăm chăm vào khuôn miệng lộ niềng răng kém thẩm mỹ làm tôi sượng đỏ mặt. Nhìn một chập, anh bảo lấy cái hàm giả ra, há miệng cho anh xem. Ồ, cái gì? Tôi có thể làm được mọi điều anh muốn trừ việc để người đàn ông mình ngưỡng mộ nhìn vào vòm miệng trống trơn. Nhưng anh nói, gỡ - ra - mau! Anh nói như ra lệnh, tôi biết anh không đùa, có nghĩa tôi không còn quyền từ chối.

 

Tôi ngại ngùng há miệng. Anh bất ngờ đưa ngón tay ấn xuống phần lợi, tôi đau rớt nước mắt.

 

- Mai thu xếp đi nha khoa gấp!

 

Không mà, em sợ mùi bệnh viện lắm. Tôi viện cớ: Em có tiền sử chấn thương sọ não nên đã từng muốn đi nhổ mấy cái gốc răng còn sót lại, bác sĩ kêu nếu chưa có chỉ định của bác sĩ khoa thần kinh trong Chợ Rẫy thì không dám động vào. Nhưng nay đã mười năm rồi, y học tiến bộ từng ngày, giờ đi khám lại xem sao. Tôi lắc đầu rưng rưng. Anh nói cứ quyết vậy đi, không chịu thì mình chia tay luôn trong hôm nay. Tôi ngoan ngoãn gật đầu cái rụp.

 

2. Anh dắt tôi vô Nha Trang, một trung tâm nha khoa tư nhân khá lớn. Anh bảo nơi này do một người bạn thân giới thiệu. Người làm ra nó là một vị bác sĩ tài ba, từng là lính ở chiến trường, sau giải phóng đã đậu đại học Y chuyên răng hàm mặt, sau có tu nghiệp nha khoa ở Pháp.

 

Sau khi siêu âm, khám xét, một nha sĩ trẻ - với vẻ mặt trầm ngâm, phán:

 

- Nhiễm trùng mô nướu nặng, quanh chân răng sưng đỏ, xuất hiện nhiều ổ mủ.

 

Anh liền hỏi nha sĩ: Có còn kịp cứu vãn không?

 

- Nếu không xử lý kịp thời sẽ hỏng xương ổ răng. Bây giờ nếu không làm, chỉ cần một tháng nữa, có nghìn tỉ cũng chẳng thể cứu được hàm răng này - nha sĩ cảm thán.

 

- Nhưng em bị bệnh máu khó đông… và… tôi ấp úng, rồi nói nhỏ vào tai anh “mà em cũng không đủ tài chính với một kế hoạch lớn như vậy”.

 

Người yêu tôi bèn thổ lộ khéo léo tình cảnh đó, anh nha sĩ bảo anh chị đợi lát. Một lát sau, một người mặc blouse trắng có vẻ đã đủ tuổi về hưu bước ra tiếp chúng tôi. Bác xem kỹ càng hồ sơ bệnh án, lưỡng lự một chút rồi nói:

 

- Muốn làm triệt để nó, sẽ phải tốn thời gian và tiền bạc, nhưng nhất định phải làm sớm.

 

- Nhưng?

 

- Hiểu rồi, yên tâm, nếu bây giờ tài chính không đủ, bệnh nhân có thể trả góp.

 

Ồ, đây là điều đặc biệt hiếm hoi mà tôi được nghe. Như sợ tôi không tin, bác nói:

 

- Từ khi mới mở chứ không phải bây giờ, trong trường hợp “cấp cứu”, nếu bệnh nhân khó khăn, chúng tôi có chương trình hỗ trợ.

 

OK. Xong một nỗi lo lớn.

 

Tôi nằm trên bàn cho người ta mài, khoan, đục đẽo mấy chiếc răng lẻ bạn, nằm há miệng mà nước mắt chảy tràn. Không phải vì ê răng mà do buốt nơi con tim. Cú ngã đã chục năm rồi mà giờ còn phải chịu đau đớn. Biết chừng nào mới hết khổ với nó đây? Nghĩ vậy là không cầm được nước mắt.

 

Xong 3 tháng hè, tôi có được hàm răng sứ cố định. Cảm ơn tình nhân đã truyền động lực để tôi phục sinh mình. Vì như thế nên tình yêu tôi dành cho anh có tôn thờ và cả sự hàm ơn. Và nữa, tôi muốn tận đáy lòng cảm ơn vị nha sĩ đức độ đã tư vấn chu đáo và tận tình, hiệp nghĩa nên mua giỏ trái cây đến hậu tạ sau khi “khánh thành” công trình nhai mới bằng việc gặm một lúc 3 trái bắp.

 

- Cô giáo ở Đông Hòa, cháu thuộc xã nào?

 

- Dạ Hòa Tân.

 

- Hòa Tân, xưa tui cũng có một người bạn ở đó nhưng sau giải phóng, bạn về quê, tui tiếp tục đi tu nghiệp rồi lạc nhau.

 

- Không có cách nào để liên hệ hả bác?

 

- Chắc cũng tại mình tham công việc. Chứ trong tâm trí vẫn nhớ bạn, có cái gì rất khó chịu, cũng tính đi tìm nhưng cứ lần lữa mãi. Nhiều khi tui nghĩ bi quan, không biết có còn gặp nhau lần nào trong cuộc đời này nữa không? Đời người, dễ mấy ai có được một tình bạn đẹp mà rồi đã chẳng biết giữ gìn…

 

Bác nói nhưng nhìn đi đâu ra cửa chứ không nhìn vào chúng tôi. Nói rồi im lặng. Tôi dở giao tiếp nên chẳng biết cách để phá vỡ khoảng bối rối đó. Cũng may, người yêu tôi gỡ rối:

 

- Tụi cháu ở Cảnh Phước, còn bạn chú quê ở thôn nào, còn nhớ không chú?

 

- Không biết thôn nào, hồi đó nó kêu nhà ở gần chợ Xổm. Vì cái tên chợ nghe là lạ nên nhớ miết.

 

Ồ, có sự trùng lặp dễ thương nào ở đây. Tôi hỏi người bạn đó tên gì. Bác bảo tên Tấn, Hai Tấn. Ồ, là ba cháu rồi, bác sĩ ơi, là ba cháu...

 

3. Xe dừng ngoài ngõ, ba tôi đã đứng trước cửa chờ sẵn. Không kịp vô nhà, hai người đàn ông tóc đã bạc hơn nửa ôm chầm lấy nhau, hai cánh tay làm động tác như đang thi vật tay nhau thời trai trẻ, tôi hiểu đó là mật ngữ tâm giao của họ.

 

Chiếc bàn tròn bằng gỗ cũ kỹ ba vẫn ngồi uống trà thường ngày, hôm nay có khách quý, chiếc bàn tự dưng thấy cũng trang trọng hơn khi được làm nhân chứng cho cuộc hạnh ngộ sau bao năm bể cạn đá mòn. Tôi ngồi ở nhà dưới nhưng vì tai thính nên câu chuyện của hai người bạn ở chiến trường tôi nghe không sót từ nào. Càng nghe càng ngấm ngầm ngưỡng mộ.

 

Hồi đó, bác Thanh làm bác sĩ ở chiến trường. Bác quê miền Trung nắng gió nhưng đã tập kết ra Bắc. Thật khó mà tin được, một thanh niên tốt nghiệp THPT đã tạm ngưng việc học vào chiến trường miền Nam, chiến trường Tây Nguyên gian khổ, ác liệt. Thiếu muối một thời gian dài khiến cơ thể bác sĩ, bệnh nhân ở trạm xá phù lên. Còn ba tôi, lưu lại bệnh xá vì bị thương ở mặt. Đói khát, bệnh đau, đêm ngủ chỉ nằm mơ được ăn chén cơm hẩm với nước mắm dầm ớt của mẹ. Thật tệ, vì chỉ ăn no trong giấc mơ nên tỉnh dậy càng thấy đói.

 

Ở chiến khu, cái chết lúc nào cũng lơ lửng trên đầu, cận kề trong gang tấc. Lần đó, một trận bom đã dội xuống bệnh xá. Ba tôi, anh chiến sĩ đang bị ốm đã nằm đè lên vị bác sĩ đang điều trị vùng xương hàm của mình vì bị một đường đạn tạt ngang. Lồm cồm ngồi dậy trong đất đá, hai người bạn ôm nhau như hai người thân vừa trở về từ cõi chết. Một lần khác kịch tính hơn, khi nghe tin sẽ có một trận càn ở nơi bệnh xá đang đóng với phái đoàn có trực thăng thì bác sĩ trưởng đã có lệnh chuyển bệnh xá. Một chiến công thầm lặng. Bệnh xá có 16 người, cán bộ và nhân viên. Di chuyển trong rừng bình thường đã khó, giờ phải mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc thuốc men, lương thực dự trữ, băng rừng dưới những làn đạn. Qua bao nhiêu gian khó, thành công rồi, khi những trận bom được trút xuống thì bệnh xá đã yên vị ở một nơi mới an toàn. Cả bệnh xá quyết nhịn đói, nhịn khát, nhịn đau chứ không để bất kỳ một dấu vết, manh mối nào.

 

Lần di chuyển đó, người chiến sĩ bệnh nhân là ba tôi đã xốc vác giúp đỡ một cách tận lực cho bệnh xá. Cũng lần đó, bác sĩ Thanh đã lạc đường về nơi tập kết mới. Một đoạn đường có nhiều hố nhỏ, chu vi và khoảng cách các hố nằm rải rác đều nhau, ra là đường voi đi. Vị bác sĩ vóc dáng thư sinh đã bước hụt chân, lộn cổ xuống một cái hố bên đường, may vấp lại một bụi cây nên nằm bên lề suối. Ba tôi đã tìm và đưa được bác sĩ về bệnh xá sau mấy ngày vật vã với vết thương ở chân. Mấy trái dại trong rừng bạn hái được hôm ấy ngon hơn bất cứ món sơn hào hải vị trên đời này - bác Thanh kể lại câu chuyện bằng giọng nghẹn ngào.

 

Ngày 30/4/1975, bệnh xá vẫn ở trong rừng - khi ba tôi đã về lại với tiểu đoàn của mình và hăng hái dốc toàn sức cho trận đánh cuối cùng.

 

Khoảng 5 giờ chiều, bác sĩ Thanh đang kể mà nước mắt đã từ từ lăn xuống má - ở trong bệnh xá, nghe được tin Sài Gòn giải phóng từ trưa, cả bệnh xá sung sướng reo lên. Đến cả khu rừng cũng mừng rỡ, vỡ òa niềm hạnh phúc thiêng liêng sau bao ngày mong mỏi.

 

*

 

Có ai ngờ, mới đó mà hai mái đầu đã bạc trắng. Nghĩ cũng lạ, hai người ngày xưa bom đạn ác liệt nhưng vẫn kề vai sát cánh, giờ ở thời bình, lại khó tìm gặp nhau… Bác Thanh nói xong, hai người bạn không hẹn mà cùng nâng tách trà lên cụng.

 

Tới lúc này, tôi không ngoan ngoãn lắng nghe nữa mà đành thất lễ chen ngang: Dù không sát cánh với nhau thì tình cảm giữa bác và ba, những người gặp nhau ở bệnh xá ác liệt năm nào vẫn là một điều thiêng liêng bất khả xâm phạm ạ… - hai tách trà lại được cụng nhẹ và đưa lên môi, hai khuôn mặt chằng chịt những vết nhăn đang nhìn về nhau bằng tất cả chân thành… 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek